Phá thai tuổi vị thành niên: Gần một nửa là phá thai to

Hồng Hải

(Dân trí) - Nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong năm 2022, có 51 trẻ vị thành niên trong tổng số 4.717 trường hợp phá thai tự nguyện. Có trẻ 12 tuổi đã mang thai.

Gần một nửa ca phá thai ở vị thành niên là trên 12 tuần

Bên lề Hội nghị Sản Phụ khoa Việt - Pháp lần thứ 23 khai mạc sáng 15/8, chia sẻ về tình trạng phá thai vị thành niên, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, ngày nay các phương pháp phá thai được thực hiện ở bệnh viện rất an toàn.

Phá thai tuổi vị thành niên: Gần một nửa là phá thai to - 1

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Ảnh: H.Hải).

Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều phương pháp dân gian, hay việc phá thai tại các cơ sở y tế không được phép gây nên những biến chứng nguy hiểm cho các bé gái vị thành niên.

Như phương pháp dùng cây gió khô để đặt vào tử cung có thể gây thủng tử cung gây ra nhiễm trùng rất nặng cho người phụ nữ, nhiều bé gái phải cắt tử cung.

Hay việc phá thai ở cơ sở không đảm bảo, gây nhiễm trùng, dính vòi trứng, gây nên vô sinh sau này.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nghiên cứu được thực hiện năm 2022, có 51 trẻ vị thành niên trong tổng số 4.717 trường hợp phá thai tự nguyện (chiếm 1,08%), trong đó 47,1% là mang thai trên 12 tuần.

Nghiên cứu do bác sĩ Hà Duy Tiến và cộng sự tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Đại học Y thực hiện.

Trong 51 trẻ đến bệnh viện phá thai, có 27 trường hợp mang thai 3 tháng đầu (chiếm 52,9%). Tỷ lệ vị thành niên phá thai trong 3 tháng đầu là 0,6%. Phá thai to (trên 12 tuần) chiếm tới 9,2%.

Theo bác sĩ Tiến, khi tuổi quan hệ tình dục ngày càng giảm xuống, trong khi  kiến thức về phòng tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục của vị thành niên còn chưa đầy đủ, sẽ tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.

"Những năm gần đây, tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên gia tăng. Nghiên cứu của Hoàng Đức Hạnh (2014) ở Hà Nội tỷ lệ này là 0,4%, trong khi năm 2022, nghiên cứu của chúng tôi là 1,08%.

Cũng như các nghiên cứu trước đây, phá thai to (> 12 tuần) vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số phá thai vị thành niên (47,1%) do trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, phát hiện có thai muộn khi thai đã lớn hoặc do tâm lý lo sợ nên phân vân, chần chừ", bác sĩ Tiến thông tin.

Trong nghiên cứu này, tuổi thai trung bình là 13,5 tuần, lớn nhất là 26 tuần. Phá thai ở tuổi thai muộn làm tăng nguy cơ thất bại và các tai biến của thủ thuật đặc biệt ở trẻ vị thành niên. 

Tuổi trung bình của các đối tượng nghiên cứu là 15,7, nhỏ nhất là 12 tuổi. Đa số còn đang đi học (96,08%). Việc phá thai ở trẻ 12 tuổi cùng với thực tế độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu giảm xuống cho thấy việc giáo dục giới tính cần thực hiện sớm trong các nhà trường trước khi trẻ có thể có phát sinh quan hệ nam nữ.

Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm nước ta có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu là độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.

"Khi xảy ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn, trẻ đều có tâm lý lo sợ, giấu người nhà, e ngại đến bệnh viện công, mà thường tìm các dịch vụ nạo phá thai đôi khi không đảm bảo nên dễ gặp tai biến nghiêm trọng cả thể chất, tinh thần", PGS Cường khuyến cáo.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh nguy cơ phá thai bằng thuốc tùy tiện. "Thuốc phá thai không thể tự bán tràn lan, dẫn đến trẻ em có thể tiếp cận, dùng để phá thai. Thuốc này cần quản lý, có đơn của bác sĩ sản khoa không thể tùy tiện uống vì không theo dõi có thể có biến chứng nguy hiểm.

Nhất là những trường hợp phá thai tự nguyện phải tìm hiểu, vì có nhiều trường hợp liên quan đến pháp luật", PGS Cường nhấn mạnh.

Phá thai không an toàn: Nhiều tai biến

PGS Cường khẳng định: "Hiện nay các phương pháp phá thai rất an toàn, từ nạo hút đến dùng thuốc để đình chỉ thai, và cần phải qua bệnh viện. Tại các phòng mạch, tôi biết Bộ Y tế không bao giờ cấp phép cho việc phá thai".

Theo chuyên gia này, có rất nhiều phương pháp phá thai an toàn theo từng tuổi thai. Như dùng thuốc không cần can thiệp vào buồng tử cung ở tuổi thai trước 9 tuần. Ở tuổi thai lớn hơn, có một số phương pháp khác, nhưng mục đích cuối cùng đảm bảo chức năng an toàn cho sinh sản sau này.

Còn khi phá thai không an toàn theo kinh nghiệm dân gian, tự dùng thuốc uống, ở các phòng mạch không đảm bảo, nguy cơ tai biến có thể xảy ra.

Các nguy cơ như: Rách cổ tử cung hoặc nguy cơ sảy thai, đẻ non do hở eo tử cung cao sau này; Nguy cơ vô sinh do viêm tắc vòi trứng, viêm dính buồng tử cung cao hơn ở phụ nữ trẻ. Về tâm lý, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, không chia sẻ được với ai.

Phá thai tuổi vị thành niên: Gần một nửa là phá thai to - 2

Đến 96% ca phá thai vị thành niên tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương là học sinh (Ảnh: Nam Phương).

Theo bác sĩ Tiến, tỷ lệ tai biến, biến chứng do sinh con ở trẻ vị thành niên có thể cao hơn nhiều phá thai. Ở bé gái dưới 18 tuổi, nguy cơ rối loạn tâm thần sau phá thai thấp hơn so với khi sinh con.

Đặc biệt, ông cảnh báo nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn ở lứa tuổi vị thành niên. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ có 5,88% đối tượng sử dụng biện pháp tránh thai, cho thấy trẻ thiếu kiến thức tránh thai", bác sĩ Tiến nói.

Theo bác sĩ Tiến, giảm tỷ lệ thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên không chỉ dừng ở giáo dục giới tính, nâng cao điều kiện sống mà còn tuyên truyền tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai. Cần đầu tư vào các chương trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của thanh thiếu niên trong việc phát hiện mang thai.

PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, Hội nghị sản khoa Việt - Pháp được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước. Qua 22 năm tổ chức, hội nghị đã trở thành sự kiện khoa học lớn, là diễn đàn quan trọng với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Hội nghị không chỉ giới hạn giữa các nhà khoa học Việt Nam và Pháp mà còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia khác như Vương quốc Anh, Italia, Phần Lan, Úc, Thái Lan...

Tại hội nghị, các chuyên gia có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lâm sàng, cận lâm sàng cũng như cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực sản khoa, phụ khoa, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, y học thai nhi… và một số lĩnh vực chuyên ngành sâu khác.

PGS Cường thông tin thêm, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong siêu âm tim thai, phát hiện dị dạng thai rất sớm, từ lúc tuổi thai chỉ trong 3 tháng đầu. Lĩnh vực sàng lọc trước sinh của Việt Nam cũng có nhiều thành tựu.

Trong những năm qua, Trung tâm chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã được thành lập, từ đó hệ thống sàng lọc, chẩn đoán trước sinh ở đây phát triển mạnh mẽ, cập nhật những tiến bộ ngang tầm thế giới.

"Không ít dị tật trước sinh trong đó có dị tật tim, dị tật về hình thái, chức năng, dị tật về di truyền cũng như các biến dạng của thai đã được thầy thuốc của Việt Nam phát hiện từ rất sớm trước sinh, nhờ đó bà mẹ mang thai, gia đình đã cùng bác sĩ có những kế hoạch chăm sóc thai kỳ phù hợp", PGS Cường nói.