Nỗi lo bệnh học đường
Do tác động bởi yếu tố môi trường, vấn đề vệ sinh trường học, điều kiện học tập và hiện trạng cơ sở vật chất, nhiều loại bệnh học đường đang tăng nhanh như cận thị, cong vẹo cột sống trong giới học sinh.
15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị
Theo một nghiên cứu của chuyên gia về nhãn khoa, tỷ lệ học sinh bị cận thị đang có xu hướng tăng nhanh. Đặc biệt, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM - nơi trường lớp hầu hết là cao tầng, kiên cố, trang thiết bị hiện đại - tỷ lệ học sinh phải đeo kính cao gấp gần hai lần so với học sinh các tỉnh. Thậm chí, ở một số lớp chuyên, lớp chọn, tỷ lệ học sinh bị cận còn lên tới 90%!
Hiện nay, cả nước có khoảng 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị. Điều ngạc nhiên là trong những năm 60 của thế kỷ 20, khi trường lớp chủ yếu được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá, tỷ lệ cận thị của học sinh ở bậc tiểu học chỉ chiếm khoảng 2%, thì hiện nay tỷ lệ này lên tới 29,8% (số liệu năm 2004), tức là tăng gấp 15 lần. Tỷ lệ này ở học sinh cấp trung học phổ thông tăng từ 9,6% lên tới 11,3%.
Cuộc khảo sát tại 20 trường của Hà Nội gần đây cho thấy, nhiều phòng học của các trường không được bố trí đúng hướng, cửa sổ, cửa ra vào không đủ ánh sáng tự nhiên, hoặc sử dụng đèn có độ rọi sáng quá yếu, bố trí không đúng với tiêu chuẩn thiết kế dẫn tới ngược sáng, lóa hoặc sấp bóng. Hệ thống đèn chiếu sáng tại các phòng học thường được mắc rất tùy tiện, nhiều loại đèn không đủ tiêu chuẩn.
Vẫn còn tồn tại không ít phòng học ánh sáng chỉ đạt 20 lux, nghĩa là bằng 1/5 so với tiêu chuẩn quy định. Ngược lại nhiều lớp học lại mắc quá nhiều đèn nhưng không đúng quy cách, độ chói quá lớn, dẫn đến việc tốn kém điện năng nhưng độ rọi lại không đồng đều. Thường xuyên phải học tập trong môi trường ánh sáng như trên, học sinh phải liên tục điều tiết thị giác dẫn tới việc căng, mỏi mắt, lâu dần trở thành cận thị.
Bệnh cong vẹo cột sống đang gia tăng
Bệnh cong vẹo cột sống ở học sinh hiện nay cũng rất đáng lo ngại. Theo thống kê không đầy đủ, hiện nay cả nước có khoảng từ 15% đến 40% học sinh ở bậc phổ thông bị mắc bệnh cong vẹo cột sống.
Do chương trình học còn nặng nề, các thầy cô giáo chủ yếu chỉ chú ý đến việc dạy trẻ kiến thức, ít quan tâm đến tư thế ngồi của trẻ, bên cạnh đó y tế học đường chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, do vậy hiện tượng trẻ ngồi học không đúng tư thế (ngồi bò ra bàn, ép ngực vào thành bàn, nghiêng vẹo cổ để viết...) đã trở nên phổ biến, dẫn đến nguy cơ gây biến dạng cột sống, lép ngực. Nhiều học sinh bị cong vẹo cột sống hay gù, vai bị lệch, vai cao vai thấp do cột sống bị xoay.
Tư thế không đúng khi ngồi học dần dần trở thành tật và duy trì trong suốt cuộc đời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển bình thường cũng như thẩm mỹ khi trẻ trưởng thành.
Ngoài các bệnh cận thị, cong vẹo cột sống, các bệnh học đường khác như bệnh răng miệng, bệnh đường ruột do ngộ độc thực phẩm... ở lứa tuổi học sinh đang tăng. Theo nghiên cứu của Viện Răng Hàm Mặt, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh răng, miệng chiếm khoảng 90%, trong khi chương trình nha học đường vệ sinh răng miệng, chăm sóc răng cho học sinh vẫn chưa được phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...
Cần những giải pháp đồng bộ
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, phòng chống các bệnh học đường là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, nhưng thực tế hiện nay công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ của các ngành, các cấp.
Quy cách, tiêu chuẩn vệ sinh phòng học là yếu tố tác động rất lớn đến nguy cơ bệnh học đường và nguy cơ đối với sức khỏe học sinh. Theo quy định về vệ sinh trường học do Bộ Y tế ban hành ngày 18/4/2000: Diện tích phòng học trung bình từ 1,10m đến 1,25m cho một học sinh. Chiều dài không quá 8,5m, chiều rộng không quá 6,5m, chiều cao 3,6m. Phòng học có hệ thống gió nhân tạo như quạt gió, quạt trần treo cao trên mức nguồn sáng, bảo đảm tỷ lệ khí CO2 trong phòng không quá 0,1%.
Để hỗ trợ phòng học thiếu ánh sáng tự nhiên, cần chiếu sáng nhân tạo: Bóng đèn tóc cần 4 bóng, mỗi bóng có công suất từ 150W đến 200W treo đều 4 góc. Nếu đèn nê-ông treo 6 đến 8 bóng, các bóng đèn treo cách mặt bàn học 2,8m. Mỗi chỗ ngồi trên bàn học rộng không dưới 0,5m. Ghế học phải rời với bàn và có thành tựa. Bàn học đặt cách bảng từ 1,7 đến 2m. Bàn cuối cùng cách bảng không quá 8m...
Trong việc nghiệm thu các công trình trường, lớp học, bên cạnh những quy cách và tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, không gian trường, lớp, cần đặc biệt giám sát chặt chẽ hệ thống chiếu sáng phòng học. Cần quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển y tế trường học, chăm lo sức khỏe học sinh.
Mô hình y tế trường học phải được tổ chức một cách hợp lý, vừa giúp học sinh, giáo viên tăng cường các kiến thức về sức khỏe, đồng thời chăm sóc tốt học sinh khi có biến cố về sức khỏe lúc ở trường. Cán bộ y tế của các trường nên là cán bộ chuyên trách và được đào tạo chuyên ngành, nếu là cán bộ kiêm nhiệm thì cần được đào tạo cơ bản về y tế. Ngoài ra, các trường cần coi trọng việc phát triển là tham gia bảo hiểm y tế học sinh.
Bên cạnh những giải pháp của các ngành, các cấp, cần có sự phối hợp từ phía gia đình và học sinh trong công tác phòng, chống bệnh học đường. Các bậc cha mẹ cũng như người chăm nuôi trẻ phải nắm được những kiến thức cơ bản về bệnh học đường và cách phòng, chống.
Cần chú ý quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ mắt, giữ gìn tư thế đúng của cột sống cho con cái, học trò của mình. Tạo cho trẻ có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe và có được thói quen tốt ngay từ đầu đời là biện pháp quan trọng để phòng tránh được nhiều nguy cơ bệnh và tật học đường.
Theo Quân đội nhân dân