1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Phủ sóng” hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân

(Dân trí) - Đến năm 2020 các thông tin sức khỏe của mỗi công dân sẽ được lưu trữ dưới dạng hồ sơ điện tử. Đây sẽ là cơ sở để người dân chủ động bảo vệ sự sống của mình và cũng là “vũ khí” hỗ trợ bác sĩ khám bệnh, cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân.

“Phủ sóng” hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân - 1

Hồ sơ, bệnh án viết tay đã trở nên lạc hậu trong thời đại công nghệ 

Ngày 17/6 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chủ trì buổi Hội thảo “đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử” toàn dân. Mục tiêu của hồ sơ sức khỏe là thu thập các thông tin liên quan đến cá nhân của công dân, bao gồm các thông tin lịch sử sức khỏe từ lúc sinh ra, thông tin tiêm chủng, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, thông tin di truyền và các thống tin sức khỏe trong quá trình khám chữa bệnh trong suốt cuộc đời của cá nhân.

Việc thu thập thông tin sẽ giúp người dân có thể làm chủ được tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có thể cung cấp thông tin cần thiết đến các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để phục vụ cho việc khám, chữa bệnh của bản thân. Việc tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình cũng sẽ nâng cao ý thức tự giác phòng bệnh của mỗi công dân trước nguy cơ của các loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng.

“Phủ sóng” hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân - 2

Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ tổng hợp đầy đủ thông tin về người bệnh từ lúc sinh ra đến lúc mất đi

Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cũng giúp các bác sĩ có được “vũ khí” quan trọng trong phòng và điều trị bệnh cho cộng đồng. Những thông tin tổng hợp chi tiết về bệnh sử của người bệnh sẽ cung cấp cho các bác sĩ tình trạng chi tiết về sức khỏe của bệnh nhân, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ khi kết hợp bệnh sử với thăm khám hiện tại để đưa ra nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện nhất, phát hiện bệnh sớm, hồ sơ sức khỏe điện tử còn giúp bác sĩ kịp thời cứu chữa tính mạng của người bệnh trong những tình huống cấp cứu khẩn nguy.

PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện cả nước đã có 24 tỉnh thành triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử với những hiệu quả khả thi. Ngành y tế đang chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh bằng trí tuệ nhân tạo;  khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

“Phủ sóng” hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân - 3

Bệnh án trên giấy đang khiến nhân viên y tế khổ sở trong việc ghi chép, lưu trữ

PGS Quý Tường nhận định, hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ là cơ sở dự liệu y tế quốc gia, mỗi người dân từ lúc có khai sinh cho đến khi mất đều được cấp một mã số bảo hiểm xã hội. Vệc xây dựng mã định danh y tế dựa trên mã số bảo hiểm xã hội gần như không bỏ sót người dân nào, trừ những trường vì  lý do nào đó, công dân chào đời nhưng chưa có giấy khai sinh”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết để đạt mục tiêu 90% dân số được quản lý sức khỏe vào năm 2025, Bộ Y tế đã khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Hiện bộ đã phê duyệt đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018- 2020. Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 7 tới sẽ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc.

“Phủ sóng” hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân - 4

Hồ sơ sức khỏe điện tử được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong quản lý và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Thu thập thông tin, quản lý hồ sơ ra sao?

Nguồn 1, thông tin lịch sử ban đầu

Thông tin sẽ bắt đầu từ thời kì trước sinh (thai nhi) qua thông tin chăm sóc của người mẹ, thông tin sức khỏe sơ sinh, thông tin tiêm chủng, các yếu tố liên quan đến sức khỏe, là đối tượng trong chương trình mục tiêu quốc gia….

Nguồn thông tin này xuất phát từ tuyến cơ sở do các hoạt động y tế cộng đồng và được nhập vào từ chính người dân sở hữu hoặc do cán bộ chuyên trách của cộng đồng nhập vào (trong trường hợp người dân chưa làm chủ được hồ sơ sức khỏe cá nhân của mình)

Nguồn 2, thông tin bệnh án điện tử

Là nguồn do các hoạt động thăm, khám bệnh của người dân. Nguồn tin này có tính chất chuyên ngành thuộc nghiệp vụ khám, chữa bệnh, và do các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp. Khi đã có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, thì người quản lý (sở hữu) là do chính người dân hoặc người được ủy quyền quản lý. Người sở hữu có quyền bổ sung các thông tin về sức khỏe lịch sử ban đầu. Người sở hữu có quyền xem các thông tin khám chữa bệnh của mình, nhưng không có quyền thay đổi thông tin. Trong trường hợp hồ sơ sức khỏe cá nhân chưa xác định có sở hữu, thì đơn vị phụ trách cộng đồng – xác định là các trạm y tế xã/phường - tạm thời là đối tượng sở hữu của hồ sơ.

Vân Sơn