Nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu do không tiêm vaccine

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên cho thấy, công tác phòng ngừa cần được quan tâm và tăng cường chặt chẽ hơn.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, qua kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại các địa phương xuất hiện các ca nghi nhiễm tại Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, tính đến ngày 21/9 đã ghi nhận 20 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong.

Nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu do không tiêm vaccine - 1
Tiêm chủng vaccine 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu cho trẻ (Ảnh: TCI).

Các khu vực ghi nhận ca nhiễm và nghi ngờ bạch hầu chủ yếu tập trung ở vùng sâu vùng xa và cộng đồng dân tộc thiểu số, với tỷ lệ tiêm chủng thấp trong những năm gần đây dẫn đến ca bệnh tăng. Hiệu quả miễn dịch sau tiêm vaccine bạch hầu giảm dần theo thời gian. Mũi nhắc lại cho trẻ em và người lớn vẫn chưa được thực hiện tốt, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tăng cao, mặc dù đã tiêm đủ 3 mũi trước 1 tuổi.

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, trưởng đơn vị tiêm chủng Thu Cúc TCI cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc xuất hiện ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản và mũi. Ngoài ra, bệnh này cũng có thể gây ra tổn thương ở da và các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt và bộ phận sinh dục. Đây là loại bệnh nguy hiểm với tính chất vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra.

Thời gian ủ bệnh thường từ 2-5 ngày, có thể lâu hơn, người mắc bạch hầu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó nuốt, hạch góc hàm sưng đau, khó thở hoặc thở nhanh. Bạch hầu thuộc vào nhóm B bệnh truyền nhiễm, tức những bệnh có khả năng lây lan cao trong cộng đồng và nhanh chóng tạo thành dịch.

Biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao

Bệnh bạch hầu thường gặp hai biến chứng nguy hiểm, bao gồm viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Viêm cơ tim có thể xảy ra từ giai đoạn ban đầu hoặc một thời gian sau khi bệnh nhân hồi phục. Nếu viêm cơ tim xảy ra ở giai đoạn ban đầu, tỷ lệ tử vong thường rất cao. Viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và có thể hồi phục nếu không có các biến chứng khác đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu do không tiêm vaccine - 2
Tiêm vaccine phòng bệnh và chẩn đoán sớm khi có dấu hiệu (Ảnh: TCI).

Dù là ai, khi tiếp xúc với mầm bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Sau tiêm phòng bệnh bạch hầu hoặc từng mắc bệnh, khả năng nhiễm lại vẫn tồn tại do cơ thể không tạo ra hoặc giảm khả năng miễn dịch theo thời gian.

Mặc dù hiện nay đã có thuốc điều trị bạch hầu, trong giai đoạn tiến triển vẫn gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng cho các cơ quan nói trên. Sau điều trị, tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu vẫn cao, đặc biệt là ở trẻ em dưới 15 tuổi, có thể lên tới 3%.

Tiêm vaccine là "vũ khí" phòng, chống bệnh hiệu quả

Chị H.T.An (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trước đây chưa có kế hoạch tiêm chủng hằng năm cho cả gia đình. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong vài năm trở lại đây diễn biến phức tạp nên chị lo lắng và có ý thức hơn trong việc thực hiện tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm nhắc lại.

Theo Bộ Y tế, đối với trẻ em cần tiêm cơ bản: 3 mũi bằng vaccine 5 trong 1 (theo chương trình Tiêm chủng mở rộng) hoặc vaccine 6 trong 1 (theo tiêm chủng dịch vụ), bắt đầu từ lúc 2 tháng tuổi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi vào năm thứ 2 khi trẻ 16-23 tháng; 1 mũi trước khi đi học tiểu học (khi 5-6 tuổi) và cứ 10 năm nhắc lại 1 mũi.

Nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu do không tiêm vaccine - 3
Trẻ 4-6 tuổi cần tiêm nhắc lại vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt (Ảnh: TCI).

Với người lớn chưa tiêm vaccine phòng bạch hầu bao giờ sẽ tiêm theo phác đồ: tiêm 2 mũi cơ bản, cách nhau ít nhất 4 tuần. Sau đó, tiêm 1 mũi nhắc lại sau mũi cơ bản số 2 ít nhất 6 tháng và cứ 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần.

Bác sĩ Hạnh khuyến cáo, việc tiêm mũi nhắc lại bốn loại vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt cho trẻ 4-6 tuổi rất quan trọng. Ngoài các loại vaccine trên, trẻ cũng cần tiêm lại vaccine sởi quai bị, rubella, viêm não Nhật Bản và viêm gan B cho trẻ trên 4 tuổi. Riêng về vaccine cúm, nên tiêm lại hàng năm.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh bạch hầu bao gồm: vệ sinh tay và sát khuẩn đúng cách, che miệng khi hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, đảm bảo ăn uống và vệ sinh an toàn, và uống kháng sinh dự phòng nếu ở trong ổ dịch, cùng với việc tiêm vaccine theo hướng dẫn y tế.

Sức khỏe chủ động là chuyên mục do Báo điện tử Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.