Nhờ hóc thịt ngan, người đàn ông phát hiện kịp thời ung thư thực quản

(Dân trí) - Người đàn ông 68 tuổi ở Thái Bình đến Bệnh viện E khám do bị nghẹn khi ăn thịt ngan. Khi tiến hành nội soi thực quản gắp dị vật bị nghẹn, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân ung thư thực quản.

Sáng 29/5, bệnh nhân nam (68 tuổi, ở Thái Thụy, Thái Bình) đến Bệnh viện E khám do tối qua có ăn thịt ngan và bị nghẹn. Người đàn ông này đã cố nuốt miếng thịt, gây nôn nhưng không thành công, miếng thịt vẫn án ngữ vùng họng khiến bệnh nhân cảm thấy tức ngực, khó thở.

Nhờ hóc thịt ngan, người đàn ông phát hiện kịp thời ung thư thực quản - 1

Tại Bệnh viện E, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân nội soi thực quản, phát hiện dị vật là miếng thịt ngan chưa tiêu, kích thước tương đối lớn (khoảng 3 cm) ở cách cung răng trên 20 cm.

Vì thế, ngay trong chiều 29/5, các bác sĩ khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện E vừa tiến hành ca nội soi xử lý dị vật là miếng thịt ngan mắc ở thực quản của một bệnh nhân nam.

Đáng nói, trong quá trình thực hiện nội soi gắp dị vật, các bác sĩ thấy vùng thực quản có yếu tố nghi ngờ, đã dùng kỹ thuật chẩn đoán ung thư sớm và đã phát hiện bệnh nhân bị ung thư thực quản.

Nhờ hóc thịt ngan, người đàn ông phát hiện kịp thời ung thư thực quản - 2

ThS.BS Vũ Hồng Anh – trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện E – người trực tiếp tiến hành ca nội soi này, cho biết, ở phía dưới dị vật, thực quản của bệnh nhân có dấu hiệu chít hẹp nhiễm cứng.

Vì thế, các bác sĩ phải dùng dụng cụ đẩy kéo dị vật xuống dạ dày bệnh nhân nhằm tránh cho bệnh nhân có nguy cơ rơi dị vật vào đường thở khi lấy ra. Đây là điểm khó và mấu chốt của ca xử lý dị vật là thực phẩm bị hóc tại thực quản, nhất là bệnh nhân lớn tuổi, có nghi ngờ bị ung thư như bệnh nhân này.

Sau khi xử trí bằng cách cắt nhỏ dị vật (là miếng thịt ngan) trong dạ dày bệnh nhân để thức ăn có thể tự tiêu hóa qua đường tự nhiên, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra chỗ chít hẹp thực quản của bệnh nhân, nơi gây nên việc nuốt nghẹn thức ăn.

"Chúng tôi phát hiện một tổn thương sùi, đoạn thực quản nhiễm cứng chiếm 1/2 chu vi, dài khoản 2-3 cm… Khi tiến hành nhuộm màu NBI (chẩn đoán ung thư sớm) và nghĩ đến việc bệnh nhân bị ung thư thực quản, chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm để sinh thiết tìm tế bào ung thư cho bệnh nhân", BS Hồng Anh cho biết.

Ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biến ở cả hai giới, bệnh thường phát triển thầm lặng, ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản như: nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng, chảy nước bọt kèm theo hơi thở có mùi hôi, sặc khi ăn uống, giảm cân…

Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này. Việc chẩn đoán ung thư thực quản còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác.

Để chẩn đoán chính xác ung thư thực quản, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết để có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hoặc các tổn thương khác.

Qua trường hợp này, BS Hồng Anh cũng khuyến cáo, đối với những người ở độ tuổi trung niên từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt với nam giới, có uống rượu nhiều, cần nội soi tầm soát ung thư thực quản sớm, ít nhất 6 tháng/lần, tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, máy móc và kỹ thuật hiện đại để kịp thời phát hiện nguy cơ ung thư thực quản.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm