Nhiều kỹ thuật cao được chuyển giao cho y tế cơ sở
(Dân trí) - Sau hơn một tháng triển khai đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ y tế BV tuyến trên luân phiên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhiều kỹ thuật cao đã được chuyển giao thành công cho y tế cơ sở.
Thuận lợi cho người dân
Chủ trương của Bộ Y tế khi thực hiện đề án này là nhằm nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới dựa trên sự chuyển giao kỹ thuật cao từ các bác sĩ tuyến trên. Và mô hình này đã dần thể hiện sự hiệu quả khi những bác sĩ chuyên môn giỏi của tuyến Trung ương trực tiếp về tuyến y tế cơ sở, “cầm tay chỉ việc” đến khi cán bộ y tế tuyến dưới thạo việc.
Như vậy, người dân tại địa phương hoàn toàn có thể yên tâm khám chữa tại bệnh viện tỉnh nhà thay vì "khăn gói quả mướp" lên Hà Nội khám, kéo theo đó là sự tốn kém về tiền bạc, thời gian.
Tính đến hết tháng 9, đã có 38 tỉnh - thành phố trong cả nước được đón nhận cán bộ y tế từ các BV tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật. Tổng số cán bộ y tế đã đi luân phiên xuống tuyến dưới là 235 người, đến từ 38 BV trong toàn quốc.
Tại khu vực phía Nam, các cán bộ y tế của 23 BV trực thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ chuyên môn tại 31 tỉnh, thành phố đã chuyển giao được 17 kỹ thuật cao cho tuyến cơ sở.
Nhiều kỹ thuật đã có thể thực hiện nhuần nhuyễn ở y tế tuyến dưới như phẫu thuật cấp cứu chấn thương sọ não, phẫu thuật nội soi bướu lành tiền liệt tuyến, phẫu thuật sỏi ống mật chủ, phẫu thuật nội soi hệ tiết niệu...
Còn tại khu vực phía Bắc, 5 BV trực thuộc Sở Y tế Hà Nội cử cán bộ y tế đi luân phiên đã giúp đỡ được khá nhiều về chuyên môn cho các BV tuyến dưới. Đoàn cán bộ của BV Bạch Mai luân phiên hỗ trợ chuyên môn cho các BV của tỉnh Yên Bái đã giúp tuyến cơ sở cấp cứu kịp thời 1 trường hợp nhồi máu cơ tim, 1 trường hợp bị rắn độc cắn...
Về việc cử cán bộ y tế luân phiên về bệnh viện tuyến dưới, TS Trần Thúy Hạnh, Giám đốc BV Bạch Mai đã từng chia sẻ với phóng viên báo Dân trí rằng: "Đây là một chủ trương đúng đắn của ngành y tế". Theo bà Hạnh, các bác sĩ phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng vì khi những kỹ thuật được chuyển giao tới y tế cơ sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, để người dân được hưởng sự chăm sóc y tế tốt nhất ngay từ địa phương mình”.
Giúp giảm tải bệnh viện
Theo thống kê, hiện các BV ở TP.HCM khám điều trị cho khoảng 40% số bệnh nhân cả nước với 35 triệu lượt người. Trong khi đó, BV tuyến huyện chỉ đáp ứng 43% nhu cầu KCB của người dân; 47% bệnh nhân lên tuyến tỉnh, sau đó có thể chuyển lên tuyến trung ương; 7% bệnh nhân lên thẳng tuyến trung ương; còn 3% chọn nơi điều trị là các BV, phòng khám tư nhân.
Điều này cho thấy, năng lực tuyến y tế cơ sở còn bị “bỏ ngỏ” rất nhiều. Chỉ có cách bồi dưỡng, hướng dẫn cho cán bộ y tế cơ sở thực hiện tốt những kỹ thuật khám chữa bệnh thì mới có thể “hút” người dân địa phương khám chữa bệnh đúng tuyến, vừa thuận lợi cho người bệnh, vừa giảm tải cho tuyến trên.
Về vấn đều này, Ông Nguyễn Tiến Quyết,Giám đốc BV Việt Đức từng khẳng định tại một hội nghị mới đây: “Mấu chốt” của quá tải bệnh viện là do năng lực cán bộ y tế ở tuyến cơ sở quá yếu, lại không có người giỏi dìu dắt, phân công cán bộ chưa phù hợp… dẫn đến tình trạng mặt bằng trình độ chuyên môn rất yếu. Vì không tin tưởng, người dân thường vượt tuyến khám bệnh, gây quá tải trầm trọng tuyến T.Ư”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng khẳng định: "Nhân lực là một trong những vấn đề lớn nhất của công tác giảm quá tải BV. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là lời giải hữu ích cho quá tải bệnh viện".
Và đây cũng là mục tiêu mà Bộ Y tế đặt ra với đề án 1816. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định: "Từ những thành công bước đầu của việc luân phiên cán bộ y tế về tuyến dưới, Bộ Y tế tiếp tục xem xét, tính đến việc cử cán bộ y tế từ tuyến huyện xuống hỗ trợ chuyên môn ở tuyến xã trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện vẫn chưa thực sự tích cực hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới như BV K, BV Nhi T.Ư, BV Phụ sản T.Ư... Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở phải có trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện công việc hàng tuần với Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Đồng thời, sẽ cử các đoàn kiểm tra trực tiếp về tận địa phương có tiếp nhận cán bộ luân phiên để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời.
Ngọc Linh