Người Việt tử vong vì ung thư thuộc top cao trên thế giới

(Dân trí) - Trong bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới Việt Nam ở mức cao thứ 3, với khoảng 135,2-178,3 ca mắc/100.000 dân. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này đứng đầu tương đương 1 số nước khác, khoảng 142,5 ca/100.000 người dân.

Top bệnh ung thư phổ biến nhất Việt Nam

Tại Hội thảo Tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả diễn ra ngày 12/4 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), Viện trưởng Viện Phòng chống ung thư cho biết thông tin trên. Trong đó, tỉ lệ tử vong do ung thư ở nam giới người Việt cao hơn nữ giới.

Người Việt tử vong vì ung thư thuộc top cao trên thế giới - 1

Lý giải điều này, TS Thuấn cho rằng nam giới Việt Nam thường mắc các bệnh ung thư khó chữa như: ung thư phổi, gan… Đặc biệt là nam giới sợ khám bệnh, không thường xuyên đi khám bệnh như nữ giới, vì thế phát hiện ung thư cũng muộn hơn, hiệu quả điều trị giảm đi nhiều. Theo thống kê tại BV K Trung ương, khoảng 70% nam giới bị ung thư được chẩn đoán khi ở giai đoạn muộn. Hơn nữa, các ung thư ở nữ giới, ở những vị trí cũng thường dễ phát hiện hơn nam giới.

Cũng theo TS Thuấn, các bệnh ung thư của nam giới đều có xu hướng tăng lên. Ví dụ ung thư phổi năm 2000 là 29,3/100.000 sau 10 năm tăng lên tới 35,1/100.000 dân. Tương tự các bệnh ung thư đại trực tràng, năm 2000 tỉ lệ mắc 11,4/100.000 đến 2020 tăng vọt lên 19/100.000. Các loại ung thư tuyến tiền liệt, thực quản… đều có xu hướng tăng nhanh ở nam giới.

Tương tự, các bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới cũng có xu hướng tăng lên. Riêng ung thư cổ tử cung có xu hướng giảm xuống, từ 17,3 ca mắc/100.000 năm 2000 giảm xuống còn 13,6 ca mắc/100.000 dân. “Điều này cho thấy việc truyền thông để người dân vệ sinh, chăm sóc sức khỏe tình dục, vệ sinh sinh dục để hạn chế nguy cơ nhiễm HPV đã giảm rất nhiều số ca mắc ung thư cổ tử cung”, TS Thuấn nói

Theo ghi nhận ung thư năm 2010, top 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới Việt Nam là: phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tuyến tiền liệt, bàng quang. Trong năm 2000, tổng số ca mắc ung thư nam giới trong cả nước là hơn 36 nghìn ca đã tăng lên gần 72 nghìn ca năm 2010. Dự báo đến năm 2020 con số này là xấp xỉ 106 nghìn ca ung thư nam giới.

10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới Việt Nam gồm: ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng, hạch, máu.

Số ca mắc ung thư ở nữ giới cũng ít hơn ở nam giới, với khoảng 32,7 nghìn ca năm 200, tăng lên trên 54 nghìn ca năm 2010 và dự báo đến 2020 sẽ có khoảng 83 nghìn ca ung thư ở nữ giới.

Hơn 70% bệnh nhân ung thư đến viện ở giai đoạn muộn

TS Thuấn phân tích, trong nghiên cứu của Viện K Trung ương do GS.TS Bùi Diệu và cộng sự tiến hành năm 2010, thì có đến 71,4% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã ở giai đoạn 3 trở lên. Đây là lý do lý giải vì sao số ca tử vong do ung thư của Việt Nam cao hơn các nước. Bởi ung thư khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn, tốn kém và giảm hẳn hiệu quả.

Theo đó, trong năm 2009, trong tổng số hơn hơn 19 nghìn ca ung thư tới khám tại BV K Trung ương, chỉ có 28,6% ca bệnh ở giai đoạn sớm, giai đoạn 1, 2. Còn lại 71.4% người bệnh đã ở giai đoạn 3 trở đi.

Trong đó, bệnh ung thư vú là có tỉ lệ phát hiện sớm nhiều nhất, với 50% ca bệnh ở giai đoạn sớm. Các bệnh còn lại, như ung thư đại trực tràng khoảng 32% phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung phát hiện sớm khoảng 46% ca bệnh… Riêng với ung thư gan, phế quản phổi, dạ dày là những bệnh có tỉ lệ phát hiện sớm rất ít, ương ứng là 12,2%, 13,1% và 15,7%.

Trong khi đó, theo TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc trung tâm y học hạt nhân ung bướu (BV Bạch Mai) cho biết, ung thư được phát hiện càng sớm điều trị càng hiệu quả, chi phí càng thấp.

Theo TS Phương, hiện ung thư là một trong những hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, cũng như tại châu Á và Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm có 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong do ung thư. Trong đó 70% ca tử vong xẩy ra ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, mỗi năm có 125 nghìn ca mới mắc và 95 nghìn ca tử vong.

“Ung thư thực sự đang trở thành “thảm họa sức khỏe thầm lặng”, vì thế, việc phát hiện sớm sẽ giảm bớt số ca tử vong, giảm chi phí”, TS Phương nói.

Thống kê tại Việt Nam năm 2012 cho thấy tổng gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư là 25.789 tỷ, chiếm 0,22% GDP năm này. Cụ thể, ung thư vú “ngốn” hết hơn 9000 tỷ, ung thư đại trực tràng tiêu tốn 8573 tỷ, ung thư dạ dày là 5667 tỷ. Tiếp đến là các loại ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ưng thư khoang miệng… với tổng chi phí cho 6 căn bệnh này lên đến 25.789 tỷ đồng.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm