Nhiễm Asen trong nước ngầm tại Hà Nội: Nguy cơ cần cảnh báo
Khảo sát hiện trạng nước ngầm trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy ở đây đều nhiễm Asen, tuy nhiên không đồng đều.
Thời gian vừa qua, câu chuyện về hàng trăm hộ dân thuộc cụm dân cư khu nhà ở N01, N02, N03, N04, N05 thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện ra nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm Asen khiến dư luận xôn xao.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy không phải đến bây giờ vấn đề nước nhiễm Asen vượt mức cho phép mới được phát hiện. Mức độ nguy hại này đã được đề cập cách đây hàng chục năm. Song, kinh tế - xã hội phát triển nhanh cùng với sự gia tăng về dân số ở thủ đô Hà Nội thì việc đáp ứng nhu cầu về nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh cho người dân chưa được đảm bảo.
Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng trên, biện pháp nào để khống chế hiệu quả được lượng Asen trong nước sinh hoạt? PV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học (khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội) về vấn đề này.
PGS.TS Trần Hồng Côn
Xin ông cho biết, Asen là chất gì? Cơ chế nào sinh ra Asen trong nước ngầm?
PGS.TS Trần Hồng Côn: Asen hay còn gọi là thạch tín. Cách đây 3000 - 4000 năm, con người đã biết đến thạch tín và được liệt vào chất cực độc. Vì thế các cụ ta mới có câu “nhất nhân ngôn (Cyanua), nhì thạch tín”, nếu ngộ độc một hai thứ đó thì vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, thạch tín lại không phải là nguyên tố hiếm mà phân bố với hàm lượng tương đối lớn trên vỏ trái đất, tồn tại dưới dạng ít tan và hầu như không tan.
Trước đó công nghệ chưa phát triển nên ta chưa phát hiện và phân tích được độ nhiễm Asen. Thêm nữa, kinh tế xã hội ngày càng phát triển cộng với sự gia tăng dân số nhanh thì việc sử dụng nguồn nước giếng khơi, nước mặt không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong khi nguồn nước mặt này ngày càng ô nhiễm, người dân phải chuyển sang khai thác nước ngầm vì nước ngầm không bị ô nhiễm vi sinh vật, hầu như là vô trùng, các chất hữu cơ không có.
Cách đây hàng chục năm, trên thế giới đã có nhiều nước dùng nước ngầm để sinh hoạt, đặc biệt là nước Bangladesh - quốc gia bị coi là nhiễm Asen nghiêm trọng nhất thế giới. Nhưng tại thời điểm đó chúng ta chưa phát hiện và phân tích được độ nhiễm Asen.
Đến khi phát hiện ra trên quốc gia này có nhiều bệnh do Asen gây ra, thì lúc đó người ta mới chú ý đến và đi tìm Asen là chất như thế nào?
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, người ta tiếp tục phát hiện ra một loạt các vùng đồng bằng như Đồng bằng sông Hồng, sông Mê Kông bắt nguồn từ nam dãy núi Hymalaya cả khối địa chất, địa mạo đó gần gần giống nhau nên có nguy cơ nhiễm Asen cao.
Đến khi chúng tôi tiến hành khảo sát tập trung vào những đồng bằng các sông lớn như đồng bằng sông Hồng, ĐB sông Mã, ĐB sông Cửu Long cho thấy ở đây đều nhiễm Asen trong nước ngầm, nhưng nhiễm không đồng đều và có hình da báo tức là chỗ nhiễm nặng, chỗ lại nhiễm ít hơn. Vì theo cơ chế: mưa xối xuống núi, phong hóa các chất, tạo thành phù sa, phù sa theo các sông chảy về bồi tích thành đồng bằng, đồng bằng tích lũy các chất như Asen 5 và kết tủa của nó cộng với lá cây phân hủy tạo thành yếm khí do đó không giải phóng được Asen trong nước ngầm.
Mặt khác ở vùng núi chứa nhiều quặng Sunfua và Asennua, nên hầu hết nước ngầm ở đồng bằng đều có nguy cơ ô nhiễm. Còn vùng núi chỉ có những vùng khai thác vàng hay khai thác quặng sunfua đa kim thì nước suối tại một số khu vực đó có nguy cơ ô nhiễm, nhưng nguy cơ này theo mùa. Ví dụ về mùa khô thì ô nhiễm nặng hơn, mùa mưa ít hơn vì nước suối đã cuốn trôi nên ô nhiễm nhẹ. Nhưng độ nhiễm Asen trong nước ngầm lại tương đối ổn định.
Mức độ nhiễm Asen trên địa bàn TP Hà Nội như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát hiện trạng nhiễm Asen trong nước ngầm ở khu vực Hà Nội liên tục từ năm 1998 đến 2000. Sau đó công bố bản đồ nhiễm Asen trên địa bàn TP vào năm 2001 trên tạp chí Khoa học công nghệ và môi trường của Mỹ. Đến nay đơn vị vẫn tiến hành nghiên cứu thường xuyên vì nước ngầm hầu như không thay đổi.
Khảo sát hiện trạng nước ngầm trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy ở đây đều nhiễm Asen. Chỉ có điều, thứ nhất là mức độ nhiễm không đồng đều mà theo hình da báo, tức chỗ nhiễm nặng, chỗ lại nhiễm ít hơn, có những mũi khoan vào nước ngầm chứa chất Asen dưới mức cho phép.
Thứ hai là ở dưới những tầng nước tuổi càng cao, càng sâu thì mức độ nhiễm Asen thấp hơn tầng trên.
Tiến hành khảo sát hiện trạng nhiễm Asen trong tám điểm giếng đang khai thác nước ngầm phục vụ các nhà máy nước của Hà Nội cho thấy hàm lượng Asen trong nước ngầm không đảm bảo an toàn mà lúc lên lúc xuống, không kiểm soát được.
Cho đến bây giờ chưa có nhà máy nước nào lắp thêm công đoạn xử lý Asen, chính vì vậy không kiểm soát được hàm lượng Asen trong nước.
Sử dụng nước bị nhiễm Asen quá mức cho phép trong một thời gian dài thì cơ thể bị phơi nhiễm Asen mãn tính. (Ảnh do PGS.TS Trần Hồng Côn cung cấp)
Vì sao nước ngầm sinh hoạt đã qua xử lý tại các nhà máy nước như Hạ Đình, Pháp Vân, Yên Phụ vẫn cho kết quả hàm lượng Asen cao hơn mức cho phép như vậy?
Chúng tôi xác định trong nước ngầm ở đồng bằng sông Hồng có lượng sắt nhiễm tương đối cao, nước rất đục, không thể ăn uống, tắm giặt được nên hầu hết các gia đình khi đào giếng khoan đều xây bể lọc cát để lọc lấy nước trong. Bằng cách xử lý truyền thống là qua bể lọc cát sắt bị oxi hóa kết tủa lại, đọng lại trong cát, Asen cũng bị thu vào đó mà giảm đi nhiều. Vì sắt là chất hấp thị tốt nhất đối với Asen, đồng thời kéo Asen đi. Nên nguy cơ Asen còn tồn trong nước giảm. Nếu như hàm lượng sắt đủ lớn thì nó sẽ làm giảm hàm lượng Asen tới 90%, còn thông thường nó có thể đạt từ 30 - 70 %.
Như vậy, có thể nói công nghệ xử lý nước cấp của chúng ta hiện nay có xử lý Asen nhưng không chủ định.
Chính vì vậy những nguồn nước ngầm nhiễm Asen nặng, nước sau khi xử lý để cấp cho sinh hoạt có thể không xử lý được Asen đạt yêu cầu ở mức độ an toàn, hoặc có lúc thấp, có lúc vượt, chưa kiểm soát được...
Vì xử lý Asen không chủ định nên ta thấy có một “nghịch lý": các bể lọc nước nếu để lâu ngày tích lũy được nhiều Hydroxit sắt thì khả năng xử lý Asen tốt hơn. Trong khi đó bể lọc cần được thường xuyên rửa để khả năng lọc nước tốt và nhanh hơn, tăng thêm khả năng lọc sắt, nhưng khả năng giữ Asen lại giảm khiến lượng Asen còn lại trong nước cấp có thể cao hơn.
Tại các nhà máy nước hiện nay vẫn giữ công nghệ lọc nước truyền thống, lọc sắt là chính, lọc Asen một cách không chủ định. Lượng Asen trong nước ngầm ở mỗi khu vực lại khác nhau, nên vẫn cùng cách xử lý đó, nếu ở nơi có hàm lượng Asen cao thì nước sau xử lý cũng cao hơn và ngược lại.
Ông có bất ngờ trước thông tin người dân tại cụm dân cư Phú Mỹ (Mỹ Đình – Hà Nội) cho biết nước nhiễm Asen vượt ngưỡng cho phép hơn 40 lần? Mức độ vượt quá ngưỡng như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân?
Con số này khiến tôi rất bất ngờ. Vì ngay trong nguồn nước bình thường (tức là nguồn nước dùng cho mục đích sinh hoạt) không phải nước ngầm có hàm lượng Asen 0,3mg/l (gấp 30 lần) trên thế giới người ta đã khuyến cáo đóng cửa giếng vì rủi ro rất lớn. Thế nhưng hàm lượng Asen lên tới hơn 40 lần, trong khi người dân đã sống ở đây mấy năm mà vẫn cứ dùng khiến tôi rất ngạc nhiên.
Theo khuyến cáo của WHO, nước bị coi là nhiễm độc Asen là nước có hàm lượng Asen từ 0,01mg/lít trở lên. Sử dụng nước bị nhiễm Asen quá mức cho phép trong một thời gian dài thì cơ thể bị phơi nhiễm Asen mãn tính.
Asen là tác nhân gây ra 19 loại bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt là bệnh ung thư da và ung thư phổi. Người uống nước nhiễm Asen lâu ngày sẽ có các đốm sừng trên thân thể hay các đầu chi, niêm mạc lưỡi hoặc sừng hóa da, gây sạm và mất sắc tố, từ đó dẫn đến hoại da hay ung thư da.
Bệnh sừng hóa thường xuất hiện ở tay, chân, lòng bàn tay, gan bàn tay. Tình trạng nhiễm asen lâu ngày còn có thể gây ung thư (gan, phổi, bàng quang, thận).
Trường hợp mãn tính cho đến bây giờ chưa có thuốc nào chữa được. Với trường hợp uống nước nhiễm Asen lâu ngày, chưa phát hiện ra ung thư thì mới có phác đồ điều trị là cách ly bệnh nhân ra khỏi nguồn nước ô nhiễm, uống vitamin để cơ thể tự đào thải độc tố ra ngoài.
Trong trường hợp ngộ độc cấp tính như bị đầu độc, uống phải một liều lượng thạch tín nhất định khi đó Asen vào cơ thể làm tan hồng cầu, dẫn đến thiếu máu, da vàng, các cơ quan trong cơ thể bị thiếu oxi, nên chỉ sau 24 – 36 tiếng sẽ tử vong.
Trước đó, người dân ở Phú Mỹ đã phát hiện phía đơn vị cấp nước đã thuê người đổ hóa chất vào trạm nước. Phía đơn vị cấp nước thừa nhận hóa chất đó là nước Javel và được phép dùng trong nước giếng khoan. Cách xử lý này có đúng không, thưa ông?
Nước Javel dùng để xử lý nước chỉ có mục đích tiệt trùng, là một bước đệm cho việc xử lý Asen chứ chưa thể xử lý được gì. Nếu cứ đổ ồ ạt vào mà không theo mức độ cho phép thì với lượng dư của chất oxi hóa đó sẽ gây ngộ độc theo một cơ chế khác.
Nếu lượng Clo trong nước nhiều quá, khi mở ra ta hín vào thì lượng oxi hóa đó theo cơ thể chạy vào vào trong phổi, gây tức thở, ho thậm chí nếu tiếp xúc lâu khiến các phế nang bị thương tổn, dẫn đến chảy nước vàng hay còn gọi là hiện tượng tràn dịch màng phổi.
Nếu chất Javel trong nước cao quá có thể gây mẩn ngứa, gây tổn thương những điểm trên da.
Theo ông, làm thế nào để khắc phục triệt để tình trạng nước ngầm bị nhiễm Asen trong điều kiện hiện nay?
Theo cách vĩ mô, để lượng Asen trong nước sinh hoạt ở mức cho phép, ở mỗi nhà máy nước cần cải tiến công nghệ lọc nước, có thêm công đoạn xử lý Mangan và Asen ngay tại nguồn cấp nước.
Còn đối với các hộ dân nếu có nước giếng khoan cần kiểm tra nước giếng trước khi dùng để ăn uống. Không ăn uống nước giếng khoan bị nhiễm Asen chưa qua xử lý.
Với biện pháp trước mắt chúng có thể yên tâm sử dụng bộ lọc Asen tại nhà đối với nước dùng cho ăn uống.
Xin cảm ơn ông./.
Theo Kim Anh
VOV Online