Những tiến bộ trong điều trị ung thư phổi tại Trung tâm Hy Vọng
(Dân trí) - Hiểu được mức độ nguy hiểm của căn bệnh ung thư phổi và tầm quan trọng của tinh thần người bệnh, tại Trung tâm Điều trị Ung Thư Hy Vọng - Bệnh viện FV, các bác sĩ luôn tận tâm tư vấn, nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân.
Đồng thời, trung tâm cũng liên tục tìm hiểu, cập nhật các kỹ thuật và phương pháp điều trị Ung thư phổi mới trên thế giới, cũng như các giải pháp hỗ trợ cho bệnh nhân. Tất cả những điều này giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn, kéo dài sự sống cho người bệnh.
Phát hiện càng sớm, cơ hội sống càng cao
Trên thế giới, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất và gây tử vong hàng đầu với hơn 2 triệu ca mắc mới mỗi năm và 2/3 trong số đó sẽ tử vong. Sở dĩ tỷ lệ tử vong cao là vì bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn trễ. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có các dấu hiệu đặc trưng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Các triệu chứng đáng chú ý bao gồm ho dai dẳng nhưng không đáp ứng với các thuốc thông thường, đau tức ngực, ho ra máu, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên, sụt cân, v.v... Tuy nhiên, với bấy nhiêu triệu chứng thường cũng không làm người bệnh nghĩ đến ung thư phổi.
Vào năm 2012, bác sĩ Võ Kim Điền (Trung tâm Hy Vọng - Bệnh viện FV) tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân L.T.B. (70 tuổi, Tp.HCM). Mặc dù không có các dấu hiệu bất thường, nhưng vì lo lắng khi có người chị đã mắc phải ung thư phổi, bà tìm đến bệnh viện FV để tầm soát căn bệnh này. Sau quá trình khám và chụp CT scan liều thấp, các bác sĩ đã phát hiện bà có một khối bướu ở vùng ngoại biên của phổi. Vào thời điểm đó, ở hầu hết các bệnh viện trong nước, việc lấy mẫu sinh thiết được thực hiện hoặc bằng phương pháp nội soi qua đường thở với khối bướu ở vùng trung tâm, hoặc phẫu thuật lồng ngực đối với khối bướu ở ngoại biên của phổi. Khi ấy, Bệnh viện FV đã áp dụng kỹ thuật sinh thiết xuyên thành (dùng kim nhỏ đâm xuyên qua thành ngực tới vị trí khối bướu để lấy mẫu mô). Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu so với phương pháp phẫu thuật đang phổ biến tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau khi chẩn đoán xác định bà B. mắc ung thư phổi ở giai đoạn sớm, thông qua hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cho bà. Sau hơn 8 năm, kết quả kiểm tra định kỳ hàng năm tại Trung tâm Hy Vọng cho thấy sức khỏe của bà vẫn ổn định và bệnh đã được kiểm soát tốt. Qua đó, có thể thấy rõ vai trò của việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư. Hiện nay, kỹ thuật CT scan liều thấp giúp các bác sĩ phát hiện sớm những khối bướu nhỏ khó phát hiện trên phim X-quang qui ước. Đây là phương pháp an toàn để phát hiện, sàng lọc sớm ung thư phổi khi liều bức xạ được đặt ở mức thấp, có thể không sử dụng thuốc cản quang nên không gây ra các phản ứng dị ứng.
Những bước tiến trong điều trị ung thư phổi
Với sự tiến bộ của công nghệ tiên tiến, hiện nay với trường hợp bệnh còn khu trú tại vùng, phương pháp SBRT - xạ phẫu định vị thân được đánh giá là một trong những phương pháp xạ trị hiệu quả, được các bác sĩ ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với các trường hợp không thể phẫu thuật do các vấn đề nội khoa như biến chứng của các bệnh mạn tính cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, v.v... Phương pháp SBRT sử dụng nhiều chùm tia để cung cấp một liều bức xạ cao tập trung với độ chính xác gần như tuyệt đối cho mô đích cần tiêu diệt và giảm liều nhanh chóng cho các mô lành lân cận, giảm tác hại lên các mô này. Tuy nhiên, với sự dao động giãn nở của lá phổi theo nhịp thở, việc xạ trị chính xác vào khối bướu trong suốt quá trình điều trị không phải đơn giản. Để giải quyết vấn đề này, tại Trung tâm Hy Vọng, các bác sĩ đã kết hợp thêm kỹ thuật điều phối nhịp thở chủ động (ABC - Active Breathing Coordinator) giúp quản lý sự di động của khối bướu. Nhờ đó các chùm tia xạ vẫn bảo đảm trúng đích trong khi khối bướu dịch chuyển liên tục theo nhịp thở. Với sự tiến bộ này, hiệu quả điều trị được cải thiện rất nhiều, đồng thời hạn chế được các tác dụng phụ cho người bệnh.
Đối với những trường hợp đã chuyển sang giai đoạn muộn, việc giải quyết triệt để căn bệnh vào giai đoạn này hiện gần như bất khả thi. Tuy nhiên, trong 20 năm nay, việc kiểm soát ung thư phổi đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể, đặc biệt là liệu pháp trúng đích giúp kéo dài thời gian bệnh không tiến triển lên đến 36 tháng hoặc hơn. Trường hợp bệnh nhân N.V.B (64 tuổi, TPHCM) được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn 4 từ năm 2014, đã di căn đến nhiều vị trí trong cơ thể như não, đốt sống lưng thứ 4, tuyến thượng thận trái. Kết quả sinh thiết cho thấy tế bào ung thư của bệnh nhân thuộc dạng ung thư không tế bào nhỏ biểu mô tuyến, có đột biến gen EGFR, một điểm then chốt để lựa chọn phác đồ điều trị. Khi đó, bác sĩ Điền chỉ định dùng thuốc ức chế tyrosine kinase (TKI) là một liệu pháp trúng đích cho ông. Sức khỏe của ông duy trì tốt từ đó đến nay. ''Đó là thành tựu đáng kể, gia tăng cơ hội kéo dài sự sống cho bệnh nhân bằng cách kiểm soát ung thư phổi như một bệnh mạn tính'' - Bác sĩ Điền cho biết.
Trong vòng 18 tháng kể từ ngày 05/06/2020, bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có chỉ định điều trị bằng thuốc Tagrisso (Osimertinib) khi mua và sử dụng hoàn tất một chu kỳ thuốc Tagrisso (Osimertinib) sẽ được hỗ trợ miễn phí một chu kỳ thuốc tiếp theo tại Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV. Chương trình hỗ trợ sẽ được duy trì cho đến khi bệnh nhân ngưng điều trị theo chỉ định của bác sỹ hoặc tự quyết định dừng tham gia Chương trình.
Đặt lịch hẹn tư vấn và điều trị ung thư, liên hệ:
Hotline: (028) 5411 3440 hoặc (028) 5411 3333
Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 (thứ 2 - thứ 6) và 8h00 - 12h00 (thứ 7)
Địa chỉ: số 6 Nguyễn Lương Bằng, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM
Website: www.fvhospital.com/dich-vu-chuyen-khoa/trung-tam-dieu-tri-ung-thu-hy-vong