Những “sát thủ” thầm lặng ở tiệm làm móng

Khử trùng dụng cụ làm móng bằng cồn, axeton liệu có đủ để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh? Các bệnh về móng liệu có nguy hiểm? Chị em yêu thích làm móng ít người chú ý đến những “sát thủ” tiềm ẩn này.

Khi làm móng, người thợ sẽ sử dụng các dụng sắc nhọn để cắt da thừa, lấy khóe, đẩy da chết… thì việc gây tổn thương cho lớp biểu bì như trầy xước, chảy máu rất dễ xảy ra. Cho dù bạn đã chọn người thợ lành nghề lâu năm thì rủi ro này vẫn dễ xuất hiện. Chỉ một vết xước nhỏ trên lớp biểu bì cũng đã tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm nếu dùng chung dụng cụ với người khác mà không được sát trùng đúng cách.

Để tiệt trùng dụng cụ làm móng đúng chuẩn thì bộ dụng cụ phải được ngâm ngập trong dung dịch như Hydrogen Peroxide 3 – 5%; Boric Acid 2 - 5%; Cồn Isopropyl 60%; Tincture of Iodine 2%... hoặc hấp với nhiệt độ 120 độ C từ 20-30 phút. Còn việc chỉ lau kềm với cồn hoặc aceton thì khó có thể khử được hết vi trùng gây bệnh

Chỉ 1 vết xước nhỏ từ các thao tác cắt da, lấy khóe… cũng khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm nếu dùng kềm chung
Chỉ 1 vết xước nhỏ từ các thao tác cắt da, lấy khóe… cũng khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm nếu dùng kềm chung

3 “sát thủ” đáng sợ

Đừng tưởng rằng móng được cấu tạo từ chất sừng, cứng thì sẽ không bị mắc bệnh, còn nếu có thì chỉ là các bệnh đơn giản. Tuy nhiên sự thật hoàn toàn ngược lại, trong thực tế có rất nhiều bệnh nguy hiểm liên quan tới móng. Bệnh dễ mắc phải nhất là bệnh nấm móng với biểu hiện từ một đốm trắng hoặc vàng dưới các đầu móng, sau đó phát triển làm móng dày lên, giòn xốp, bị bóp méo hình dáng sau đó chuyển thành màu tối rất khó coi, có mùi hôi và gây đau đớn.

Tiếp theo là bệnh nhiễm trùng tụ cầu khuẩn vàng (S.aureus) bằng cách xâm nhập qua các vết xước khi làm móng mà dân gian gọi là bệnh Chín Mé. Dấu hiệu ban đầu là nhiễm trùng tạo mủ hoặc gây áp xe ở đầu múp các ngón tay, ngón chân. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời phải tháo móng, gây viêm xương khớp hoặc viêm bao dịch gân gấp rất nguy hiểm.

Chín mé – căn bệnh khiến chị em khổ sở vì đau nhức
Chín mé – căn bệnh khiến chị em khổ sở vì đau nhức

 

Bệnh thứ 3 là Paronychia hay còn gọi là bệnh nhiễm trùng quanh móng. Bệnh tiến triển nhanh gây nhiễm trùng vùng da bao quanh móng với biểu hiện là nóng đỏ xung quanh, có mủ và sưng tấy đau đớn. Nếu chủ quan, không giữ vệ sinh sạch sẽ bệnh có thể phát triển gây viêm tủy xương của các ngón và để lại di chứng về khả năng vận động.

Đặc biệt nguy hiểm hơn, một nghiên cứu mới đây được đưa ra tại hội nghị khoa học thường niên của American College of Gastroenterology tổ chức tại Mỹ cho thấy nếu qua loa trong việc sát trùng dụng cụ thì đây sẽ là nơi trú ẩn lý tưởng cho các vi khuẩn gây hại, các dụng cụ này có nguy cơ trở thành vật trung gian lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như viêm gan B và C, thậm chí là HIV.

Các cách phòng tránh

Khi cắt phần da thừa quanh móng, nên ngâm đầu ngón tay vào nước cho lớp biểu bì mềm hơn và bong nhẹ. Cần thực hiện nhẹ tay, không cắt quá sát vào da hoặc lấy khóe sâu 2 bên móng, cắt thẳng sao cho đầu móng luôn dài hơn da để ngăn chặn chứng móng chọc thịt.

Thay vì trông chờ vào các tiệm làm móng tiệt trùng dụng cụ đúng chuẩn, cách tốt nhất để phòng tránh hoàn toàn các căn bệnh trên là nên chuẩn bị riêng một bộ dụng cụ làm móng. Khi mua nên chọn các thương hiệu có uy tín, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, quy trình sản xuất có thể loại bỏ các vi khuẩn gây hại trước khi đóng gói phân phối đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra nên chọn các sản phẩm được sản xuất từ các loại thép cao cấp hạn chế gỉ sét trong quá trình sử dụng.

Bộ kềm sau khi sử dụng cần được bảo quản theo các bước sau: lau sạch bụi bẩn bằng cồn, nhúng ¼ lưỡi kềm vào dầu chống sét, nhỏ dầu máy vào cốt kềm để bôi trơn, gắn ống bảo vệ vào lưỡi kềm, để trong bao bì và cất giữ nơi khô ráo, tránh va chạm vào lưỡi cắt hoặc để rơi xuống đất, tránh xa tầm tay trẻ em và trước khi muốn sử dụng lại cần tiệt trùng bằng máy hấp hay các dung dịch chuyên ngành như đã nêu trên.

Bộ kềm riêng: Cách phòng tránh bệnh đơn giản nhất
Bộ kềm riêng: Cách phòng tránh bệnh đơn giản nhất

Những “sát thủ” thầm lặng ở tiệm làm móng