Phù to chi sau điều trị ung thư vú, xử trí thế nào?

Một trong những tác dụng phụ thường gặp trong điều trị ung thư, đặc biệt trong ung thư vú là tắc nghẽn, ứ đọng dịch trong hệ bạch huyết, dẫn đến vùng cánh tay bị phù to.

Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Văn Phùng, Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bạch huyết là một chất lỏng trong suốt, giàu protein thu thập từ các mô cơ thể, vận chuyển chất béo và protein từ ruột non. Bạch huyết di chuyển khắp cơ thể, trong các mạch bạch huyết để tìm kiếm vi khuẩn, virus, chất thải, độc tố và mang chúng đến các hạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết sau đó sẽ lọc chất lỏng để đào thải các tạp chất ra khỏi cơ thể.

Phù bạch mạch do sự tổn thương các mạch hoặc hạch bạch huyết, có thể xuất phát từ nguyên nhân nhiễm trùng, ký sinh trùng, ung thư hoặc xạ trị ung thư, phẫu thuật hoặc do chấn thương… Đây là nguyên nhân thứ phát, hay gặp nhất so với các phù bạch mạch bệnh lý (nguyên phát).

Cách nhận biết phù bạch mạch sau điều trị ung thư?

Triệu chứng phổ biến nhất của phù bạch mạch là sưng ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc chân. Biểu hiện sưng, có thể đến các ngón tay hoặc ngón chân, và chúng thường phát triển dần dần theo thời gian.

Lúc đầu, vị trí phù tay voi sẽ sưng, mềm. Theo thời gian, nó có thể trở nên dày đặc, xơ cứng hơn và có thể làm cho da của người bệnh trông nổi hạt. Người bệnh cũng có thể bị đau, nặng nề cánh tay, chân hoặc phạm vi chuyển động ở chi bị ảnh hưởng, gây khó khăn khi vận động, sinh hoạt.

Theo thời gian, các triệu chứng này có thể dẫn đến các đợt nhiễm trùng, một số trường hợp có thể dẫn đến ung thư. Nếu biểu hiện sưng ở cánh tay hoặc chân không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa.

Đánh giá giai đoạn phù bạch mạch trong điều trị:

Giai đoạn sớm: Hệ bạch huyết bị tổn thương một phần do xạ trị hoặc do phẫu thuật điều trị ung thư. Việc điều trị ở giai đoạn sớm phù bạch mạch sẽ dễ hồi phục hơn. Các triệu chứng ban đầu của phù bạch mạch là sưng ở một chi, thường đi kèm với sự khó chịu ở mức độ thấp và đôi khi có thể đau nhẹ. Người bệnh có thể thấy khó khăn hoặc chật chội khi mặc quần áo.

Giai đoạn I: Nếu giai đoạn sớm bị bỏ qua hoặc không được điều trị, hiện tượng phù ấn lõm có thể xảy ra. Đây có thể xem là giai đoạn đầu tiên của phù bạch mạch, còn được gọi là phù bạch mạch đảo ngược. Ở giai đoạn này người bệnh có biểu hiện phù nhẹ, mềm ấn lõm không xơ hóa, thấy giảm sưng nề rõ khi nâng cao chi.

Giai đoạn II: Giai đoạn này được nhận biết thông qua việc da xơ cứng lại, không còn khả năng tự hồi phục. Khi dùng tay ấn vào da, vết lõm sẽ vẫn còn và không tự trở lại trạng thái ban đầu, không giảm sưng nề khi nâng cao chi, vùng da mặt lưng ngón tay, ngón chân không thể kéo lên hoặc kéo lên rất khó khi so sánh với vùng da ở chi bình thường. Nhiễm khuẩn da cũng thường hay gặp ở giai đoạn này.

Giai đoạn III: Được gọi là giai đoạn phù vĩnh viễn. Ở giai đoạn này, da của người bệnh bị sưng căng cứng, rất khó để nắm lấy da bằng hai ngón tay. Trên da có nhiều nhú sần sùi, nang hóa, có đường dò và dày sừng. Các nếp gấp da sâu hơn ở cổ tay và cổ chẩn, người bệnh không có hoặc ít ấn lõm. Nhiễm khuẩn ở da, ở móng do vi khuẩn và do nấm thường xuyên, dù có điều trị.

Tuỳ theo giai đoạn phù bạch mạch, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Để đạt hiệu quả, người bệnh cần được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu (giai đoạn sớm đến giai đoạn III) tại các cơ sở y tế chuyên sâu với trình độ chuyên môn cao trong phẫu thuật vi phẫu và siêu vi phẫu.

Theo vtv.vn