Phản ứng bất lợi do vắc xin là chuyện đương nhiên
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh đang lo lắng khi vắc xin ComBe Five sẽ được Bộ Y tế sử dụng thay thế cho vắc xin Quinvaxem bị ngưng sản xuất. BS Hữu Khanh khẳng định: “Phản ứng bất lợi do vắc xin là chuyện đương nhiên nhưng không nên lo lắng về tính an toàn”.
Vắc xin thay thế Quinvaxem đã được sử dụng rộng rãi
Ngày 24/4, tại Viện Pasteur, TPHCM - GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết do phía Hàn Quốc ngưng sản xuất vắc xin Quinvaxem nên Bộ Y tế sẽ sử dụng vắc xin ComBe Five của Ấn Độ để thay thế. Những lô vắc xin Quinvaxem còn lại tại các địa phương sẽ được tiếp tục sử dụng từ nay đến hết tháng 5/2018.
Trước đó, thông tin này đã được Bộ Y tế chính thức công bố tại Hà Nội và Đà Nẵng. Nhiều bậc phụ huynh đang bày tỏ lo lắng về tính an toàn của vắc xin mới. Trên trang cá nhân của mình, chị H.Q. băn khoăn: “Liệu có xảy ra những phản ứng nguy hiểm cho con mình không đây? Vắc xin cũ (Quinvaxem - PV) đã sợ, vắc xin mới chắc gì khá hơn!”
Đại diện Bộ Y tế cho biết, vắc xin ComBe Five của Ấn Độ đã được sử dụng và chứng minh tính an toàn tại chính Ấn Độ và 43 quốc gia khác với hơn 400 triệu liều. Về cơ bản các thành phần của vắc xin mới tương tự như Quinvaxem nên cộng đồng hãy an tâm sử dụng.
Liên quan đến những lo lắng về phản ứng bất lợi có thể xảy ra khi chích ngừa vắc xin cho trẻ, phân tích chuyên môn của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ ra: “Sau khi chào đời và lớn lên trẻ sẽ đối mặt với vi trùng, những tác nhân gây bệnh, đây là nguyên nhân khiến rất nhiều trẻ tử vong”.
“Để trẻ có thể đề kháng trước những tác nhân gây bệnh thì cần phải giúp cơ thể tập luyện, thấy được tác nhân gây bệnh từ đó hình thành phản ứng chống lại. Các nhà khoa học đã chế ra vắc xin từ những sinh vật bất hoạt (tức là không còn hoạt động - vô bào) hoặc còn sống (nguyên bào) nhưng rất yếu không thể gây bệnh, chủ động đưa vào cơ thể trẻ, giúp cơ thể nhận thấy được tác nhân gây bệnh, khi gặp tình huống tương tự sẽ có phản ứng phòng vệ”.
Không thể tránh được phản ứng bất lợi
Theo BS Hữu Khanh: Hình thức tiêm hoặc uống những loại chế phẩm, vắc xin thực chất là giúp cơ thể tập dượt để tạo ra hệ thống miễn dịch trước các loại bệnh. Vắc xin không gây bệnh mà có lợi cho con người, nó giúp toàn bộ cơ thể đặc biệt là hệ thống tế bào tạo ra những kháng thể trong quá trình sống. Khi tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh thật, cơ thể đã được trang bị hệ thống miễn dịch sẽ tiêu diệt, đẩy tác nhân gây bệnh ra ngoài.
BS Hữu Khanh khẳng định: “Nguyên tắc của quá trình tập luyện là phải mệt, không có ai tập luyện mà khỏe cả. Do đó, phản ứng bất lợi cơ thể gặp phải khi chích ngừa vắc xin là chuyện đương nhiên”.
Dẫn chứng cho luận điểm trên, BS Hữu Khanh chỉ ra: Trong vắc xin có kháng nguyên, đó là yếu tố chính để tạo kháng thể. Tuy nhiên, ngoài kháng nguyên ra vắc xin còn có những thành phần khác như: Tá dược (để tăng khả năng tạo miễn dịch); Kháng sinh giúp vắc xin được bảo quản tốt, không bị nhiễm vi trùng khác từ ngoài vào hoặc những chế phẩm giúp quá trình bảo quản được lâu hơn, ngăn ngừa nhiễm trùng; Ngoài ra còn một số chất ổn định khác tùy nhà sản xuất lựa chọn...
Tất cả các thành phần trên khi được đưa vào cơ thể đều có nguy cơ gây ra dị ứng chứ không chỉ đơn giản là tác dụng phụ của một mình yếu tố kháng nguyên.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới phản ứng bất lợi cho cơ thể sau tiêm vắc xin, trong đó đứng đầu là do bản chất của vắc xin. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các nhà khoa học đều khẳng định vắc xin có một tỷ lệ tai biến nhất định nhưng tỷ lệ này được giám sát chặt chẽ trước khi nghiên cứu và sau khi lưu hành để đảm bảo một tỷ lệ thấp nhất mà cả cộng đồng đều phải chấp nhận.
Thứ hai là do phản ứng của chất lượng vắc xin, bao gồm dụng cụ tiêm và nơi cung cấp của nhà sản xuất. Đây không phải là do vắc xin mà do bảo quản, tác động khác từ môi trường. Thứ ba là do phản ứng của lỗi tiêm chủng vì không tuân thủ các quy định, bảo đảm tính an toàn khi đưa vắc xin vào da của người bệnh gây ra sự cố không mong muốn. Thứ tư là tâm lý lo sợ, căng thẳng của bệnh nhân khi tiêm chủng.
Nguyên nhân quan trọng và đang gây tranh cãi nhất là sự trùng hợp ngẫu nhiên của các loại bệnh (thường là bệnh tim bẩm sinh, xuất huyết não, sặc do chăm sóc không tốt…) với việc tiêm chủng nhưng vắc xin bị đổ thừa. Sự trùng hợp này không dễ dàng để chứng minh được, chỉ khi vụ việc đã xảy ra, thông qua các xét nghiệm, phân tích khoa học mới có thể tìm ra nguyên nhân khiến người bệnh gặp phản ứng bất lợi hoặc tử vong. Đây là gánh nặng cho chương trình tiêm chủng và bị những người theo trào lưu anti vắc xin lợi dụng để chống lại việc tiêm vắc xin cho trẻ.
Vân Sơn