Những điều cần biết khi nóng buốt, đau nhức chân
(Dân trí) - Nếu hay bị chuột rút, ngứa ran, nóng buốt và đau nhức chân, có thể bạn đã bị hội chứng chân không nghỉ, một dạng rối loạn chuyển động của chân. Dưới đây là một số thông tin về hội chứng này mà bạn cần biết.
Hội chứng chân không nghỉ là gì?
Hội chứng chân không nghỉ có tên khoa học là Restless leg syndrom (RLS). Đây là nguyên nhân thường gặp khiến chân có cảm giác đau. Khi gặp triệu chứng này, bằng các cử động đơn giản hoặc nghỉ ngơi một lúc, triệu chứng đau sẽ giảm dần và dần mất đi. Hội chứng này thường gặp vào thời điểm chiều tối hoặc về đêm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính của hội chứng chân không nghỉ vẫn chưa được biết đến nhiều. Tuy nhiên, hội chứng này có thể liên quan đến thời kỳ mang thai, những người béo phì, hút thuốc, thiếu sắt, thiếu máu, các bệnh về thần kinh, rối loạn thần kinh, các bệnh liên quan với hoóc-môn như tiểu đường, suy thận (thiếu vitamin và khoáng chất)…
Một số loại thuốc hay chất kích thích có thể gây ra hội chứng này như cafein, chất rượu bia, H2-histamine blockers (như ranitidine [Zantac] and cimetidine [Tagamet]) và thuốc chống trầm cảm như amitriptyline [Elavil, Endep]).
Triệu chứng
Những người mắc phải hội chứng chân không nghỉ có những triệu chứng thường gặp như sau: chân đau nhức, hay bị chuột rút, cảm giác ngứa ran, nóng buốt chân. Hội chứng này có thể khiến bạn bị mất ngủ, luôn trong tình trạng khó chịu và mệt mỏi.
Bởi vì thiếu ngủ nên trẻ nhỏ và người lớn thường có cảm giác buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, dễ cáu kỉnh trong ngày. Hội chứng chân không nghỉ thường bắt đầu chậm, càng ngày chân càng bị ảnh hưởng, nhưng ít khi ảnh hưởng đến cánh tay.
Chữa trị
Ban đầu là chữa các rủi ro hoặc nguyên nhân đưa tới bệnh như kiểm tra máu để phát hiện có bị thiếu máu do thiếu sắt hay không để bổ sung phù hợp, hoặc nếu nghi ngờ chứng giãn tĩnh mạch là nguyên nhân thì có thể phải cần đến phẫu thuật để lưu thông, sửa chữa hệ tuần hoàn máu…
Ngoài ra, chúng ta nên giảm lượng cafein, nicotin, chất rượu bia vào cơ thể, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, đầu tư vào giấc ngủ và chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.
Các bệnh có thể bị nhầm lẫn với hội chứng
Có nhiều loại bệnh có thể “bắt chước” các triệu chứng của hội chứng này, do vậy cần phát hiện bệnh sớm để có cách chữa trị hợp lý. Một số loại bệnh như: bệnh Parkinson, fibromyalgia (rối loạn gây đau cơ), bệnh về cơ bắp, bệnh khớp hay các vấn đề về hệ tuần hoàn máu. Ở trẻ em, hội chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với các cơn đau trong giai đoạn trưởng thành.
Quách Vinh
Theo Medicinenet