Những điều cần biết về vi rút hiếm gặp khiến hàng trăm trẻ Mỹ ốm nặng
(Dân trí) - Một vi rút hiếm gặp có tên là enterovirus D68, còn gọi là EV-D68, đang khiến hàng trăm trẻ em trên khắp nước Mỹ phải nhập viện vì bệnh hô hấp nặng.
Mặc dù vi rút này có vẻ không gây chết người, song Trung tâm Phòng chống bệnh dịch (CDC) Mỹ vẫn khuyến cáo các bác sĩ và các bậc phụ huynh cảnh giác với căn bệnh này.
Được xác định lần đầu tiên từ 50 năm trước, EV-D68 hiếm khi được xét nghiệm, và mới chỉ được chú ý từ tháng trước sau khi có hàng trăm trường hợp nhập viện do vi rút này. Tính từ giữa tháng 8 đến ngày 30/9/2014, đã có tổng cộng 472 trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút trên 41 bang và Quận Columbia.
“Mức độ nghiêm trọng của tình hình khiến chúng tôi lo ngại,” Mark Pallansch, trưởng phòng Bệnh virút của CDC cho biết.
- Vi rút chưa có dấu hiệu chậm lại. WHO cho biết việc giám sát những chùm ca bệnh nghi ngờ ở “nhiều bang khác” đang được tiến hành.
- Tất cả các ca bệnh đều là trẻ nhỏ thuộc cả hai giới, nhiều trẻ trong số này có tiền sử hen hoặc thở khò khè.
- Trẻ nhiễm EV-D68 bị khó thở và nhiều trẻ bị thở khò khè. Trẻ cũng có lượng ô xi trong máu thấp. Ít gặp triệu chứng sốt.
- Các triệu chứng nhẹ của EV-D68 có thể bao gồm sốt, chảy nước mũi, hắt hơi, ho và đau cơ. Nhưng nhiều trẻ có triệu trứng khó thở và thở khò khè. Những trường hợp này được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu nhi ở bệnh viện. Một số cần thở máy.
- Chưa có trường hợp nào tử vong di vi rút này trong năm nay, mặc dù CDC chưa biết chắc liệu vi rút đã từng gây chết người hay chưa, vì đây không phải là bệnh được theo dõi thường quy
- Bệnh chưa có thuốc điều trị. Chưa có vắc xin hoặc thuốc chống vi rút để điều trị EV-D68. Cách duy nhất là chăm sóc hỗ trợ, vì thế cần chú ý đến các triệu chứng và đảm bảo bệnh nhân được bù nước đầy đủ và hỗ trợ hô hấp nếu cần.
- Các enterovirút nói chung rất phổ biến. Có hơn 100 chủng enterovirút khác nhau và mỗi năm có từ 10 - 15 triệu người bị nhiễm virút này ở Mỹ. Virút có thể gây ra đủ loại bệnh từ viên não tới viêm màng não do virút.
- Các enterovirút lây điển hình qua đường phân-miệng. Nghĩa là mầm bệnh trong phân của người này nhiễm sang người khác qua đường miệng, thường là qua tay bẩn.
- Chủng virút EV-D68 lây lan như cảm lạnh thông qua chất tiết đường hô hấp, như ho, hắt hơi, hoặc đụng chạm vào các bề mặt dính vi rút. Chủng vi rút này được xác định lần đầu tiên ở California năm 1962. So với các chủng enterovirút khác, EV-D68 khá hiếm gặp ở Mỹ. CDC cho biết trong thời gian từ 2009-2013, có 79 báo cáo về EV-D68 và đây là nguyên nhân của một số chùm ca bệnh nhỏ nhưng chưa từng gây dịch lớn như hiện nay.
Thông thường vi rút này gây bệnh đường hô hấp – giống như cảm lạnh nặng – tuy nhiên còn chưa rõ nó có thể gây ra những bệnh gì khác.
- EV-D68 được phát hiện bằng các kỹ thuật phân tử ở nhiều phòng xét nghiệm tại Mỹ, nhưng đây không phải là bệnh được theo dõi ở cấp quốc gia.
- CDC khuyến cáo nhân viên y tế cần nghĩ tới EV-D68 trước những trường hợp bị bệnh hô hấp nặng không rõ nguyên nhân.
- Các bậc phụ huynh chỉ cần lo lắng nếu trẻ bị khó thở. Khi thấy trẻ có vấn đề về hô hấp, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.
- Có thể phòng ngừa bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân tốt. Rửa tay sạch và chú ý các biện pháp che chắn khi ho.
Những điều còn chưa biết
- Tại sao chủng vi rút này lại bùng phát? EV-D68 được xem là hiếm gặp, vì thế chưa rõ tại sao bệnh lại bùng phát và khiến nhiều trẻ phải nhập viện.
- Liệu vi rút có gây chết người không? Vì đây không phải là bệnh cần thông báo, nên CDC cho biết “không rõ mỗi năm có bao nhiêu ca bệnh và tử vong do EV-D68 xảy ra ở Mỹ”
- Chủng vi rút này có thể gây ra những triệu chứng gì? Chưa rõ vì khá hiếm gặp. Điều này có nghĩa là EV-D68 có thể gây là nhiều loại bệnh khác ngoài các biến chứng đường hô hấp.
- Chính xác thì những đối tượng nào có nguy cơ nhất? Theo CDC thì nhìn chung trẻ dưới một tuổi, trẻ em và trẻ vị thành niên dễ bị nhiễm và bị bệnh do enterovirút nhất. Trẻ bị hen có vẻ dễ mắc bệnh hơn.
Cẩm Tú
(Tổng hợp)