Phó Giáo sư 84 tuổi đi bộ qua 20 tỉnh và “bí kíp” tự chế giúp người già khỏe mạnh
Những tháng ngày gian khổ ở chiến trường khiến sức khỏe PGS.TS, TTND Dương Xuân Đạm bị giảm sút nhiều. Tuy nhiên đến nay, dù đã 84 tuổi, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn; vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học.
PGS chia sẻ, thường xuyên và kiên trì thực hiện bài tập dưỡng sinh tự sáng chế trong 40 năm chính là bí quyết để ông có được điều đó.
Sự kết hợp giữa “Ý - Khí - Lực”
PGS.TS Dương Xuân Đạm từng tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Liên Xô (cũ), sau đó làm việc tại Bệnh Viện Quân y 108 với nhiều chức danh khác nhau. Năm 1981, ông được công nhận bác sĩ Chuyên khoa II; năm 1992 được xét phong Phó Giáo sư và Tiến sĩ y học (1996).
Về hoạt động công tác xã hội, ông cũng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng: là uỷ viên BCH Trung ương hội Vật lý Việt Nam đầu tiên (1985 - 2005); Phó Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ (1990 - 2010); Uỷ viên thường vụ, uỷ viên BCH Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam.
PGS.TS Dương Xuân Đạm sinh năm 1931 tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1950, ông lên đường đi bộ đội và tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Khi hòa bình lập lại, ông trở về trong điều kiện sức khỏe giảm sút, thương tích đầy mình. Với suy nghĩ, không thể làm gì nếu không có sức khỏe, ông quyết tâm tự nâng cao sức khỏe cho bản thân. Tuy nhiên, thành phố chật hẹp, cây xanh, công viên ít chính là trở ngại lớn nhất cho việc luyện tập. Đây cũng chính là “cái cớ” khiến nhiều người lười vận động và cũng là nguyên nhân gây ra các căn bệnh khác nhau.
“Xuất phát từ những khó khăn của cuộc sống, tôi nghĩ rằng mình cần phải tìm ra một phương pháp có thể tập được ở mọi điều kiện, hoàn cảnh. Từ đó, bài dưỡng sinh tại nhà dành cho người cao tuổi được ra đời sau nhiều năm trải nghiệm của bản thân tôi”, ông Đạm chia sẻ.
Bài thể dục dưỡng sinh của PGS.TS Dương Xuân Đạm là sự kết hợp giữa “Ý - Khí - Lực”. Đây chính là sự phối hợp giữa tập trung chủ ý, nhịp thở và vận động toàn thân. Điều đặc biệt ở phương pháp của ông là mọi động tác đều tập ở tư thế nằm. Người tập chỉ cần thực hiện ngay tại giường, nền nhà sạch hay bất kỳ nơi nào có mặt bằng phẳng, sạch. Bài tập dưỡng sinh của ông được chia làm 3 phần gồm những động tác nằm sấp, nằm ngửa và xoa bóp cơ mặt.
Với bài tập nằm ngửa, động tác đầu tiên là nằm ngửa, thở tĩnh. Người tập để cơ thể nằm trên giường và từ từ từng chân một co lên. Lúc này vừa gập chân cần kết hợp hít thở đều đặn, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng sao cho lúc hít vào khí sẽ làm phình bụng và thở ra bụng sẽ bị hóp lại. Cứ thế, thực hiện động tác từ 5 - 10 lần.
Động tác thứ hai cũng ở tư thế nằm ngửa là thở dang tay chân. Vừa từ từ dang hai tay lên đầu vừa hít vào kèm theo dang rộng hai chân, hai tay. Sau đó thở ra và khép hai tay, hai chân về như ban đầu, thực hiện 5 – 10 lần.
Động tác thứ ba là thở nâng người. Co hai chân gần sát hông, hai tay để gần hai bên người (làm điểm tựa) hít vào nâng người lên từ từ hết mức có thể rồi thở ra hạ người hết mức có thể. Tiếp đến là động tác thở gập đùi bằng cách vừa đưa hai tay lên đầu vừa hít vào, sau đó thở ra và co hai chân, hai tay ôm hai chân kéo sát vào bụng.
Cũng là động tác liên quan đến nhịp thở, động tác thở vặn người được thực hiện với tư thế hít vào co hai chân gần sát hông. Hai tay để dưới gáy rồi từ từ dang hai chân, hai tay để dưới gáy rồi từ từ thở ra khép hai chân và vặn người về một bên. Đầu nghiêng về phía ngược lại kết thúc năm động tác thở là động tác đạp xe tại chỗ, người tập co, duỗi. Hai chân kết hợp nhịp nhàng như đạp xe đi dạo kết hợp thở đều.
Động tác tập cổ được thực hiện ngay sau đó với tư thế chân duỗi thẳng, hai tay để hai bên hông. Ưỡn cổ quay sang hai bên hết mức có thể và thở đều.
Cuối cùng là động tác hồi tỉnh sẽ kết thúc bài tập ở tư tế nằm ngửa. Lúc này, cơ thể cần được thả lỏng, hai tay đưa ra, hít và thở sâu.
Ở tư thế nằm sấp, có hai động tác là ưỡn lưng và trườn người thực hiện ngay tại chỗ khi đang nằm. Với động tác ưỡn lưng, chống hai tay, hít vào rồi ưỡn lưng, sau đó thở ra và trở về tư thế ban đầu.
Còn ở động tác trườn người, chống hai tay ra phía sau, gập người về phía sau và thở đều.
Tất cả những động tác này cần thực hiện từ 5 – 10 lần, tùy theo sức khỏe mỗi người. Ngoài động tác vận động toàn thân, bài tập xoa bóp cơ mặt và thư giãn cơ thể cũng rất tốt cho sức khỏe người cao tuổi. Dùng ngón tay trỏ và giữa để xoa day mặt mũi, sau đó, sử dụng lòng bàn tay để mát xa hai bên má. Hai bên tai cũng cần được mát xa để tác động và tăng cường thính giác, đầu cũng được xoa bóp để kích thích cả một bộ máy thần kinh hoạt động. Sau khi kết thúc toàn bộ quá trình tập dưỡng sinh cần cho cơ thể thả lỏng. Cơ thể thả lỏng tự nhiên, để hai tay trước bụng, mắt nhắm, thở đều trong vòng 5 – 10 phút và nhẩm trong đầu câu “thần chú”: “Sức khỏe tuyệt vời”.
Tự trải nghiệm suốt 40 năm
Những người cao tuổi, nhất là ở những thành phố chật hẹp không có nhiều không gian để luyện tập, đồng thời chính tuổi già khiến sức khỏe giảm sút làm người cao tuổi hay chán nản, bế tắc ngay cả khi không có bệnh tật. Đây chính là nguồn động lực để PGS.TS Dương Xuân Đạm nghiên cứu và sáng tạo ra bài tập dưỡng sinh có thể luyện tập ở bất cứ hoàn cảnh, địa phận nào, giúp cơ thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn.
Bài tập cũng có những nguyên tắc nhất định: “Buổi sáng nên thức dậy từ lúc 5h và làm vệ sinh cá nhân rồi uống một cốc nước để thanh lọc cơ thể sau đó mới bắt đầu luyện tập. Tùy thuộc vào cơ thể của mỗi ngày, mỗi người mà có thể tập từ 30 phút – 1 giờ. Việc áp dụng về cường độ thời gian và số lần tập cần phải điều chỉnh một cách phù hợp với từng cá nhân để tránh quá sức ảnh hưởng đến sức khỏe” – ông chia sẻ.
Sáng chế và tự trải nghiệm phương pháp tự tạo đã 40 năm, PGS.TS Dương Xuân Đạm luôn kiên trì và luyện tập đều đặn trong các buổi sáng. Với ông, việc rèn luyện sức khỏe cũng giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày, không luyện tập là không có cảm hứng và sức khỏe để làm những công việc khác. Nhờ vậy, từ một người mang trong mình nhiều bệnh tật, thương tích từ chiến tranh, giờ đây ông vẫn khỏe mạnh, sung sức. Với khuôn mặt tươi trẻ, đôi mắt tinh anh, phong thái điềm tĩnh, dù hơn 80 tuổi ông vẫn tự mình làm những công việc cá nhân, tư vấn sức khỏe cho con cháu và đặc biệt còn là khách mời tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi trên nhiều chương trình truyền hình. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và an nhàn tuổi già thì ông vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học, thường xuyên đi du lịch và thực hiện sở thích của bản thân. Bằng đôi chân kiên trì của người chiến sĩ cách mạng, ông đã đi bộ đến hơn 20 tỉnh thành trong cả nước để tuyên truyền sức khỏe cho người cao tuổi.
Theo PGS, việc bắt đầu và duy trì một bài tập thể dục nào cũng cần kiên trì, xác định tiêu chí và mục tiêu mới đạt kết quả tốt. Việc luyện tập sẽ mạng đến một sức khỏe tốt nhưng kế hoạch luyện tập phải khoa học, phù hợp với điều kiện của bản thân mới đem lại kết quả tốt. Mục tiêu cải thiện cũng phải dựa trên thực tế sức khỏe của bản thân, cơ thể có nhược điểm gì thì tập trung khắc phục những nhược điểm đó. Theo ông, việc luyện tập ở nhà, kiên trì, bài bản và trong một không gian yên tĩnh chính là môi trường tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.
“Tôi thấy nhiều người thường chọn “đại” vào một câu lạc bộ nào đó mà không hề tìm hiểu môn thể dục, thể thao ấy có phù hợp không. Hơn nữa, việc lựa chọn vỉa hè, công viên, những nơi bụi bặm, ồn ào thường không mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa, nhiều người luyện tập với thái độ miễn cưỡng, hời hợt, không tạo ra cảm hứng sẽ không mang đến tác dụng cho sức khỏe” – ông cho hay.
Ông cho biết thêm, không chỉ nguyên áp dụng phương pháp dưỡng sinh này mà đạt được sức khỏe tốt. Người cao tuổi cũng nên tham gia vào các hoạt động khác nhưng với một thái độ hào hứng, lạc quan và vui vẻ. Luyện tập dưỡng sinh đều đặn, kiên trì cùng với niềm tin và thái độ lạc quan yêu đời chính là cách nâng cao sức khỏe toàn diện.
Theo Hồng Hạnh
Báo Gia đình & Xã hội