Nhiều người từng một lần tâm thần?!
Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người VN có khả năng bị bệnh tâm thần một lần trong đời là 15-20%. Buồn chán, bực tức, căng thẳng, mất ngủ kéo dài, chán ăn... có phải “bị” tâm thần? Diễn tiến thế nào thì gọi là bệnh tâm thần?
BS Lê Quốc Nam - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, BV Tâm thần TP.HCM - cho biết: “Theo phân loại, hiện có đến hơn 300 loại rối loạn tâm thần (RLTT) và hành vi như: RLTT sau chấn thương sọ não hay viêm não, các RLTT do sử dụng rượu và ma túy, tâm thần phân liệt, rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, ngủ nhiều, ác mộng, mộng du...). Đa số các rối loạn này sẽ khỏi hay ổn định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chỉ có một tỉ lệ rất thấp - khoảng 1-2% - là diễn tiến ngày càng nặng và không đáp ứng với điều trị”.
Thưa bác sĩ, áp lực công việc, học tập... ngày càng cao có làm tăng nguy cơ bị RLTT?
Nếu bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn tâm thần liên quan đến stress... chỉ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa hoặc các phòng khám tâm thần quận huyện để được hướng dẫn, điều trị.
Theo thống kê gần đây của Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, tỉ lệ người VN có khả năng bị bệnh tâm thần một lần trong đời là 15-20% (đa số chữa khỏi hay ổn định). Một số nghiên cứu về các bệnh tâm thần thường gặp trong dân số chung tại TPHCM do BV Tâm thần thực hiện cũng cho thấy: tỉ lệ trầm cảm là 9,4%, các rối loạn lo âu: 6,1%, tâm thần phân liệt: 1%, chậm phát triển tâm thần: 0,9%, động kinh: 0,5%... Ở nhóm người trên 65 tuổi có từ 7,8-9,7% bị sa sút tâm thần.
Nghiện rượu, ma túy có thể gây các RLTT. Áp lực về việc làm, học tập ngày càng cao dẫn đến căng thẳng tâm lý ngày càng tăng và có thể đưa đến các dạng RLTT liên quan đến stress...
Trong các bệnh trên, loại nào là nặng và khó chữa?
- Tâm thần phân liệt là một loại bệnh tâm thần nặng. Các triệu chứng chính là hoang tưởng, ảo thanh, rối loạn khả năng suy nghĩ, mất ý muốn làm việc, giảm sự biểu lộ tình cảm, cách ly xã hội, trở nên trầm tư, lo âu hay sợ hãi. Bệnh khởi phát nhanh với các triệu chứng cấp tính xuất hiện trong vài tuần hay có thể khởi phát chậm trong nhiều tháng, nhiều năm. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi trẻ (ở nam 15-25 tuổi, ở nữ với độ tuổi trễ hơn - từ 25-35 tuổi) và thường kéo dài suốt cả cuộc đời.
Người ăn mặc quái dị, có những hành vi không giống ai, la hét, có tính khí hung dữ bất thường hoặc hành vi ghê gớm không đoán trước được... chỉ gặp ở một bộ phận rất ít bệnh nhân bị các loại bệnh tâm thần nặng và không được điều trị kịp thời.
Bệnh trầm cảm có nguy hiểm?
Trầm cảm là một RLTT thường gặp, bao gồm nhiều triệu chứng, nhưng dễ nhận diện nhất là sự buồn bã một cách sâu sắc. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, mất hi vọng... Các triệu chứng khác như sụt cân, khó ngủ, bồn chồn, dễ tức giận, cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc bị một tội lỗi gì đó ghê gớm, khó tập trung và thường xuyên nghĩ đến cái chết hay chuẩn bị tự tử - đây là lý do quan trọng khiến bệnh phải được điều trị sớm. Bệnh có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào nhưng thường gặp ở lứa tuổi 24-44. Cần lưu ý là có 25% nữ giới và 10% nam giới có thể bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống.
Một dạng RLTT khác là rối loạn lưỡng cực: có lúc hưng phấn quá mức, lại có lúc trầm cảm quá mức. Khi trầm cảm thì với các triệu chứng như rối loạn trầm cảm, đến khi hưng phấn thì vui vẻ quá mức, hoang tưởng tự cao, cảm giác mình là vô địch, có những hành vi nguy cơ cao như lái xe không cẩn thận, không kiểm soát được nhịp độ suy nghĩ hay nói chuyện, ngủ ít, dễ giận dữ bất ngờ... Khoảng 1% người có thể sẽ bị rối loạn này vào một thời điểm nào đó trong đời.
Đề cập đến rối loạn ăn uống, BS có nói đến chán ăn?
Đó là chán ăn tâm thần. Khoảng 100 thanh thiếu niên thì có một người mắc bệnh này, tỉ lệ nữ cao hơn nam gấp 10 - 20 lần, 85% trường hợp khởi phát bệnh trong khoảng thời gian 13 - 20 tuổi. Tỉ lệ bệnh thường rất cao ở những nghề cần sự thon mảnh như người mẫu, diễn viên múa. Đặc điểm là bệnh nhân từ chối duy trì trọng lượng cơ thể bình thường tối thiểu, rất sợ tăng cân và có nhận thức sai lầm về trọng lượng hay hình dáng cơ thể mình. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời - thường là do hậu quả của suy dinh dưỡng hoặc tự tử.
Khi mắc bệnh tâm thần, thời gian điều trị là bao lâu?
Nguyên tắc chung trong điều trị các loại bệnh tâm thần là phối hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu. Hiện đã có rất nhiều tiến bộ với các loại thuốc mới điều trị tâm thần ngày càng hiệu quả hơn. Liệu pháp tâm lý cũng có rất nhiều như liệu pháp phân tâm, liệu pháp nhận thức hành vi, ám thị và thư giãn, các liệu pháp tâm lý nâng đỡ.
Đa số là điều trị khỏi, chỉ một số bệnh phải điều trị lâu dài như tâm thần phân liệt, trầm cảm mãn tính nhưng tỉ lệ cũng thấp. Thời gian trung bình để điều trị một rối loạn - ví dụ như rối loạn lo âu - là 3-6 tháng.
Rất có thể một lần trong đời chúng ta có những triệu chứng của tâm thần nhưng không biết. Vậy bác sĩ có lời khuyên gì?
Nếu bạn có một hay nhiều triệu chứng cảnh báo sau đây: thay đổi tính tình rõ rệt, không có khả năng đối phó với các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày; có các ý tưởng tự cao hay xa lạ, lo âu quá mức và kéo dài, buồn bã kéo dài, thay đổi rõ rệt trong cách ngủ và ăn uống, nghĩ đến hay nói về vấn đề tự tử, cảm xúc thay đổi quá nhanh từ hưng phấn sang buồn nản và ngược lại, nghiện rượu hay ma túy, giận dữ quá mức, thù địch hay hành vi bạo lực... thì bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị đúng cách càng sớm càng tốt.
Theo Kim Sơn
Tuổi trẻ