1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phát hiện gà loại thải nhập lậu như thế nào?

(Dân trí) - Thông tin 100% mẫu gà thịt, gan của gà thải nhập lậu vào Việt Nam được phát hiện tồn dư kháng sinh độc hại khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang.

Sáng 17/12, TS Trần Quang Trung Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã trao đổi với báo giới xung quanh việc phát hiện, kiểm soát gà thải nhập lậu.
 
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: H.Hải
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: H.Hải

Thưa ông, ông có thể nói cụ thể kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế về các mẫu gà, gan gà thải loại nhập vào Việt Nam? Với gà nội địa, cơ quan chức năng có lấy mẫu kiểm nghiệm không, thưa ông?

Kết quả kiểm tra mẫu gà nhập lậu do Chi cục quản lý thị trường Lạng Sơn thu giữ thì 100% mẫu thịt, mẫu gan gà đều có nhiễm tồn lưu kháng sinh trong chăn nuôi. Các loại kháng sinh này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi từ lâu bởi nó gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tháng 11, Chi cục Thú y Hà Nội cũng đã tổ chức kiểm tra, lấy 5 mẫu thịt gà thải loại để kiểm tra dư lượng các chất kháng sinh và hóa chất cấm có thể tồn tại trên thịt gia cầm nhập lậu. Kết quả, 100% số mẫu được kiểm tra đều có tồn dư chất Sulfadiazin. Đây là một loại kháng sinh cấm sử dụng tồn dư của Sulfadiazin ở mức cao khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng thận, làm suy thận.

Riêng đối với gà trong nước, đầu tháng 12 chúng tôi cũng đã lấy một số mẫu gà nội địa xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong các mẫu này không có tồn dư kháng sinh, tồn dư hoóc-môn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lấy mẫu các nhóm sản phẩm này, kể cả gà nhập lậu và gà nội địa để cảnh báo cho người tiêu dùng biết, đồng thời tuyên truyền, đấu tranh với những người cố tình vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu.

Thưa ông, việc ăn phải gà có tồn dư kháng sinh này gây tác hại như thế nào với sức khỏe người tiêu dùng?

Khi ăn phải thịt gà có tồn dư kháng sinh chắc chắn sẽ có những tác hại đến người tiêu dùng bởi đây đều là những kháng sinh cấm dùng trong chăn nuôi.  Nếu ăn nhiều loại thịt này, cơ thể con người sẽ tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, nhờn thuốc kháng sinh nên khi chúng gây bệnh cho người thì rất khó điều trị.

Đồng thời, việc ăn phải thịt gà có kháng sinh cũng làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể người, khiến cho cơ thể dần dần trở nên yếu ớt, giảm sức đề kháng. Đặc biệt với trẻ em, việc ăn phải những thực phẩm tồn dư kháng sinh độc hại này sẽ càng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Rõ ràng, gà thải loại rất độc hại cho người tiêu dùng nhưng dù biết nguy cơ, nhiều người dân vẫn mua nhầm gà thải loại bởi không biết cách phân biệt. Có dấu hiệu như thế nào để phát hiện gà thải loại nhập lậu, thưa ông?
 
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: H.Hải

Trước hết, gà thải loại Trung Quốc có giá rất rẻ, bán trên chị trưởng chỉ trên dưới 50 ngàn đồng/1kg.

Còn về đặc điểm, hoàn toàn có thể phân biệt giữa gà nội địa trong nước và gà thải loại nhập lậu.

Cụ thể gà thải loại thường là giống gà nuôi đẻ trứng, là gà nuôi dài ngày, từ 1 năm đến 1,5 năm. Đến khi gà không còn đẻ được trứng nữa thì họ thải luôn cả đàn gà đó. Trong khi đó, gia cầm rất hay bị ốm nên để nuôi được trong thời gian kéo dài từ 12 tháng đến 18 tháng, ngoài các loại vắc xin tiêm phòng bệnh, người chăn nuôi phải liên tục trộn kháng sinh lẫn vào thức ăn của gà để phòng bệnh. Đó là lý do trong thịt gà thải loại có tồn dư kháng sinh, còn trong gà thịt nuôi ngắn ngày thì thường không có tồn dư kháng sinh.

Đặc biệt, gà nuôi đẻ lấy trứng thường là gà nuôi theo đàn, nuôi theo kiểu công nghiệp trong lồng và hay cho ăn theo máng. Khi gà ở trong lồng phải vươn cổ dùng mỏ lấy thức ăn, cổ chạm vào lồng sắt nên hay bị rụng lông dưới vùng cổ. Vì thế, khi mua gà, cần kiểm tra vùng cổ của gà, nếu thấy rụng lông, có hiện tượng sần da, chai da thì không nên mua.

Thêm một đặc điểm nữa, do gà nuôi dài ngày nên móng chân gà thường rất dài. Với gà mái đẻ trướng nhiều, hậu môn cũng to hơn. Ở những con gà đẻ trứng bị thải loại này, phần mỏ cũng thường bị cắt cụt không sắc nhọn như gà thường, bởi người chăn nuôi phải cắt mỏ gà để tránh hiện tượng gà mổ nhau và mổ trứng gây vỡ trứng.

Ông có khuyến cáo gì với người dân trong việc lựa chọn thực phẩm, nhất là gà trong dịp Tết nguyên đán đến gần?

Người tiêu dùng không nên sử dụng các loại thực phẩm, bánh kẹo, sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu,  không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

Các hộ kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm thực hiện đúng quy định pháp luật và không vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Về vấn đề cung ứng nhất là nguồn thịt gà cho dịp Tết, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp đã làm việc với các tỉnh phía Bắc để chống gà nhập lậu, đồng thời phát triển nguồn gà trong nước, giết mổ gà trong nước đưa về thị trường Hà Nội và các thành phố. Riêng với thị trường Hà Nội thì TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang đã có kí kết để địa phương này cung ứng gà nội địa nuôi trên địa bàn Bắc Giang cho Hà Nội.

Hồng Hải (ghi)