1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những ca khám phụ khoa có một không hai ở Hà Nội

Đã là phụ nữ thì ai cũng có lần phải đi khám phụ khoa. Nhưng xung quanh việc khám phụ khoa cũng xảy ra khối chuyện bi hài, thậm chí vô lý nhưng hoàn toàn có thật mà người viết bài này mắt thấy, tai nghe.

Một lần thấy khó chịu ở vùng kín, chị Hương đến phòng khám ở đường Đê La Thành (Hà Nội). Sau khi làm xét nghiệm và lấy kết quả, bác sĩ kết luận chị bị bệnh giang mai và chỉ định tiêm kháng sinh đặc trị và kê toa thuốc về uống. Chị Hương vô cùng lo lắng và đồng ý tiêm ngay tại phòng khám.

 

Sau đó về nhà chị uống thuốc được một ngày, chị hoang mang nghi ngại quá. Chị không thể hiểu nổi chị chỉ có quan hệ với chồng, mà chồng chị rất đàng hoàng, vì sao mình có thể bị giang mai.

 

Và bác sĩ có yêu cầu là chữa cả cho chồng nữa mới dứt điểm được. Chị lại rất lo sợ khi phải trình bày điều này với chồng vì dễ dẫn đến nghi ngờ nhau, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chị quyết định tạm dừng không điều trị và đến một phòng khám khác để khám một lần nữa.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Lần này chị đến một phòng khám khang trang trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Sau khi làm xét nghiệm và lo sợ chờ kết quả, chị Hương vẫn được bác sĩ phán bệnh như lần trước: “giang mai”. bác sĩ hỏi chị rất kỹ: Có quan hệ ngoài vợ chồng không? Chồng làm nghề gì, có hay đi công tác không? Cần đưa anh ấy đến đây khám…Chị phản ứng rất cả quyết là không thể có nguyên nhân lây nhiễm từ người bị giang mai như vậy, không thể và không thể. Đó là cảm nhận của người làm vợ, làm mẹ sống trong một môi trường gia đình, vợ chồng sống lành mạnh. Gia đình chị sẽ rạn nứt nếu…

 

Rồi với sự từng trải và trách nhiệm lương tâm người thầy thuốc, nữ bác sĩ khuyên chị một lần nữa đến khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện xét nghiệm “nuôi cấy” mẫu bệnh phẩm là chính xác nhất. Chị đã nghe theo với niềm hy vọng. Sau một tuần trả kết quả, chị không bị bệnh giang mai mà chỉ là viêm nhiễm thông thường. Chị mừng quá đem thắc mắc hỏi bác sĩ thì nhận được câu trả lời: Em không việc gì cả, em còn muốn gì nữa? Đã nhiều năm rồi mà đến giờ chị vẫn chưa hết thắc mắc về “căn bệnh” bí hiểm kia.

 

Chị Bích là người có nhiều kinh nghiệm về chữa bệnh. Chị kể vài chuyện về đợt nằm viện vì bị mổ chửa ngoài dạ con ở một bệnh viện trung ương. Trước khi lên bàn mổ, chị hỏi bác sỹ (nhưng thực tế là nhắc bác sĩ): Chị ơi, em bị “cắt” (ống dẫn trứng) bên phải hay bên trái? Chị bác sĩ trả lời: bên trái. Như vậy là chị yên tâm chìm vào “cơn mê”. Sau khi mổ xong, nằm trên giường bệnh, chị Bích được y tá đến tận giường để tiêm và phát thuốc cho từng bệnh nhân sau phẫu thuật, cẩn thận chị vẫn hỏi: Em là Bích, đây là thuốc của em đây ạ? Và quả thật không thừa, cô y tá xem lại và chợt phát hiện ra là bị nhầm thuốc với chị khác cũng trùng tên. Còn  bảng theo dõi diễn biến tình hình bệnh của bệnh nhân treo ở đầu giường: “Buồn cười thật, nó được điền sẵn nhiệt độ trước cả ngày, khi bệnh nhân chưa được cặp nhiệt độ mà không chỉ với riêng chị mà cả các bệnh nhân cùng phòng. Các chị băn khoăn lắm nhưng cũng chỉ xì xào chứ không dám thắc mắc”- chị Bích nhăn mặt kể lại.

 

Còn chị Châu thì kể lại chuyện chị đi chụp X-quang ở một bệnh viện sản lớn, chụp xong bác sĩ nhìn phim thấy có một “khối u” bất thường khiến chị rất lo lắng. Sau đó vị bác sĩ này yêu cầu chị chụp lại, lần này thì “khối u” biến mất. Hóa ra lần đầu chụp phim, vị bác sĩ quên không che “đầu ti” nên mới có “khối u” trên phim chứ có gì lạ đâu. May mà kịp thời phát hiện nếu không thì…

 

Và những bệnh nhân “thông minh” và người thân của họ rất cần tỉnh táo, cần biết tự bảo vệ mình khi đối mặt với bệnh viện, bệnh tật và ngay cả khi khủng hoảng tinh thần nhất. Cần biết cách “kiểm soát”, đừng phó thác tất cả cho thầy thuốc mà có ngày chẳng may oan gia - chị Bích kết luận.

 

Theo Trang Hà

Vietnamnet