Những nghiên cứu hứa hẹn trong điều trị ung thư da

Ung thư da là một trong các ung thư thường gặp và khá dễ chẩn đoán. Với sự phát triển của khoa học và y học, công tác chuẩn đoán, điều trị ung thư da đã có nhiều bước tiến mới trong thời gian qua.

Việc nghiên cứu tường tận các tế bào khối u ác tính dựa trên quá trình nhân lên, chuyển hóa, di căn của chúng, giúp các nhà khoa học có thêm nhiều giải pháp  mới cho việc điều trị ung thư trong tương lai

Cơ chế lây lan của tế bào ung thư

Năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu Israel, châu Âu và Mỹ do tiến sĩ Levy đứng đầu, đã hoàn thành nghiên cứu phát hiện cơ chế di căn của khối u ác tính. Theo nghiên cứu, trước khi di căn sang các cơ quan khác, khối u ác tính sẽ phát ra các túi nhỏ chứa các phân tử microRNA. Các phân tử này trợ giúp cho việc tiếp nhận và lan truyền của các tế bào ung thư. Sự hiểu biết chi tiết về cơ chế lan truyền của ung thư thông qua việc phát tán các phân tử microRNA đã đặt nền móng cho các loại thuốc đang được nghiên cứu và thử nghiệm trong việc ngăn ngừa quá trình di căn của khối u.

Việc phát hiện mối liên hệ giữa các phân tử microRNA và sự di căn của ung thư da, cùng sự thay đổi của lớp hạ bì do xuất hiện các phân tử mircoRNA là bước tiến cho việc chuẩn đoán sớm bệnh. Giúp kiểm soát ung thư ngay từ giai đoạn đầu, trước khi di căn tiến triển và chuyển sang giai đoạn nguy hiểm hơn.

Những nghiên cứu hứa hẹn trong điều trị ung thư da - 1

Vắc xin phòng ngừa ung thư

Các nhà khoa học ở Đại học Tel Aviv do tiến sĩ Satchi-Fainaro dẫn đầu hiện đang phát triển một loại vắc-xin nano chống lại khối u ác tính. Trong quá trình thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học sẽ tiến hành tiêm các hạt nano có chứa chuỗi peptit được tìm thấy ở các tế bào khối u ác tính. Khi vào cơ thể, các hạt nano sẽ kích thích hệ thống miễn dịch, giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể xác định và tấn công các tế bào có chứa hai peptide nói trên, từ đó tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, vắc-xin nano cho hiệu quả trong việc phòng ngừa sự xuất hiện, phát triển của các khối u ác tính, điều trị khối u ác tính nguyên phát ở chuột cũng như trong điều trị mô não di căn ở bệnh nhân có khối u ác tính.

Ngăn chặn sự chuyển hóa, lây lan của tế bào ung thư

Nghiên cứu của tiến sĩ Levy còn phát hiện thấy các tế bào mỡ còn chuyển đổi một chuỗi protein, khiến các khối u ác tính trở nên nguy hiểm hơn, đồng thời thúc đấy quá trình lan rộng, di căn của tế bào ung thư sang những tế bào, cơ quan khác. Thông qua việc phong bế tế bào mỡ, quá trình chuyển đổi protein sẽ bị gián đoạn, làm chậm quá trình lan rộng, di căn của các tế bào ung thư da. Điều này hứa hẹn một phương pháp tiềm năng trong điều trị cũng như hạn chế sự di căn.

Cơ chế di chuyển của tế bào ung thư trong cơ thể

Muốn di căn đến một cơ quan nhất định, các tế bào khối u ác tính cần được vận chuyển đến cơ quan đó, tiến hành xâm nhập, chuyển hóa tế bào bình thường để hình thành các cụm tế bào u ác tính mới. Dựa trên cơ sở của việc di căn, nhà sinh vật học phân tử Gabi Gerlitz ở Đại học Ariel vừa nghiên cứu và phát hiện thấy những gì xảy ra với nhân tế bào khối u ác tính trong quá trình di căn. Khi các tế bào khối u ác tính di chuyển, chúng tự ép mình để đi qua các mạch máu hoặc mô. Quá trình nén lại này làm ngưng tụ các nhiễm sắc thể bên trong nhân, tạo ra thay đổi về thể chất lẫn di truyền, cho phép di căn nhanh hơn. Nếu can thiệp được quá trình nén lại, sẽ khiến cho việc di chuyển của các tế bào khối u ác tính cũng như những vật chất di truyền của nó bị gián đoạn, từ đó ngăn cản được quá trình di căn của ung thư.

Tốc độ chuyển hóa axit béo và hiệu quả điều trị

Theo một nghiên cứu trên chuột của các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv, Trung tâm y học Sheba Medical, Viện Salk và ĐH Yale (Mỹ) thì liệu pháp miễn dịch (tăng cường hệ thống miễn dịch để chống ung thư) chỉ thành công ở 40% bệnh nhân u ác tính. Một trong những nguyên do của hiện tượng này chính là tỷ lệ chuyển hóa axit béo của bệnh nhân quá chậm.

Những nghiên cứu hứa hẹn trong điều trị ung thư da - 2

Việc giúp hệ thống miễn dịch nhận biết chuẩn xác các tế bào khối u ác tính là biện pháp hữu hiệu trong kiểm soát ung thư

Khi axit béo chuyển hóa chậm, các tế bào ung thư có thêm cơ hội để ẩn giấu vào các tế bào T của hệ thống miễn dịch để qua mặt hệ thống miễn dịch và tránh khỏi bị tiêu diệt. Trong ngắn hạn, khám phá này cho các bác sĩ điều trị những lựa chọn tiềm năng hơn đối với liệu pháp tăng cường miễn dịch, thông qua cơ chế thúc đẩy chuyển hóa axit béo của bệnh nhân. Trong tương lai, có thể tăng tốc độ chuyển hóa axit béo để làm cho liệu pháp miễn dịch trở nên hiệu quả hơn, hạn chế tế bào ung thư di căn.

Cá nhân hóa trong điều trị ung thư

Một nguyên nhân khác khiến liệu pháp miễn dịch thất bại ở 60% bệnh nhân có u ác tính, là khi các tế bào khối u biệt hóa thành các hình thái phụ đa dạng hơn, khiến hệ thống miễn dịch khó tiêu diệt hơn. Đó là phát hiện mới dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Y khoa Hadassah và Học viện Công nghệ Technion-Israel hợp tác với các đồng nghiệp từ Anh và Mỹ vừa công bố.

Riêng các nhà nghiên cứu Israel còn phát hiện ra một cách hiệu quả để tăng tỷ lệ thành công cho liệu pháp miễn dịch khối u ác tính, bằng cách đào tạo hệ thống miễn dịch để nhận biết. Phát hiện và tiêu diệt các tế bào u ác tính tốt hơn, dựa trên trạng thái, đặc điểm của tế bào khối u ác tính của từng bệnh nhân, chứ không áp dụng các phương thức đại trà như hiện tại. Dựa trên các kết quả thử nghiệm cho thấy, liệu pháp miễn dịch cá nhân tỏ ra hiệu quả đối với 90% các tế bào ung thư; và được xem là liệu pháp miễn dịch khối u ác tính đầy triển vọng trong tương lai.