Những câu hỏi lớn vẫn còn “để ngỏ” về đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc? Bệnh nhân đã chữa khỏi sau lại dương tính có phải tái nhiễm hay do chưa được chữa khỏi hoàn toàn? Đáp ứng miễn dịch ở bệnh nhân đã mắc Covid-19 mạnh đến đâu?
Ở Trung Quốc và Nhật Bản đã từng ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân sau khi được chữa khỏi Covid-19 lại được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định được những trường hợp này đã tái nhiễm hay thực ra trước đó họ vẫn chưa được chữa khỏi hoàn toàn.
“Bí ẩn lớn nhất vẫn chưa được làm sáng tỏ là các đáp ứng miễn dịch được tạo ra ở những người đã nhiễm Covid-19 mạnh đến đâu?” – Nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki, Đại học Yale, nhận định – “Đáp ứng miễn dịch được cơ thể tạo ra sau khi nhiễm Covid-19 có thể đem lại khả năng bảo vệ chúng ta khỏi sự tấn công của SARS-CoV-2 ở lần tới trong bao lâu?”. “Trả lời được những câu hỏi này, chúng ta có thể giải mã bí ẩn về hiện tượng tái nhiễm Covid-19” – Chuyên gia này nhấn mạnh.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhà virus học Angela Rasmussen là một trong những bằng chứng khoa học ít ỏi về vấn đề này, có thể tham chiếu ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, chuyên gia này đã sử dụng những chú khỉ Macaque bị nhiễm Covid-19, chữa khỏi cho chúng, sau đó lại cho chúng phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2. Tin tốt là những chú khỉ này đã không bị tái nhiễm.
Nghiên cứu trên người cũng sẽ được tiến hành trong thời gian sắp tới, bằng cách kiểm tra máu của những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Tuy nhiên ngay cả khi các nghiên cứu này chỉ ra rằng, con người có thể hình thành đáp ứng miễn dịch, thì để xác định xem lớp “lá chắn” này có thể bảo vệ chúng ta trước SARS-CoV-2 trong bao lâu sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian. “Có thể mất đến nhiều tháng hoặc nhiều năm để kiểm tra xem liệu các kháng thể đặc hiệu với SARS-CoV-2 có còn ở trong cơ thể chúng ta hay không. Từ đó, đi đến kết luận về thời gian hệ miễn dịch có thể bảo vệ con người khỏi căn bệnh này” – Nhà virus học Rasmussen cho biết.
Đối chiếu với một loại virus thuộc họ corona gây bệnh cảm lạnh (họ hàng với SARS-CoV-2), việc tái nhiễm có thể xảy ra nhưng phải sau 1 hoặc nhiều năm, khi mà kháng thể đặc hiệu biến mất.
Để xác định khả năng gây chết người của Covid-19, thông số quan trọng nhất mà chúng ta cần biết chính là số ca bệnh thực tế là bao nhiêu, và đây thực sự vẫn là một ẩn số khi nhiều người ca bệnh nhẹ vẫn còn ở đâu đó trong cộng đồng.
Xét trên các ca bệnh xác định, có thể thấy một vài quốc gia đang có tỉ lệ tử vong/ca bệnh cao hơn những nơi khác và tỉ lệ này vẫn không ngừng thay đổi theo từng ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ tử vong ở Vũ Hán (nơi dịch Covid-19 bùng phát) theo những số liệu đã được công bố chính thức là 1,4%. Ở Hàn Quốc, một trong những điểm nóng về Covid-19 của châu Á là 1%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Italia là gần 10%.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà khả năng lây lan của một số loại virus trở nên yếu hơn khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao vào những tháng mùa hè. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, virus corona rất nhạy cảm với nhiệt độ cao.
Theo phân tích từ phía chuyên gia, vì virus SARS-CoV-2 lây lan thông qua giọt bắn từ người nhiễm bệnh, nên khi độ ẩm không khí cao các giọt bắn này không thể bay xa được (Khi trong không khí có chứa nhiều hơi nước, các giọt bắn sẽ bị va chạm nhiều hơn với phân tử nước và ngăn cản chúng bay xa. Không khí ẩm cũng có thể xem là một loại lá chắn giọt bắn chứa virus). Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng khiến con người ít ở trong những khoảng không gian kín và đông đúc hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây bệnh.
“Nếu virus SARS-CoV-2 có tính chất mùa vụ như bệnh cúm mùa, thì trong những tháng tiếp theo, khi thời tiết ấm dần lên, diễn biến của đại dịch Covid-19 có thể thay đổi đáng kể” – Chuyên gia dịch tễ học Nathan Grubaugh, Đại học Yale, cho hay.
Các số liệu thu thập được ở Trung Quốc cho thấy, ở những vùng có khí hậu lạnh và khô hơn, quy mô lây lan của virus SARS-CoV-2 có xu hướng lớn hơn. Tuy nhiên, những bằng chứng khoa học thu thập được ở thời điểm hiện tại về vấn đề này là rất khiêm tốn, bởi các quốc gia đều có những biện pháp mạnh tay để kiểm soát dịch bệnh, vì vậy diễn biến biến lây lan của SARS-CoV-2 đã bị tác động bởi các chính sách chống dịch.
Virus corona có tính chất mùa vụ hay không? Câu trả lời của hầu hết các chuyên gia đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở “Có thể!”.
Chúng ta còn phải chống chọi với Covid-19 cho đến khi nào? Để giải đáp cho câu hỏi này, còn có những câu hỏi nhỏ hơn mà chúng ta cần trả lời:
-Có một phương thuốc đặc hiệu nào đó có thể giúp con người không còn bị chết bởi Covid-19? Trên thực tế nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc kháng virus dùng cho bệnh nhân HIV đang được đưa vào thử nghiệm. Tuy nhiên để đi đến được câu trả lời cuối cùng vẫn cần có thêm thời gian.
- Khi nào thì vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa vào sử dụng rộng rãi? Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hãng dược trên toàn cầu đã bước vào cuộc đua điều chế vắc-xin cho Covid-19. Nhiều loại vắc-xin hiện cũng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và cho các kết quả đầy hứa hẹn.
Cũng không thể loại trừ tình huống xấu nhất là chúng ta không thể tìm ra vắc xin hay thuốc điều trị đặc hiệu cho Covid-19 và chấp nhận sống chung với nó. Lúc này, các chính phủ buộc phải tìm giải pháp cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao (người già, người có bệnh lý nền) và đảm bảo sự vận hành của các hoạt động kinh tế, xã hội.
Minh Nhật
Theo Vox, SCMP