Người Việt tự đưa "mầm mống" của ung thư gan vào cơ thể như thế nào?

(Dân trí) - Sự gia tăng về tình trạng viêm gan do nhiễm độc chính là tấm gương phản chiếu rõ nét của những lối sống phản khoa học mà người Việt đang mắc phải.

“Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại gần như bây giờ”

 “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại gần như bây giờ”, đó là nhận định của bác sĩ Mai Đình Cửu, Phó Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, xuất phát từ sự gia tăng đáng báo động của các trường hợp viêm gan do nhiễm độc, mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận trong thời gian qua.

Người Việt tự đưa mầm mống của ung thư gan vào cơ thể như thế nào? - 1

Một bệnh nhân bị viêm gan tiến triển thành ung thư gan đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Theo phân tích của BS Cửu, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm gan ở người, điển hình là viêm gan do virus (A, B, C và E) và viêm gan do nhiễm độc. Trước đây, số lượng các ca viêm gan do nhiễm độc thấp hơn nhiều so với viêm gan virus. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỉ lệ viêm gan nhiễm độc lại tăng vọt.

Sự gia tăng về tình trạng viêm gan do nhiễm độc chính là tấm gương phản chiếu rõ nét của những lối sống phản khoa học mà người Việt đang mắc phải.

 “Tất cả các độc chất vào cơ thể phải được khử độc, và chỉ có một con đường duy nhất là chuyển hóa ở gan. Vì vậy, có thể nói gan là cơ quan gánh hết tất cả các độc chất của cơ thể” – BS Cửu cho biết.

Người Việt tự đưa mầm mống của ung thư gan vào cơ thể như thế nào? - 2

Thực tế, đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương cho gan.

Trong khi đó, nhiều người trong số chúng ta vẫn đang hàng ngày chủ động hấp thu chất độc vào cơ thể, thông qua chính con đường ăn uống, điển hình nhất là việc lạm dụng rượu bia.

Khi uống rượu bia, chất cồn được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Chỉ 10% lượng cồn đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu; còn 90% còn lại đi thẳng qua gan. Với chức năng thải độc cơ thể, gan là cơ quan chịu nhiều tổn thương nhất do tác hại của rượu bia. Thực tế, đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương cho gan.

“Bên cạnh đồ uống có cồn, dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu trong thực phẩm, các sản phẩm thẩm thấu qua da như mỹ phẩm làm đẹp của chị em phụ nữ, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất bảo quản, thuốc đông, tây y không đảm bảo chất lượng… cũng là những con đường đưa chất độc vào gan phổ biến và dẫn đến tình trạng viêm gan” – BS Cửu phân tích.

Viêm gan: Bước khởi đầu của ung thư gan

Viêm gan không quá đáng sợ nếu chúng ta phát hiện và điều trị đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, vì các triệu chứng trong giai đoạn đầu của viêm gan không rõ ràng nên ít bệnh nhân được phát hiện sớm. Thậm chí, có trường hợp phát hiện nhưng lại chủ quan không điều trị hoặc không tuân thủ nghiêm ngặt việc điều trị dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Người Việt tự đưa mầm mống của ung thư gan vào cơ thể như thế nào? - 3

Về vấn đề này, BS Cửu phân tích: “Tình trạng viêm gan kéo dài khiến tế bào gan bị hư hại, từ đó dẫn đến sự hình thành của các mô sẹo gây xơ hóa gan. Càng có nhiều mô sẹo hình thành, các chức năng gan càng bị suy giảm”.

Trong trường hợp chúng ta không có biện pháp xử lý kịp thời và để tình trạng xơ hóa tiếp diễn trầm trọng hơn có thể tiến triển đến xơ gan, lúc này lá gan sẽ trở nên rất cứng. Đồng thời, lưu lượng máu qua gan sẽ giảm đáng kể, gan cũng gần như mất đi khả năng thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Người Việt tự đưa mầm mống của ung thư gan vào cơ thể như thế nào? - 4

Chứng xơ gan hoàn toàn có thể dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng hơn như suy gan và đặc biệt là ung thư gan. Trong thực tế lâm sàng người ta nhận thấy 70-80% ung thư gan phát triển trên nền xơ gan.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư gan tăng rất nhanh trong vòng 20 năm qua. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư gan tại nước ta chỉ có 5.700 ca, sau đó tăng lên 9.400 ca năm 2010. Đến năm 2018, số ca mắc mới đã tăng lên trên 25.000 ca, xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó riêng nam giới chiếm hơn 19.500 ca.

Ở thời điểm hiện tại, các biện pháp điều trị xơ gan chỉ dừng lại ở việc làm chậm sự tiến triển của bệnh, chứ chưa thể chữa dứt điểm. Phương pháp tốt nhất vẫn là thay đổi lối sống, mà cụ thể chính là tránh tuyệt đối các yếu tố rủi ro của bệnh như đã đề cập ở trên.

Minh Nhật

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm