Phụ nữ ngoài 40 tuổi nên chụp MRI nếu nghi ngờ ung thư vú
(Dân trí) - CT và MRI là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, có giá trị trong việc phát hiện sớm ung thư, nhưng cũng khiến không ít người lo ngại vì liên quan đến tia X và giá cao.
BS Hoàng Phương khuyên chị em phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư vú bằng bộ đôi siêu âm - chụp nhũ ảnh. Nói là “bộ đôi” vì 2 phương pháp này hỗ trợ cho nhau nên chị em nên thực hiện cả hai. Khi thấy có yếu tố nguy cơ bị ung thư vú, chị em nên chụp MRI vú vì MRI là phương pháp tầm soát hiện đại hơn và phát hiện tổn thương sớm hơn.
Ung thư túi mật không phổ biến bằng nhưng có những triệu chứng lâm sàng rầm rộ: vàng da, mệt mỏi, đi cầu phân trắng… chứng tỏ có cái gì đó tắc nghẽn ở đường mật. Lúc này, bệnh nhân nên kiểm tra để xem đó là sỏi hay ung thư để có hướng xử lý sớm.
Chúng ta cũng nên tầm soát hệ tiết niệu để phát hiện sớm ung thư. Ví dụ ung thư thận khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì khối u đã lớn lắm rồi. Siêu âm có thể phát hiện khối u bất thường ở thận khi chưa phát hiện trên lâm sàng.
Với câu hỏi tầm soát phổi nên chụp CT hay MRI thì BS Hoàng Phương khuyên nên dùng CT. Bởi vì MRI cho thấy bản đồ nước của bộ phận đó, trong khi ở phổi đa số là túi khí. MRI sẽ phát huy tốt hơn khi chụp hệ thần kinh, ổ bụng, cơ xương…
Về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của CT và MRI, BS Hoàng Phương khẳng định MRI hầu như vô hại. Trước khi chụp MRI, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn để lại các vật dụng kim loại, thẻ từ (ATM) ở bên ngoài phòng chụp… Với việc sử dụng tia X thì CT có thể gây ảnh hưởng nên phụ nữ có thai (đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ) không nên chụp CT.
Còn với câu hỏi có nên chụp CT, MRI toàn thân khi có nghi vấn, BS Hoàng Phương không ủng hộ quan điểm này. Bởi vì theo ông, mỗi cơ quan đều có phương án riêng tốt nhất để tầm soát. Và nếu quét qua cơ thể một lượt mà không thấy có vấn đề gì thì bệnh nhân có thể chủ quan là mình đã tầm soát toàn bộ rồi. Tốt nhất là bệnh nhân nên được bác sĩ tư vấn trước khi quyết định nên tầm soát bộ phận nào.
Hồng Nhung