Thừa Thiên Huế:

Nhiều bệnh viện huyện trở thành “con nợ” do bội chi quỹ, BHXH chậm thanh toán

(Dân trí) - Đó là thực tế tại nhiều bệnh viện địa phương tuyến huyện tại tỉnh Thừa Thiên Huế do bội chi quỹ nhưng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) chậm thanh toán.

Đó là thực tế tại nhiều bệnh viện địa phương tuyến huyện tại tỉnh Thừa Thiên Huế do bội chi quỹ nhưng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) chậm thanh toán.

Tỉnh Thừa Thiên Huế qua thống kê 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh bội chi Bảo hiểm Y tế (BHYT) cao với trên 387 tỷ đồng, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT lên đến trên 165%. Chính việc bội chi BHYT này đã dẫn đến khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Nhiều nơi đã nợ tiền các đơn vị cung cấp thuốc, thiết bị vật tư…

Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Phú Vang mỗi ngày BV khám khoảng 900-1.100 lượt bệnh nhân (BN) ngoại trú và khoảng 180- 200 BN điều trị nội trú. BS Trương Như Sơn, Giám đốc BVĐK Phú Vang cho biết đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã khám chữa bệnh cho BN có thẻ BHYT khoảng 53 tỷ đồng nhưng chỉ mới được BHXH huyện Phú Vang chi trả khoảng hơn 30 tỷ, nợ 20 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh.

“Chúng tôi do bị bên bảo hiểm xã hội nợ tiền kéo dài nên đã bệnh viện đã phải nợ lại các hãng dược, các đơn vị thiết bị vật tư y tế. Cho đến cuối tháng 11 này, bệnh viện còn nợ các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư khoảng 13 tỷ đồng. Nhiều “chủ nợ” gọi điện, nhắn tin liên tục để đòi nợ làm chúng tôi rất mệt mỏi, tự dưng lại thành “con nợ” bất đắc dĩ. Việc nợ này cũng ảnh hưởng đến việc trả tiền lương đúng hạn cho anh chị em trong cơ quan”.

Các bệnh nhân có BHYT chờ khám bệnh tại BVĐK Phú Vang
Các bệnh nhân có BHYT chờ khám bệnh tại BVĐK Phú Vang

Cũng do nợ tiền nên các đơn vị cung cấp thuốc men, dụng cụ y tế cho BVĐK Phú Vang thời gian gần đây cung cấp “nhỏ giọt”, thậm chí có đơn vị đòi ngừng cung cấp.

Tương tự với hoàn cảnh như BVĐK Phú Vang, ở BVĐK Phong Điền bị BHXH huyện Phong Điền nợ số tiền khoảng 8,5 tỷ đồng, BVĐK Thành phố Huế cũng bị nợ tiền khám chữa bệnh BHYT hơn 10 tỷ đồng, BVĐK Phú Lộc bị nợ 10 tỷ đồng…

Ông Lê Quang Tuấn, Giám đốc BHXH huyện Phú Vang cho hay đúng là có con số 20 tỷ đồng, nhưng nói nợ thì không hẳn là nợ nhưng do vượt trần vượt quỹ nên BVĐK Phú Vang và BHXH huyện phải giải trình. Trao đổi với PV, BS Trương Như Sơn nói, đối với các BN chuyển tuyến đi nơi khác thì hồ sợ, bệnh án theo dõi khám chữa bệnh không do BV tuyến huyện quản lý nên việc giải trình là rất khó.

Theo nhiều ý kiến các lãnh đạo BV tuyến huyện, do bội chi quỹ, BHXH chậm thanh toán vô tình đã đưa BV vào cảnh “nợ nần”. Các bác sĩ cho biết thêm, ngày 20/6/2017, BHXH Việt Nam có ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.

Ttrong đó, có nội dung yêu cầu giám đốc BHXH các tỉnh, thành tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định về tạm ứng kinh phí và thanh quyết toán chi KCB BHYT với các cơ sở KCB, cụ thể: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB, cơ quan BHXH tạm ứng kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB một lần bằng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB…Trường hợp sau 15 ngày đầu của quý, cơ sở KCB chưa gửi báo cáo quyết toán quý trước, cơ quan BHXH tạm ứng kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB một lần bằng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước quý liền kề của cơ sở KCB… Nhưng thực tế ở nhiều nơi, BHXH vẫn chưa thực hiện theo Chỉ thị nói trên.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm