Những "bảo mẫu" đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1

Hồng Hải

(Dân trí) - Một năm sau vụ "bay lắc" tại BV Tâm thần Trung ương 1, các y bác sĩ nơi đây vẫn là những "bảo mẫu" đặc biệt, họ đảm nhiệm mọi việc từ cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay, đến giục người bệnh đi tắm.

Hơn một năm sau vụ việc một bệnh nhân mở phòng "bay lắc" trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, hiện các hoạt động chăm sóc, chăm lo đời sống cho người bệnh có nhiều đổi thay.

Căn phòng là nơi đối tượng Nguyễn Xuân Quý cải tạo thành nơi "bay lắc," mua bán, sử dụng ma túy cũng đã được dọn dẹp thành buồng điều trị cho bệnh nhân.

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 1

"Hố đen" trên trần nhà, nơi đối tượng Quý dùng để trữ ma túy, thuốc lắc vẫn phải giữ nguyên hiện trạng. Còn căn phòng đã được kê thêm giường dành điều trị cho bệnh nhân.

"Duy chỉ có "hố đen" trên trần nhà, tường nhà... là các tang vật của vụ án vẫn đang trong thời gian điều tra, xét xử... bệnh viện vẫn giữ nguyên hiện trạng, chờ khi công an đồng ý sẽ tu bổ lại sạch sẽ, đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất để điều trị",  PGS.BS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), được giao phụ trách bệnh viện, hiện là Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết.

PGS Hưng cho biết, hiện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đang điều trị nội trú cho gần 600 bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần, những con người cùng khổ.

Khác với tư duy của nhiều người, bệnh nhân tâm thần phải điều trị theo hình thức "nhốt", tại đây, các bác sĩ điều trị "mở" để bệnh nhân có các hoạt động trị liệu như đọc sách, đan lát, tập thể dục, ca hát...

Những bảo mẫu chăm bệnh nhân như con mọn

Khác với các bệnh viện với cảnh tấp nập người ra, người vào, khuôn viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 yên tĩnh, có phần vắng vẻ. Thỉnh thoảng có trường hợp người nhà đưa người bệnh vào viện, gây "náo loạn" một góc nhỏ sân viện. Sau khi được các y bác sĩ, phòng công tác xã hội đưa vào bệnh phòng, sự yên tĩnh lại trở lại.

Trong bệnh phòng, thỉnh thoảng người bệnh nghêu ngao hát, hay đi dạo ở sảnh phòng bệnh, thấy bác sĩ là hớn hở chào hỏi.

Sự tất bật bắt đầu vào hai giờ uống thuốc sáng - chiều. Bệnh nhân ngồi hàng dài, bệt ngay dưới sàn nhờ đợi gọi tên lên uống thuốc.

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 2

Bệnh nhân xếp hàng uống thuốc vào buổi sáng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

"Mỗi người, khi gọi tên lên uống thuốc xong, chúng tôi đều bảo bệnh nhân há miệng, kiểm tra để tránh tình trạng nhổ thuốc. Với các bệnh viện điều trị bệnh nhân thông thường, thuốc được kê đơn, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân quản lý, tự uống. Còn ở đây, thuốc cũng phải đưa cho từng người, kiểm tra bệnh nhân để tránh tình trạng bỏ thuốc không uống", Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu - Trưởng Khoa Bán cấp tính nam (A4), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết.

Phát thuốc 2 lần một ngày chỉ là một phần công việc của các y bác sĩ, điều dưỡng nơi đây. Bác sĩ Thu chia sẻ, chăm sóc bệnh nhân sau đó mới tốn thời gian của các y bác sĩ. "Không khác gì chăm con mọn. Từ cắt móng tay, cạo râu, rồi giục người bệnh tắm rửa, thay quần áo... tất tần tật đều do các nhân viên y tế đảm nhiệm".

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 3

Các nữ điều dưỡng cắt móng tay, móng chân cho bệnh nhân....

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 4

Đến cạo râu, cắt tóc cho người bệnh.

Điều dưỡng Trần Thị Thu Lan, điều dưỡng Khoa A4 cho biết, "đồ nghề" mà các chị quản lý không khác gì một spa thu nhỏ. Nào là kìm cắt móng tay, chân, dao cạo râu... "Cứ cách ngày, nhân viên y tế lại cạo râu cho người bệnh, rồi cắt móng tay. Chúng tôi không thể đưa kìm cắt móng tay, chân cho họ, vì không cẩn trọng, có người sẽ nuốt, rồi gây nguy hiểm cho bệnh nhân khác", chị Lan chia sẻ.

Sau giờ uống thuốc là giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân, chăm sóc cơ thể, rồi đến giờ cơm trưa cho người bệnh. Bệnh nhân về bệnh phòng nghỉ ngơi, các bác sĩ, nhân viên y tế lại chuẩn bị thuốc cho ca chiều, cơm nước cho bữa tối.

PGS Hưng cho biết, điều trị bệnh tâm thần đòi hỏi sự kiên nhẫn, có bệnh nhân mất hằng tháng, hằng năm, thậm chí nhiều bệnh nhân gắn với bệnh viện suốt đời. Với các y bác sĩ chuyên ngành tâm thần, họ phải trở thành người bạn, kiên nhân "sống chậm" cùng người bệnh.

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 5

Các bệnh nhân tham gia trị liệu đọc sách.

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 6

Bệnh nhân tham gia trị liệu bằng ca hát.

"Khi đang đi bệnh phòng, có bệnh nhân ra đưa cho cái vợt bóng bàn là bác sĩ cũng phải tạm dừng công việc chuyên môn, chơi với họ vài séc bóng, không bệnh nhân dỗi hờn có thể gây ảnh hưởng xấu, lên cơn kích động. Có hôm điều dưỡng cắt móng chân cho người bệnh, móng cứng, bấm hơi đau một xíu đã bị bệnh nhân đẩy ngã bổ ngửa", BS Thu cho biết.

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 7

Khi người bệnh có nhu cầu, các bác sĩ sẵn sàng chơi bóng bàn cùng họ. "Đây là liệu pháp giải tỏa thần kinh rất tốt, giúp người bệnh thoải mái tư tưởng", BS Thu cho biết.

Đòi tăng quyền lợi người bệnh, vẫn chưa thể tăng quyền lợi nhân viên y tế

PGS Hưng cho biết, trước đây, một suất ăn cho người bệnh trong một ngày chỉ vỏn vẹn 27 nghìn đồng chia 3 bữa. "Tôi phải đòi hỏi, bởi với 27 nghìn đồng, bệnh nhân có gì để ăn cho cả ngày?".

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 8

Bữa ăn của người bệnh đã được cải thiện từ 27.000 lên 48.000 đồng/ngày. Tuy còn rất thiếu thốn, nhưng các y bác sĩ vẫn cố gắng để người bệnh có chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng.

Từ 1/7/2021, tiền ăn cho người bệnh đã được nâng lên 48.000 đồng (3 bữa). Dù chi phí suất ăn cho mỗi bệnh nhân đã điều chỉnh tăng nhưng với giá cả như hiện nay, chi phí này không đủ để đảm bảo dưỡng cho bệnh nhân. "Với số tiền như trên, chúng tôi chia bữa sáng là 6.000 đồng. Bệnh nhân sẽ được ăn bánh, hoặc cháo, hoặc mỳ... Còn hai bữa trưa, tối là 22.000 đồng/bữa, bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn công nấu và tiền gas, tiền điện thì mới tạm đảm bảo một suất ăn đủ dinh dưỡng và calo cho bệnh nhân như khuyến cáo", lãnh đạo bệnh viện cho biết.

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 9

Bữa cơm trưa của bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Ngoài ra, bệnh nhân được tham gia các trị liệu hàng ngày, như đọc sách, tập đan len, đan chiếu, tập thể dục, rồi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

Những bảo mẫu đặc biệt ở BV Tâm thần Trung ương 1 - 10

Giờ trị liệu bằng thể dục, thể thao cho người bệnh.

Ông Nguyễn Mạnh Phát, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cho biết bệnh nhân tâm thần điều trị không chỉ là sử dụng thuốc mà người bệnh muốn hòa nhập cộng đồng phải có các hoạt động về phục hồi chức năng, lao động, đọc sách, giải trí, thể thao... để khi ra viện người bệnh có thể tự tin hòa nhập với người xung quanh, gia đình và bạn bè.

Bên cạnh việc lo được phần nào chu toàn cho người bệnh, ông Hưng vẫn còn trăn trở rất nhiều về mức sống, mức thu nhập của cán bộ, công nhân viên bệnh viện còn rất khó khăn.

Điều dưỡng Trần Thị Thu Lan cho biết chị đã gắn bó với công việc này gần 4 năm, mức lương, phụ cấp mà chị nhận được hàng tháng là 5,7 triệu đồng. Với khoản thu nhập này, chị không thể đủ trang trải cuộc sống nhưng vì đã lựa chọn công việc và muốn gắn bó với nghề nên chị và nhiều đồng nghiệp luôn cố gắng.

"May mắn mình đang được ở nhờ nhà bố mẹ, nên hai con nhỏ, một cháu 4 tuổi, một cháu 1 tuổi đều một tay bà chăm sóc. Lắm lúc thương ông bà vất vả, nhưng để thuê người giúp việc, người hỗ trợ thì chi phí không gánh đủ. Sau việc chăm bệnh nhân như con mọn ở bệnh viện, hai vợ chồng mình về nhà lại tất bật vì không có tiền thuê người hỗ trợ", chị Lan chia sẻ.

Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế chuyên ngành về tâm thần chia sẻ, cùng là bác sĩ, nhưng nghề nghiệp của họ rất đặc thù. Không như các bác sĩ nhi, răng hàm mặt, rồi tai mũi họng... có thể khám ngoài giờ tăng thêm thu nhập, họ chỉ có thể trông chờ vào nguồn lương chính.

Vì vậy, các y bác sĩ chuyên ngành tâm thần mong mỏi được áp dụng chế độ ưu tiên cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tâm thần được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% (hiện nay chỉ được 70%) và chế độ phụ cấp thâm niên người thầy thuốc tâm thần.

Về vấn đề này, mới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã có kiến nghị gửi tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tăng thu nhập y bác sĩ. Công đoàn cũng kiến nghị áp dụng thêm chính sách thâm niên nghề, thu hút nhân sự cho ngành đặc thù như hồi sức cấp cứu, tâm thần chữa bệnh phong, lao, HIV/AIDS... Đây là những nghề khó tuyển dụng, thiếu hụt bác sĩ, giám định viên... Các công việc này có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ nhưng chưa có cơ chế thu hút lao động, nguy cơ không thiếu nhân lực chất lượng cao.