Nối vi phẫu cho bệnh nhân mất da đầu
(Dân trí) - 15h ngày 15/10 khoa Phẫu thuật Hàm mặt- Tạo hình mặt bệnh viện Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (20 tuổi, ở Hưng Hà - Thái Bình) trong tình trạng toàn bộ phần da đầu phía trên bị lóc hở sọ, gãy hở cẳng tay phải.
Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn khủng khiếp này là do chị H đã bất cẩn trong khi làm việc tại nơi sản xuất khiến tóc bị cuốn vào mô tơ điện máy. Lực quay của mô tơ đã kéo theo cả người chị vào khiến chị H phải dùng tay phải để gỡ tóc dẫn đến gãy tay. Những người làm việc gần chị H thấy tai nạn xảy ra đã nhanh chóng tắt nguồn điện, chấm dứt guồng quay cuồng của mô tơ điện. Tuy nhiên, toàn bộ nửa đầu phía trên, nơi có tóc bị cuốn đã bị kéo đứt dời.
Sau khi nhập viện, chị H đã được các bác sĩ cấp cứu rồi tiến hành kỹ thuật vi phẫu tạo hình da đầu mới bằng vạt da có cuống mạch nuôi, găm kim 2 xương cẳng tay.
Hiện, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và đang được các bác sĩ theo dõi về sự phục hồi của mảng da đầu đã được ghép.
Trước đó, Phẫu thuật Hàm mặt- Tạo hình mặt cũng đã tiến hành thành công kỹ thuật vi phẫu nối ghép da đầu cho hai bệnh nhân nữ, một bị cuốn tóc vào máy, còn trường hợp kia bị máy hút cát cuốn đứt toàn bộ da đầu có tóc … Sau 3 tuần phẫu thuật, tóc của hai bệnh nhân này đã mọc trở lại bình thường.
Các bác sĩ cho biết, điều kiện để triển khai kỹ thuật vi phẫu nối da thành công là bệnh nhân phải được nhanh chóng chuyển bệnh viện tiến hành các biện pháp sơ cứu. Bên cạnh đó, phần da bị đứt rời cần được bảo quản đúng quy cách: đựng trong túi nylon chứa nước muối sinh lý rồi ngâm trong nước đá - tránh để phần cơ thể này tiếp xúc trực tiếp với nước đá sẽ gây bỏng lạnh tổ chức. Nhưng nếu để quá lâu (trên 6 tiếng) thì miếng da đầu có nguy cơ hoại tử và khả năng thành công của phẫu thuật sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.
P. Thanh