1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều mặt hàng thuốc “nhảy giá”, thuốc ngoại vẫn được chuộng

(Dân trí) - Trong khi người dân đang thấp thỏm, lo lắng với mức tăng giá viện phí mới thì trên thị trường, các loại thuốc vẫn tăng giá đều trong những tháng đầu năm.

Nhiều mặt hàng thuốc “nhảy giá”, thuốc ngoại vẫn được chuộng

Ba đợt ốm liên tiếp của con chị Linh từ tháng 1 đến nay, hai lần khám phòng khám tư, một lần tại bệnh viện, bs đều kê thuốc kháng sinh ngoại
 
Một đơn thuốc tăng gần 5%

Có hai con nhỏ, một lên 4, một được 18 tháng nên chị Tú Linh thường xuyên phải hỏi thăm nhà thuốc vì hai nhóc luân phiên ốm. “Tiền khám bệnh đã tăng từ khi Bộ Y tế rục rịch tăng viện phí (khám GS.PGS hiện là 150 ngàn đồng/lần, bác sĩ thường là 100 ngàn/lần), nay tổng đơn thuốc cũng tăng giá cỡ gần 5%”, chị Tú Linh cho biết.

Cụ thể, ngày 25/4, chị Linh đưa con đi khám vì đứa nhỏ sốt đến 39,5 độ C, đứa lớn ho và nổi ban khắp người. Sau khi chẩn đoán viêm họng cấp và viêm amidan, nổi ban nhiễm khuẩn, bác sĩ kê kê kháng sinh Augmentin 250, cefixim uống kèm men tiêu hóa ống và kẽm. “Cả ba loại đều tăng giá. Thuốc kháng sinh Augmentin tăng từ 13,5 ngàn đồng/gói lên 15 ngàn/gói. Men trước đó tôi mua 55 ngàn một vỉ, giờ đã lên 65 ngàn, còn kẽm (ZinC si-ro) thì hiệu thuốc bán tới 38 ngàn/hộp (tăng 5.000 đồng so với trước) và một loại thuốc siro tăng cường miễn dịch vốn lúc nào cũng có giá vài trăm ngàn. Kháng sinh cefixim, giá cũng tăng hơn trước”, chị Linh dẫn chứng cụ thể.

“Hai đơn thuốc ngót nghét cả triệu bạc, chưa kể tiền khám. Quá sốt ruột, mình từ chối lấy kháng sinh ngoại và  hỏi thuốc nội để thay thế (theo tư vấn của mẹ chồng bán thuốc ở quê) vậy mà phải lượn hỏi mấy hiệu thuốc khác mới mua được, rẻ bằng 1/3 so với thuốc ngoại”, chị Linh nói.

Dù Hiệp hội doanh nghiệp Dược nhận định tình hình thị trường dược phẩm trong tháng Tư nhìn chung tương đối ổn định nhưng vẫn có 65 loại thuốc nội (chiếm 0,5%) và 43 loại thuốc ngoại (chiếm 0,3%) tăng giá, với tỷ lệ tăng trung bình 16% so với tháng trước. Trong đó có loại chỉ tăng vài nghìn đồng nhưng có loại tăng 15.000-20.000 đồng. Đáng chú ý có những loại tăng đến hơn 40% như thuốc tim mạch Trafedin, nhỏ mắt Osla, thuốc bổ, cung cấp khoáng chất và vitamin như Nebamin...; tăng khoảng 10% như dầu gió Thiên Thảo, Augmentin 500mg....

Trước đó, trong đợt khảo sát tháng 2 đã có 23 lượt mặt hàng thuốc nội tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 9,47%. Còn thuốc ngoại có 14 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình chỉ khoảng 8,3% trong khi chỉ có 03 lượt mặt hàng giảm giá (chiếm 0,06%) với tỷ lệ giảm chỉ khoảng 3,3%.

Thuốc ngoại được dùng nhiều hơn thuốc nội

Số liệu thống kê tình hình sản xuất, nhập khẩu thuốc đến 2010 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho thấy, tổng giá trị tiền sử dụng thuốc nhập khẩu luôn chiếm nhiều hơn so với tổng giá trị tiền sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Trong năm 2010, tổng trị giá tiền thuốc sử dụng trong nước sản xuất là trên 900 nghìn USD, trong khi đó, trị giá thuốc nhâp khẩu là gần gấp rưỡi.

Một phần dẫn đến nguyên nhân tiền dành cho thuốc ngoại chiếm nhiều hơn thuốc nội, đó là tâm lý thích thuốc ngoại của cả bác sĩ và bệnh nhân dù giá trị thuốc ngoại cao gấp 2 - 3 lần so với thuốc nội.

“Như trường hợp con tôi, khi bị bệnh, dù đi khám ở phòng khám ngoài lẫn trong bệnh viện, thuốc ngoại vẫn được kê là chính. Nếu họ giống tôi, biết hiệu quả điều trị là tương đương, giá thì lại rẻ hơn rất nhiều thì tôi tin nhiều người dân sẽ chọn mua thuốc nội. Mà để người dân dùng thuốc nội nhiều, thì bác sĩ kê đơn rất quan trọng, bởi bác sĩ kê sao dân sẽ mua vậy”, chị Tú Linh nói.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam từng khẳng định, chính việc sử dụng quá nhiều thuốc ngoại trong bệnh viện (càng bệnh viện tuyến trên, sử dụng các thuốc ngoại càng mạnh) khiến quỹ BHYT bị thâm hụt.

Tới đây, khi giá viện phí được điều chỉnh tăng, các loại thuốc vẫn tiếp tục nhảy giá, cộng với tâm lý sính thuốc ngoại, không chỉ túi tiền của người dân bị ảnh hưởng mà quỹ BHYT chắc chắn cũng bị tác động.

Hồng Hải