1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Niềm vui bất ngờ của nữ kỹ thuật viên “đảm việc nước, giỏi việc nhà”

(Dân trí) - Đón tôi, tối muộn của 1 ngày mưa rét là nụ cười hiền, ánh mắt ấm áp , gương mặt phúc hậu, khó có thể nghĩ đây là một kỹ thuật viên của Viện Dược liệu từng luôn say sưa với những thử nghiệm đòi hỏi sự chính xác đến khắc nghiệt và có nhiều sáng kiến cải tiến trong công tác chuyên môn.

Niềm vui bất ngờ của nữ kỹ thuật viên “đảm việc nước, giỏi việc nhà”
Kỹ thuật viên Đào Hồng Vân (thứ 2 từ phải sang) được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông

Kỹ thuật viên duy nhất được trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần 3

Về hưu đã 10 năm, ngoài những bằng khen về những sáng kiến cải tiến trong công tác chuyên môn, Bằng tác giả sáng chế “Phương pháp điều chế Diosgenin” từ cây Râu Hùm có tác dụng trong bào chế thuốc chống viêm, thấp khớp, xơ gan, cổ trướng (năm 1991) trong nhóm nghiên cứu gồm 4 người; Giấy chứng nhận là đồng tác giả trong cụm công trình: Nghiên cứu chiết xuất Artemisinin từ cây Thanh hao hoa vàng Việt nam và chuyển hóa thành các dẫn chất có hoạt tính mạnh hơn để chữa Sốt rét kháng thuốc được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2003… đã ngả màu thời gian, cựu kỹ thuật viên Đào Hồng Vân dường như không còn nhớ quá rõ về những khó khăn, những trăn trở giai đoạn 1969-2005 ấy.

Niềm vui bất ngờ của nữ kỹ thuật viên “đảm việc nước, giỏi việc nhà”

Vậy nên, được có mặt trong sự kiện vinh danh và trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, giải thưởng dành cho cán bộ y tế đã có thành tích xuất sắc trong việc kế thừa và bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền Việt Nam thực sự là một bất ngờ với kỹ thuật viên Đào Hồng Vân. Bởi giải thưởng này vốn chỉ dành cho Chủ nhiệm đề tài nhưng với những đóng góp thiết thực và quan trọng của bà trong nhiều công trình nghiên cứu về dược cấp nhà nước, bà xứng đáng được vinh danh.

Và tự hào hơn nữa khi bà Đào Hồng Vân là kỹ thuật viên duy nhất trong số 69 cán bộ y tế (là các Giáo sư, PGs, Ts., Dược sĩ, bác sĩ….) được vinh danh ở Lễ trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 3 này (giải thưởng được xét tặng 2 năm 1 lần).

Vậy là những đồng nghiệp vẫn nhớ tới 1 cựu kỹ thuật viên, ghi nhận sự đóng góp thầm lặng, ghi nhận năng lực chứ không phải bằng cấp của 1 kỹ thuật viên, (bà Hồng Vân chỉ tốt nghiệp Kỹ thuật viên hệ trung cấp chuyên ngành Dược liệu và đã từng không nhận được sự tin tưởng về khả năng khi thực hiện nhiệm vụ bàn giao quy trình chiết xuất hoạt chất cho đối tác, nhưng kết quả cuối cùng vô cùng tốt đẹp – PV) và hết lòng với những định hướng nghiên cứu ban chủ nhiệm đề tài, sự phân công của phụ tách đơn vị thông qua việc thực nghiệm một cách sang tạo,có trách nhiệm để có giải pháp tối ưu trong việc chiết xuất, tinh chế các hoạt chất được chiết xuất từ dược thảo… trong suốt 36 năm ấy.

36 năm được những người thầy hết lòng dìu dắt, sự tin tưởng từ những chuyên gia hàng đầu (trong lĩnh vực thực nghiệm), với lòng say nghề và tâm niệm “trung thực trong khoa học và thực nghiệm luôn đặt lên hàng đầu” đã giúp bà Hồng Vân miệt mài tạo ra các dụng cụ phục vụ thí nghiệm, không ngại tiếp xúc với dung môi, hoá chất độc hại (xăng công nghiệp, các dung môi độc hại…); say sưa lặp đi lặp lại hàng trăm thử nghiệm kéo dài hàng tháng trời trong phòng thí nghiệm Hoá thực vật và để rồi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được tin tưởng giao phó.

“Đêm ngủ cô vẫn mơ thấy các tinh thể (chiết xuất từ thảo dược)”. Thức dậy sớm là cô lên cơ quan, mở tủ lạnh xem tinh thể đã kết tinh chưa”, cô Hồng Vân nhớ lại.

Niềm vui bất ngờ của nữ kỹ thuật viên “đảm việc nước, giỏi việc nhà”
Hai vợ chồng kỹ thuật viên Đào Hồng Vân hạnh phúc trong ngày trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông (5/3/2015)

Chiu chắt lo toan cho chồng, con hết thảy

Đam mê với nghề nghiệp là vậy nhưng bà Hồng Vân cũng toàn tâm toàn ý, hết lòng với gia đình. Ngoài những giờ say sưa làm thí nghiệm, thời gian còn lại cô dành trọn vẹn cho gia đình.

Chị Hà Việt Anh, con gái đầu của bà chia sẻ: nhiều bạn bè chị bất ngờ khi biết tin bà đạt giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông bởi họ luôn nhìn nhận bà như một người phụ nữ toàn tâm toàn ý vì gia đình, nội trợ đảm đang để chồng yên tâm công tác (chồng bà là Kĩ sư Hà Đắc Biên, nguyên chuyên viên của vụ Trang Thiết bị y tế - Bộ y tế - nay dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn đảm trách công việc Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thiết bị y tế Việt Nam) và nuôi dạy 2 cô con gái thành đạt giỏi giang (2 con gái của bà đều được học tập tại các trường ĐH danh tiếng ở nước ngoài theo diện học bổng nhà nước, hiện 1 là Thư ký toà soạn Tạp chí Mẹ và Bé, 1 là Phó trưởng Ban Pháp Luật Quốc Tế, Luật so sánh và Quyền con người - Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp…).

Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, thời điểm kinh tế khó khăn, dù phải làm thêm nhiều việc để kiếm tiền nuôi các con: làm sữa đậu nành đem giao tới tận nhà những người có yêu cầu để kiếm thêm tiền, lấy dư phẩm từ sữa đậu nành để nuôi lợn, dệt mành trúc,… nhưng vợ chồng bà luôn dành thời gian mỗi tối để quan tâm, chăm sóc việc học hành của con. Chính vì thế mà hai cô con gái của bà luôn là những học sinh xuất sắc, đoạt giải nhất và giải nhì trong các cuộc thi Học sinh Giỏi Tiếng Nga toàn quốc.

Bà hiếm khi tự mua gì cho bản thân mình, ngay từ những đồ dùng thông thường là quần áo, giày dép, ai cho gì mặc nấy… nhưng không bao giờ để chồng, con quá thiếu thốn. Từ những năm tháng bao cấp nhọc nhằn bà luôn cố gắng để gia đình có bữa ăn ngon miệng, vui vẻ. Giờ đây khi những khó khăn, lo toan đã lùi lại phía sau thì niềm vui lớn nhất của bà là những bữa cơm gia đình đầm ấm, quây quần bên con cháu vào mỗi dịp cuối tuần: Bà chuẩn bị những món ăn thật ngon theo khẩu vị của các thành viên trong gia đình, chăm chú lắng nghe chồng con tâm sự về công việc và thưởng thức những giai điệu ngọt ngào mà các cháu chơi tặng ông bà trên đàn dương cầm và ghita.

Gia đình hạnh phúc của bà Đào Hồng Vân
Gia đình hạnh phúc của bà Đào Hồng Vân

Chẳng thế khi bà nói: “Chú giúp cô nhiều khi con cái còn nhỏ. Chú là người định hướng để tạo ra 1 không khí gia đình hạnh phúc” thì ông Hà Đắc Biên lập tức khẳng định: Bà ấy mới chính là “Máy điều hoà không khí của gia đình”.

Nghe bố mẹ nói về nhau, chị Việt Anh bày tỏ: “Chị em mình thường tâm sự với nhau: Không biết đến lúc bằng tuổi ông bà mình còn được tình cảm như vậy không?”.Và khi thấy mẹ chia sẻ: “Mừng nhất là mọi việc mình làm đều có kết quả tốt và được ghi nhận. Thực sự cho đến giờ phút này cô chẳng còn mong ước gì hơn”, chị Việt Anh vội đỡ lời: “Mong mẹ sức khoẻ ạ”. Lúc này, chị Việt Anh mới tiết lộ mẹ chị mang trong người bệnh tim bẩm sinh, ốm yếu suốt cả thời trẻ cho đến khi được phẫu thuật cách đây hơn 14 năm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Rời khỏi căn phòng ấm áp, tràn ngập những tiếng cười hạnh phúc, cầm món quà là 2 chiếc bánh khúc tròn xoe, xinh xắn, thơm phức đến bất ngờ do chính tay bà làm, tôi chợt nhận ra vì sao bà Đào Hồng Vân lại được xã hội và gia đình trân trọng đến thế. Bởi dù đó là việc gì, bà cũng làm với tất cả đam mê và yêu thương.

Bài thơ cô con gái đầu Việt Anh tặng mẹ:

MẸ ƠI!

MẸ ƠI!

(Kính tặng mẹ nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày cưới của bố mẹ.)

Nếu được ông tiên ban cho ba điều ước

Điều đầu tiên con ước mẹ trẻ ra

Xoá sạch những nếp nhăn nhọc nhằn năm tháng

Mẹ lại đẹp như cô gái thuở nào

Điều thứ hai con ước mẹ vui hơn

Sẽ chẳng phải phiền lòng vì con mắc lỗi

Mẹ sẽ cười thật tươi mỗi lần con nũng nịu

“Con không được xem đám cưới mẹ thế nào”

“Ngày mẹ làm cô dâu — đã có bé đâu”

Giờ con 20 tuổi — mẹ không còn trẻ nữa

Mẹ vẫn thương con như những ngày thơ dại

Con chỉ ốm xoàng thôi, mẹ cũng chẳng yên lòng.

Khi lớn khôn con lại đi xa

Xa tuổi thơ, con hiểu hơn lòng mẹ

Chiu chắt lo toan cho chồng con hết thảy

Mẹ chỉ giữ lại cho mình những nỗi âu lo.

Con ước mong trở lại tuổi ngây thơ

Con sẽ học chăm hơn và biết nghe lời mẹ

Mỗi buổi tan trường mẹ sẽ vui khi nhìn trang vở

Mẹ sẽ mãi là thế giới của riêng con.


Hà Việt Anh

Mát xcơva tháng 1/1992


Trần Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm