Phát hiện hàng trăm mẫu thực phẩm dùng phụ gia độc hại

(Dân trí) - Trong năm 2011, hàng trăm mẫu thực phẩm nhiễm độc được phát hiện, trong đó, phần lớn là do sử dụng phụ gia độc hại không được phép sử dụng. Lãnh đạo Cục ATVSTP cũng thừa nhận, việc kiểm soát phụ gia thực phẩm nhập lậu còn bỏ ngỏ.

Biết độc vẫn dùng!

Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho biết, tình trạng các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cố tình sử dụng phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng đang diễn ra khá phổ biến.

Trong năm 2011, cơ quan chức năng đã lấy trên 103.000 mẫu để xét nghiệm và test nhanh thì có 18% mẫu thực phẩm không đạt chất lượng, trong đó, các mẫu thực phẩm không đạt chất lượng do sử dụng phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng khá phổ biến.
 
Phát hiện hàng trăm mẫu thực phẩm dùng phụ gia độc hại  - 1
Giò chả là thực phẩm sử dụng rất phổ biến hàn the - chất cấm dùng trong thực phẩm. Đáng nói, người kinh doanh đều biết hàn the là độc nhưng vẫn sử dụng. Ảnh: H.Hải

Cụ thể, tại miền Bắc đã phát hiện nhiều mẫu thực phẩm có chứa Rhodamine B với hàm lượng từ 20,2 đến 110,2 mg/kg. Nhiều mẫu thực phẩm sử dụng Nitrit (trong xúc xích, giăm bông), phẩm màu có chứa kiềm (trong nước giải khát, mỳ ăn liền). Đặc biệt là có 15,6% mẫu bún, bánh phở, bánh giò, bánh su sê có sử dụng hàn the (chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng).

Tại các tỉnh phía Nam, 298/437 mẫu sản phẩm là mì sợi tươi, thực phẩm chay dương tính với formol. 86/115 mẫu có dương tính với chất tẩy trắng với các mẫu hoa chuối, bẹ chuối, măng chua. Có 28/52 mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, tập trung vào các mẫu tôm khô, hạt dưa, mứt…

Bên cạnh đó, còn rất nhiều mẫu thực phẩm được phát hiện ở Tây Nguyên, miền Trung như: đồ khô, mứt, dưa muối các loại, cá viên khô, bánh bao, phô mai, sữa tiệt trùng, thực phẩm chay, tương bột, mỳ ăn liền… đã sử dụng chất phụ gia, hoặc nhiều chất phụ gia cùng lúc với mức sử dụng quá giới hạn cho phép từ 20-40% đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng.

“Đáng nói, người kinh doanh biết rõ những phụ gia đó là độc hại nhưng vì lợi nhuận mà vẫn nhắm mắt cho vào. Qua điều tra, 100% người bán giò chả, bánh phu thê đều biết hàn the độc, không được sử dụng trong thực phẩm nhưng họ vẫn cho vào để tạo độ giòn, dai cho thực phẩm”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết tại buổi gặp gỡ cộng tác viên báo chí diễn ra sáng nay (22/12).

Vậy người kinh doanh có “nhờn” luật, biết độc vẫn sử dụng? Theo ông Phong, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng người kinh doanh biết chất phụ gia là cấm, là độc hại vẫn đưa vào một phần nguyên nhân đúng là do chế tài chưa chặt. Công tác thanh kiểm tra chưa thực sự quyết liệt, mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, cảnh cáo (nhất là ở các tuyến xã, phường, thị trấn).

Cu thể, trong năm 2011, qua kiểm tra 484.222 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát hiện tới 21,4% cơ sở (101.904 cơ sở) có vi phạm về ATTP nhưng mới hơn 20 nghìn cơ sở bị xử lý vi phạm và chỉ có 207 cơ sở bị đình chỉ lưu hành.

Không kiểm soát được phụ gia thực phẩm nhập lậu

Ông Phong cho biết, thực tế, Việt Nam mới kiểm soát được nguồn phụ gia thực phẩm chính ngạch. Trong năm 2011, gần 192 nghìn tấn phụ gia thực phẩm được nhập vào Việt Nam, qua kiểm tra phát hiện 1.251 tấn không đạt chất lượng đã hồi xuất. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm từng bước được cải thiện. Ví như trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ Y tế tại chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh) cho thấy 17 cơ sở được cấp phép kinh doanh phụ gia thực phẩm đều chất hành tốt các quy định, người bán hàng đã được tập huấn kiến thức, biết cách đọc thông tin, hướng dẫn cho người tiêu dùng. Còn tại phía Bắc, kiểm tra 18 quầy hàng ở chợ Đồng Xuân và Hàng Buồm thì cũng không phát hiện phụ gia hết hạn sử dụng, chỉ còn tồn tại là một số nhãn mác ghi chưa đúng.

Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận, chúng ta mới kiểm soát được phụ gia thực phẩm nhập chính ngạch, còn phụ gia thực phẩm nhập lậu thì chưa kiểm soát được. Bằng chứng là trong những mẫu thực phẩm được kiểm tra và nhiều mẫu phát hiện sử dụng phụ gia không được phép như hàn the, formol… “Tuy đến nay, Cục ATTP vẫn chưa ghi nhận được một con số nào liên quan đến phụ gia thực phẩm nhập lậu qua đường tiểu ngạch, nhưng bằng chứng cho thấy các phụ gia không được phép sử dụng này tồn tại trong thực phẩm lại quá rõ ràng qua việc kiểm tra các mẫu thực phẩm trên toàn quốc”, ông Phong nói.

Để tăng cường giám sát ATTP dịp Tết nguyên đán, Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về vệ sinh anh toàn thực đã thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn tại 21 tỉnh thành trọng điểm.

Đặc biệt đoàn sẽ tập trung thanh tra về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị sản xuất những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,....

Bộ Y tế cũng vừa có chỉ thị tăng cường công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2012 cho Sở Y tế các tỉnh thành trực thuộc TƯ. Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo giám đốc Sở Y Tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành khẩn trương triển khai đợt thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Trong đó, cần chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn, các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm