1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nói "nghiện ma tuý tổng hợp vô phương cứu chữa” là tiêu cực quá

Chiều 9/11, bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, cho rằng người nghiện ma tuý đá tổng hợp vẫn có thể cai nghiện được. Trong khi đó, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) lại cho rằng nghiện ma tuý tổng hợp “vô phương cứu chữa”.

Quan điểm "nghiện ma tuý tổng hợp vô phương cứu chữa" được ông Hoàng Đình Cảnh chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về tình dịch HIV và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2017 do Bộ Y tế tổ chức sáng 9.11.

Tại Hà Nội, một thanh niên ngáo đá khác leo lên cột điện ngồi (Ảnh IT)
Tại Hà Nội, một thanh niên ngáo đá khác leo lên cột điện ngồi (Ảnh IT)

Theo bác sĩ Cương, việc “cắt cơn” của người nghiện ma tuý tổng hợp mất từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, việc cai nghiện có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào lý trí, quyết tâm của người nghiện. “Về cơ bản là phải tách người nghiện ra khỏi môi trường có thể mua, tiếp cận được với ma tuý dễ dàng, tách họ khỏi bạn bè có thể rủ rê họ dùng ma tuý. Đồng thời người thân nên gần gũi, chia sẻ, thông cảm với họ, không để họ bị suy sụp, buồn chán, dẫn đến suy nghĩ phải đi tìm ma tuý tổng hợp để “kích” tinh thần lên” – bác sĩ Cương nói.

Do đó, bác sĩ Cương nhận định, nói “nghiện ma tuý tổng hợp vô phương cứu chữa” là hơi tiêu cực quá. Quan trọng là sau khi cắt cơn nghiện, điều trị các triệu chứng ngáo, nghiện thì người bệnh phải có quyết tâm rất cao để từ bỏ ma tuý.

Bác sĩ Cương cũng cho biết, hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ tái nghiện của người nghiện ma tuý tổng hợp, vì điều này phải theo dõi trong một thời gian rất dài.

Theo Bộ Y tế, hiện có sự gia tăng bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị Methadone sử dụng thêm ma túy tổng hợp ở các tỉnh, TP lớn. Có nơi tỷ lệ bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp lên tới 25% dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân bị bắt đi cai nghiện bắt buộc gia tăng.

Theo Diệu Thu

Dân Việt