1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Miền Nam:

Nhiều ca sốt xuất huyết bị biến chứng nặng

(Dân trí) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, TPHCM đã có 6 ca tử vong vì biến chứng do sốt xuất huyết (SXH), gồm 3 trẻ em và 3 người lớn.

Những ca bệnh SXH nặng 

 

Bé V.C.H., 6 tuổi (ngụ tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), vào khoa Cấp cứu BV NĐ1 lúc 14h ngày 10/06/2009 trong tình trạng tri giác lơ mơ, ống thông dạ dày ra máu đỏ tươi và tiêu ra máu đỏ bầm với lượng nhiều.

 

Trước khi đến BV NĐ1, bé V.C.H đã được điều trị tại BV địa phương và BV tỉnh nhưng bệnh không thuyên giảm đến ngày thứ 4 được chuyển tiếp đến BV NĐ1 và được chẩn đoán là SXH độ IV ngày thứ 4, xuất huyết tiêu hóa nặng. May mắn, bé được chữa trị bình phục sau 20 ngày và đã được xuất viện.

 

Trường hợp thứ 2, bé trai N.V.A, 05 tuổi, ngụ Bình Dương, được chuyển đến BV NĐ2 trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp cũng không đo được. Các BS chẩn đoán bé N.V.A mắc SXH độ IV và đã có dấu hiệu sốc ban đầu, ngay lập tức bé được làm cấp cứu chống sốc, bù dịch…. Sau một tuần điều trị đã xuất viện nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tại nhà.

 

Với bé N.T.T, 7 tuổi, ngụ TPHCM chỉ có biểu hiện ho kèm sốt nhẹ và đi khám bệnh được BS chẩn đoán bị viêm họng, em uống thuốc 3 ngày mà bệnh vẫn không giảm. Bước sang ngày thứ 4, do bé N.T.T sốt cao nên người nhà đưa em đến BV NĐ1. Sau khi làm xét nghiệm máu mới biết em bị SXH ngày thứ 4. Hiện nay em T. đã hồi phục sau một thời gian điều trị khá dài.

 

Sốt xuất huyết đang tăng

 

TS BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (BV NĐ1) cho biết: “Do đang là mùa mưa nên bệnh SXH đang tăng về số lượt khám cũng như số trường hợp nhập viện tại BV NĐ1. Riêng số trường hợp mắc SXH có sốc tăng gấp đôi, từ 33 bệnh nhân trong tháng 5 lên 67 bệnh nhân trong tháng 6/2009.”

 

Theo BS Lê Bích Liên, Trưởng khoa SXH, BV NĐ1: “Hiện nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 30 trẻ bị SXH, trong đó thường có khoảng gần 10 ca bị nặng và số trẻ mắc SXH đang điều trị tại khoa hiện đã vượt trên 100 em. tuần qua đã có một bệnh nhi mắc SXH tử vong do biến chứng. Riêng năm 2008, chỉ với những trẻ bị SXH độ III và độ IV, BV NĐ1 cũng đã chữa trị cho gần 700 trường hợp.

 

Trưởng khoa SXH BV NĐ 2, BS Đỗ Châu Việt, cũng cho biết số trẻ nhập viện tại bệnh viện do SXH bắt đầu tăng cao. Hiện khoa có 4 trường hợp mắc SXH nặng đang được chữa trị và mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 20 trẻ mắc bệnh SXH đến điều trị.

 

TS BS Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (BV BNĐ) nhận xét: “Trong những năm gần đây, SXH không chỉ bùng phát theo mùa, cao nhất là vào mùa mưa và giảm dần vào mùa khô. Hiện nay, vào thời điểm nào cũng có người nhập viện vì SXH, và nhiều trường hợp đã trở nặng dù đó là người lớn.”

 

Khó nhận biết SXH khi khởi đầu cũng như khi trở nặng

 

Đối với bệnh SXH, các bậc phụ huynh cần chú ý 2 vấn đề: Đó là làm sao có thể phát hiện sớm được bệnh SXH để có thể tập trung theo dõi và đưa trẻ đến BV. Vì SXH không có những biểu hiện đặc biệt nên khó phát hiện trong những ngày đầu. Việc chăm sóc, theo dõi sát diễn tiến lâm sàng của bệnh nhân SXH đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi bệnh sốt xuất huyết trở nặng.

 

Thứ hai, không ai có thể biết được trường hợp mắc SXH nào sẽ trở nặng để có thể đưa trẻ đến BV kịp thời. Đặc biệt, đối với những trẻ nhũ nhi khi có dấu hiệu sốt li bì, đau bụng bên hông phải, ói ra máu, da mẩn đỏ… phải đưa trẻ đến BV sớm.

 

Theo các BS, nếu trẻ sốt trên 2 ngày mà dùng thuốc không thấy giảm thì phụ huynh phải nghĩ ngay đến bệnh SXH để đưa trẻ đến BV điều trị. Đáng chú ý, có đến hơn 80% trẻ em cũng như người lớn mắc SXH có dấu hiệu trở nặng ở những ngày thứ 4, thứ 5.

 

Đặc biệt, có những trường hợp ngừng sốt sau 1 - 2 ngày sốt cao làm phụ huynh tưởng khỏi, ít chú ý nhưng đây lại là thời điểm bệnh trở nặng. Nếu trẻ ngừng sốt nhưng vẫn lừ đừ, hay quấy khóc, hay kêu đau bụng, tay chân lạnh, nôn ói, đi tiêu phân đen, chảy máu ở chân răng… thì phải đưa trẻ đến BV ngay.

 

Những nguy cơ đối với bệnh nhân SXH

 

Những người mắc SXH có thể trở nặng do nhập viện muộn vì không biết mình bị SXH, khi bước qua giai đoạn 2 từ ngày thứ 4 thì bệnh đã trở nặng. Theo BS Vũ Quang Vinh, Phòng tổng hợp BV NĐ2, những trường hợp SXH nhập viện ở những ngày thứ 4 trở đi công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Cả 3 trường hợp trẻ mắc SXH bị tử vong thời gian vừa qua đều nhập viện muộn.

 

Đối với bệnh SXH khi trẻ bị sốt kéo dài còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng như gây suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương nhiều cơ quan cùng lúc rất dễ dẫn đến bị tử vong.

 

Thậm chí, với những trường hợp nhà ở vùng sâu vùng xa, vì các nhân viên y tế tuyến dưới chưa có sự hiểu biết về kỹ thuật chuyển người bệnh lên BV tuyến trên, cũng có thể gây sốc dẫn đến sự nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.

 

Ngọc Thanh