Nhóm tuổi 25 – 59 bị trầm cảm nhiều nhất
(Dân trí) - Tại Viện sức khỏe Tâm thần trung ương (BV Bạch Mai), nghiên cứu trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến tháng 2/2017, trên số bệnh nhân điều trị trầm cảm, nhóm tuổi mắc trầm cảm cao nhất là trong tuổi lao động, từ 25 đến 59 tuổi.
Cụ thể, ở nhóm tuổi 25 – 44 tuổi chiếm tỉ lệ 29,4% bệnh nhân; lứa tuổi 45 – 59 chiếm hơn 33%; lứa tuổi trên 60 chiếm gần 20%; lứa tuổi 16 – 24 chiếm 15,7%; dưới 15 tuổi chiếm 2%.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân chịu rất nhiều tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Tỉ lệ bệnh nhân gặp khô miệng cao nhất xuất hiện ở tuần điều trị thứ ba (46,7%); bệnh nhân bị táo bón cao nhất ở tuần điều trị thứ 4 với 50% bệnh nhân; Các tác dụng phụ khác như nhìn mờ, bí tiểu, lú lẫn, nhịp tim nhanh, đau đầu, chóng mặt, bồn chồn bất an, buồn ngủ…
Theo các bác sĩ, việc đưa ra đánh giá được những tác dụng phụ của thuốc trầm cảm sẽ giúp các bác sĩ, đặc biệt là các điều dưỡng viên cần theo dõi chặt bệnh nhân để phát hiện ra các tác dụng không mong muốn của thuốc phát sinh trong quá trình điều trị để có xử lý kịp thời.
Thông tin trên được cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Huy (Viện Sức khỏe tâm thần) báo cáo tại “Hội nghị khoa học điều dưỡng Viện Sức khỏe tâm thần lần thứ nhất” diễn ra ngày 4/8 tại BV Bạch Mai, với 9 chuyên đề bổ ích được các điều dưỡng, kỹ thuật viên của các viện, bệnh viện, chuyên khoa tâm thần trong cả nước thuyết trình.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những năm gần đây, Viện SKTT đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; nắm bắt kịp thời những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trên thế giới, ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Những năm qua, số lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú ngày càng tăng, ngày điều trị trung bình được rút ngắn, đặc biệt công tác khám và tái khám đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh….
Nếu bác sĩ là người chữa người bệnh thì điều dưỡng là người chăm sóc người bệnh, đều nhằm một mục đích chung là phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Như trong nghiên cứu trên, việc theo dõi các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc với bệnh nhân trầm cảm là rất quan trọng, do các điều dưỡng phát hiện, báo cáo lại với bác sĩ để kịp thời có những xử trí thích hợp.
TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện Trưởng Viện SKTT, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện Viện có 35 cán bộ điều dưỡng, trên tổng số 255 giường bệnh nội trú, lực lượng tuy mỏng nhưng đội ngũ điều dưỡng của Viện ngoài công tác chăm sóc người bệnh, còn tham gia các công tác khác như đào tạo hai lớp chăm sóc người bệnh tâm thần cho cán bộ thuộc các Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP Hà Nội, tham gia công tác đào tạo cho các bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh theo Đề án 1816, hỗ trợ đào tạo nhân viên công tác xã hội cho các trường đại học…
Trong những năm gần đây, viện cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ điều dưỡng, đặc biệt trong lĩnh vực NCKH, cải tiến kỹ thuật. Năm 2016, lần đầu tiên viện có bốn đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của điều dưỡng, trong đó hai đề tài đã nghiệm thu và được đánh giá xuất sắc.
Hồng Hải