Phát hoảng với chuyện lương y như... ác mẫu

“Lương y như từ mẫu”, nhưng cảnh thường xuyên diễn ra tại một số bệnh viện hiện nay là có những “từ mẫu” không tiếc lời “tổng xỉ vả” bệnh nhân, nhất là bệnh nhân bị bệnh nan y…

  

Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ

Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ

Một đi không trở lại?

 

Mặc dù sự việc đã qua đi rất lâu rồi nhưng đến tận bây giờ, chị T.N một thành viên của nhóm “Sức trẻ”, Hà Nội (nhóm tự lực của những người nhiễm HIV) vẫn chưa thể quên được nỗi ám ảnh khi đến khám tại Khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.  

 

Theo lời kể của chị, khi đưa chị lên phòng đẻ, thấy kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, cô y tá đưa cho cả phòng xem, rồi mọi người xì xào, không ai muốn lại gần chị. Thậm chí, họ còn cho chị nằm riêng ở một chiếc giường đặt ở góc cuối của căn phòng.

 

Không hiểu vô tình hay cố ý, một người còn nói thật to để cả phòng nghe thấy: “Đã nhiễm HIV còn chửa đẻ làm gì”. Chưa hết, họ còn “phỏng vấn” chị một loạt câu hỏi: “Làm nghề gì?”, “Nhiễm HIV do đâu?”, “Dính” bao lâu rồi?”… “Những ánh mắt, những lời soi mói ấy tôi không bao giờ quên. Đến chết, tôi cũng không dám quay lại nơi đó” – chị T.N bức xúc khẳng định.

 

Tương tự là trường hợp của bác Nguyễn Xuân Phúc (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Bác bị ung thư máu nhưng cả nhà đều giấu, chỉ nói với bác là thiếu máu phải điều trị dài ngày. Trong một lần đi khám lại, thấy bác hỏi nhiều về tình trạng bệnh của mình, vị BS bực mình bảo: “Ung thư máu trước sau gì cũng chết, bác hỏi nhiều làm gì”. Nghe vậy, bác Phúc tuyệt vọng, không ăn, không uống và nằng nặc đòi xuất viện. Những ngày cuối đời bác sống trong đau đớn, vật vã nhưng nhất định không đến BV vì nghĩ “trước sau gì cũng chết” như lời BS nói.

 

Trong những ngày khảo sát về tình hình áp dụng khung giá viện phí mới tại một số bệnh viện tuyến TƯ, cứ tưởng mọi thứ sẽ khác, nhưng tôi vẫn bắt gặp những cảnh “chướng tai, gai mắt” xảy ra tại những nơi mà người bệnh cho là “đáng tin” nhất. Ôm mớ đồ đạc lỉnh kỉnh đủ thứ trên tay, bác Lê Văn Đức, Móng Cái, Quảng Ninh mệt mỏi, bức xúc than thở: “Bệnh nhân thì rồng rắn xếp hàng chờ khám, máy móc thì hỏng liên tục không biết bao giờ mới đến lượt. Cực nhất là bị các nhân viên y tế, bác sỹ chửi bới, nhiếc móc thậm tệ. Chẳng lẽ về nhà nằm chờ chết…”.

 

Rồi bác phân tích: “Đáng ra, với những bệnh nhân bị bệnh nan y thế này, các y, bác sỹ phải đối xử nhẹ nhàng, động viên người ta chữa bệnh. Đằng này lại quát tháo, la mắng, nói chẳng ra gì. Cứ tình trạng này, người bệnh vô cùng ức chế, không chết vì bệnh thì cũng chết vì bị sỉ nhục…!”.

 

Ảnh mang tính minh họa

 

Lời nói xoa dịu nỗi đau!

 

Đề cập đến thái độ, ứng xử với bệnh nhân, BS Trần Tuấn Sơn,  Trưởng khoa Chống đau, BV U bướu Hà Nội chia sẻ: Đau đớn, suy kiệt, tuyệt vọng là yếu tố khiến bệnh nhân ung thư khổ sở và có thể dẫn đến tử vong sớm. Vì vậy, việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân giai đoạn cuối cả về thể xác và tinh thần là rất quan trọng. Bởi lẽ, chỉ một lời nói, một cử chỉ của bác sỹ có thể làm bệnh nhân tủi thân, và có những suy nghĩ tiêu cực.

 

Tại BV U bướu Hà Nội, Bác sỹ Sơn cho hay, nhiều trường hợp ung thư giai đoạn cuối, không muốn điều trị tiếp và chỉ nghĩ đến cái chết. Lúc này, bác sỹ phải là người động viên, an ủi, tiếp thêm tinh thần, nghị lực và sức mạnh để bệnh nhân vượt qua khó khăn, bệnh tật...

 

“Hầu như những bức xúc hay sự không hài lòng của bệnh nhân đối với cơ sở khám chữa bệnh chủ yếu là do thái độ của các bác sỹ và nhân viên y tế”, PGS. TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức thừa nhận.

 

Vì thế, theo ông Quyết, cùng với việc nâng cao chất lượng điều trị, trước hết phải nâng cao thái độ, ứng xử của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Bác sỹ đồng thời phải là nhà tâm lý học, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, biết động viên, an ủi người bệnh. Đây là “liều thuốc” vô cùng quan trọng mang lại hiệu quả điều trị cao”.

 

Thế nhưng không phải ai, không phải lúc nào thầy thuốc cũng làm được điều đó, vì nhiều lý do như áp lực công việc, quá tải BV, thu nhập thấp… “Nhưng bất luận lý do gì, BS cũng không nên làm bệnh nhân thêm buồn, thêm đau, họ đã đau về thể xác, đừng để họ đau thêm về tinh thần”, ông nhấn mạnh.

 

Trên thực tế đã rất nhiều lần Bộ chủ quản đưa vấn đề y đức thầy thuốc ra bàn bạc, thảo luận. Và, nâng cao y đức trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân là mục đích mà Bộ này luôn hướng tới và vận động, khuyến khích các cán bộ, nhân viên trong ngành mình thực hiện. Thiết nghĩ, để có được những lời hay, không phải là quá khó, chỉ cần chúng ta luôn đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để hiểu họ, thông cảm với họ và yêu thương họ mà thôi.

 

Theo Trà Long

Pháp luật Việt Nam