Đề án giảm tải của ngành Y tế:
Nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra cả nước
(Dân trí) - Với gần 40% bệnh viện vệ tinh giảm chuyển tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2016.
Chiến lược trọng tâm giải bài toán quá tải bệnh viện
Thời gian quan, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, nhưng điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ chuyên môn… của y tế tuyến cơ sở không đủ đáp ứng đã đẩy hệ thống bệnh viện tuyến cuối thuộc các chuyên khoa: ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản và nhi rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Vấn đề trên, chẳng những gây tâm lý bức xúc cho người bệnh mà còn tạo ra áp lực rất lớn về mặt chuyên môn đối với đội ngũ y bác sĩ.
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, sự đầu tư cho y tế không theo kịp nhu cầu của người bệnh khiến ngành y tế đối mặt với nhiều thách thức. Để giải quyết bài toán quá tải bệnh viện, ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 đến 2020. Với mục tiêu giảm tải ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, nâng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Một trong những trọng tâm để thực hiện đề án trên là thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh.
Chính phủ ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa đang xảy ra tình trạng quá tải nghiêm trọng kể trên. Phương án cụ thể được vạch ra, trên cơ sở lấy một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và TPHCM làm bệnh viện hạt nhân, phát triển hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân. Song song với hoạt động trên, ngành y tế có trách nhiệm triển khai các kế hoạch đào tạo cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho bệnh viện vệ tinh, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh… nhằm từng bước giảm số lượng người bệnh từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên tuyến trên.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giảm tải, ngày 13/3/2013 Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt đề án bệnh viện vệ tinh, rốt ráo chỉ đạo các bệnh viện tổ chức đánh giá thực trạng chuyên môn bệnh viện sẽ tham gia đề án, xây dựng dự án bệnh viện vệ tinh của các đơn vị trực thuộc Bộ.
Từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế đã thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh với 14 bệnh viện hạt nhân và 46 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục thực hiện Đề án 1816 tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới thông qua hoạt động chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới; ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh.
Hiệu quả khả quan sau 2 năm thực hiện
Sau 2 năm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh, ngành y tế đã xây dựng được các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các quy trình kỹ thuật phục vụ hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh.
Đến hết năm 2014, hệ thống bệnh viện hạt nhân đã tổ chức 327 lớp đào tạo cho 3.891 lượt cán bộ bệnh viện vệ tinh; chuyển giao 293 lượt kỹ thuật cho 1.745 cán bộ và chuyển giao hoàn thành 224 kỹ thuật. Một số bệnh viện đã tiến hành tổ chức các loại hình đào tạo, hội chẩn từ xa, phản hồi công tác chuyên môn giúp nâng cao năng lực bệnh viện vệ tinh.
Cả nước đã có 39/46 bệnh viện vệ tinh được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án bệnh viện vệ tinh; 36/46 bệnh viện có cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ chuyển giao kỹ thuật; 32/46 bệnh viện đã bổ sung nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, tuyển thêm được 874 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Ngoài ra, tất cả các bệnh viện vệ tinh đều cử cán bộ đi học để chuẩn bị tiếp nhận đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
Tại Hội thảo tăng cường đề án bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải bệnh viện (ngày 10/7/2015) PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên năm 2014 so với các năm trước đang có xu hướng giảm, đặc biệt giảm rõ ở những bệnh viện và chuyên khoa trong Đề án bệnh viện vệ tinh. Đã có 37,5% số bệnh viện vệ tinh giảm được tỷ lệ chuyển tuyến. Thực tế ghi nhận tại bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Nhi Trung ương đến nay đã không còn tình trạng nằm ghép.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện can thiệp tim mạch, mổ tim hở thường quy; bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch… nhờ đó, cứu chữa kịp thời nhiều ca bệnh cấp cứu, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp.
Từ những thành quả trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đến năm 2016 tất cả các tỉnh, thành phố phải thực hiện bệnh viện vệ tinh. Hiện vẫn còn 16 tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên; 7 tỉnh thành khu vực phía bắc chưa tham gia hệ thống bệnh viện vệ tinh. Bộ trưởng chỉ đạo giám đốc Sở Y tế các tỉnh phải đề xuất phương án xây dựng bệnh viện vệ tinh của địa phương, bảo đảm nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và kinh phí đối ứng cùng những đề nghị được hợp tác với bệnh viện hạt nhân.
Nhân Hà