1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều loại thuốc dừng thanh toán bảo hiểm y tế

Người bệnh nếu vào BV trước 1/1/2015 và vẫn đang được điều trị thì vẫn được BHYT tiếp tục thanh toán 100% cho đến hết liệu trình điều trị.

Sau sự việc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM buộc phải tiêu hủy 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư hết date trị giá hàng tỉ đồng, vừa qua BV Ung bướu TP.HCM cũng phải tiêu hủy 267 viên thuốc Nexavar điều trị ung thư hết hạn từ nguồn viện trợ, gây lãng phí hơn 280 triệu đồng.

Nhiều thuốc ra khỏi danh mục

Giải thích nguyên nhân sự việc này, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, cố vấn khoa Dược, BV Ung bướu TP.HCM, cho biết chương trình viện trợ thuốc Nexavar nhiều năm trước đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ tháng 1/2015, BHYT bắt đầu thay đổi chính sách chi trả.

Trước đây bệnh nhân được BHYT thanh toán 80-100% giá thuốc được viện trợ. Từ năm 2015, loại thuốc này chỉ được BHYT chi trả 50%, còn lại bệnh nhân phải chi 50%. Do đó, kể từ khi áp dụng quy định mới đã có 2/3 bệnh nhân ngừng dùng loại thuốc này vì không đủ khả năng chi trả. Do lượng bệnh nhân giảm nên xảy ra tình trạng dư thuốc và BV phải hủy thuốc vì hết hạn sử dụng.

Nexavar là biệt dược gốc có chỉ định cho bệnh nhân ung thư biểu mô gan và thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân phải sử dụng thuốc trong một thời gian liên tục và kéo dài với liều lượng mỗi ngày 4 viên (tương đương 1 triệu đồng/ngày đối với bệnh nhân có BHYT).

Trước đó, một số loại thuốc điều trị ung thư như Doxorubicin, Erlotinib, Gefinitib, Sorafenib cũng rơi vào trường hợp rớt khỏi danh sách được BHYT chi trả.

Mới đây, từ đầu tháng 4, một số BV tại TP.HCM cũng đột ngột thông báo dừng thanh toán nhiều loại thuốc do BHYT chi trả, trong đó có những thuốc đắt tiền như Mycophenolate mofetil và Tacrolimus (chữa chứng lupus ban đỏ và chứng thận hư) khiến nhiều người bệnh điêu đứng.

Bệnh nhân đang nhận thuốc BHYT tại BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. Ảnh: HTD
Bệnh nhân đang nhận thuốc BHYT tại BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. Ảnh: HTD

Không có việc BHYT ngưng chi trả

Giải thích về vấn đề này, ông Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế ban hành và áp dụng danh mục thuốc được chi trả BHYT theo Thông tư 40 áp dụng từ ngày 1/1/2015 đã được rà soát, kiểm tra và lấy ý kiến từ rất nhiều nơi.

Thông tư đã loại khỏi danh mục 83 hoạt chất và 111 thuốc được chi trả BHYT. Bên cạnh đó đã bổ sung thêm 22 thuốc, mở rộng tuyến 77 thuốc và đưa 11 thuốc ung thư, chống thải ghép ngoài danh mục sử dụng theo quy định. Danh mục thuốc này được xây dựng dựa trên phân hạng BV, nhu cầu điều trị và khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Theo đó, BHYT sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh, giá mua vào theo quy định của Luật Đấu thầu và phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định. Do đó, dù áp dụng thông tư mới bệnh nhân vẫn sẽ có thuốc điều trị. Riêng đối với các trường hợp thuốc có trong danh mục được chi trả BHYT nhưng đến khi áp dụng thông tư mới lại không còn nữa, BHYT sẽ giải quyết theo quy định chuyển tiếp.

Theo ông Thúy, cụ thể người bệnh nếu vào BV trước 1/1/2015 và vẫn đang được điều trị thì người đó được thực hiện theo Thông tư 31 cho đến khi bệnh nhân ra viện. Tức bệnh nhân vẫn được BHYT tiếp tục thanh toán 100% cho đến hết liệu trình điều trị. Với các loại thuốc có trong Thông tư 31 nhưng không có trong Thông tư 40, BHYT sẽ thanh toán cho đến khi sử dụng hết số thuốc đã trúng thầu theo kết quả đấu thầu và đã được cơ sở khám chữa bệnh ký kết hợp đồng cung ứng với nhà thầu trước ngày 1/1/2015…

Do đó, không có việc BHYT ngưng chi trả ngay lập tức gây khó khăn cho người bệnh về việc mua thuốc. Trường hợp BV Ung bướu, loại thuốc này thuộc hàng viện trợ, trước đây BHYT chi trả 80% nhưng sau Thông tư 40 BHYT chỉ chi trả 50% thì bệnh nhân đang điều trị trong lộ trình vẫn được hưởng giá chi trả trước kia cho đến khi hết phác đồ điều trị.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao nhiều loại thuốc khác cũng bị đột ngột dừng thanh toán BHYT, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, BHXH Việt Nam, cho biết Thông tư 40 của Bộ Y tế quy định BHYT không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt. Điều này không có nghĩa là tước quyền lợi của người bệnh mà chỉ nhằm kiểm soát tình trạng lạm dụng kê đơn, chỉ định thuốc của bác sĩ, bởi trong danh mục thuốc của Bộ Y tế đều đã có đầy đủ các loại thuốc có thể thay thế những loại thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký và người bệnh sẽ vẫn được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về BHYT.

Ngày 21/4, BHXH Việt Nam đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế thống kê, báo cáo về các loại thuốc chưa có thuốc thay thế, cần thiết được sử dụng với chỉ định không có trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt. BHXH Việt Nam sẽ căn cứ vào báo cáo này để thống nhất với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung trong danh mục.

Khi xây dựng danh mục thuốc, Bộ Y tế yên tâm là đã hỏi ý kiến xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đưa vào áp dụng chắc chắn sẽ có những vấn đề bất cập cần điều chỉnh, bổ sung. Việc giá thuốc Nexavar quá đắt, bệnh nhân không có tiền mua sau khi không được chi trả BHYT khiến BV Ung bướu phải tiêu hủy 267 viên gây lãng phí, BHYT sẽ kiểm tra lại.

Ông HÀ VĂN THÚY, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế

Theo Hà Phượng

Pháp luật TPHCM