Người Việt Nam chi 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá mỗi năm
Cả nước có hơn 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, con số này cao gấp 4 lần so với số người tử vong vì tai nạn giao thông và nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại.
Đây là con số được các chuyên gia Y tế đưa ra trong hội thảo “Hơi thở của cuộc sống – Vì một thế giới không khói thuốc” tại Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt (Hà Nội) nhằm hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25-5 đến 31-5).
Chia sẻ trong chương trình, BS CKII Tạ Chi Phương, Trưởng khoa hóa chất bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, Việt Nam đứng trong top 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với trên 16 triệu người hút thuốc. Theo thống kê của Bộ Y Tế, mỗi năm người Việt chi khoảng 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá và thêm 23.000 tỷ mỗi năm để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá (con số này chỉ tính chi phí của 5/25 bệnh liên quan).
“Trong thuốc lá có đến hơn 7.000 loại hóa chất và có hàng trăm loại chất có hại cho sức khỏe gồm chất gây nghiện và chất gây độc; hơn 70 chất có khả năng gây ung thư. Các chất này có thể tác động đến các tế bào về mặt của đường hô hấp, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào gây nên tình trạng viêm mạn tính, dị sản, loạn sản rồi ác tính hóa tế bào chuyển thành ung thư”, Bs Phương nói.
BS CKII Tạ Chi Phương cũng cho biết: việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là nguyên nhân gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua. Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam lẫn nữ. Hơn 75% các ca tử vong ở nước ta hàng năm là do các bệnh không lây nhiễm trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính.
Trong khi đó, TS. BS Hoàng Đình Chân, Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ cao cấp - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (ảnh trên), cũng cho rằng hút thuốc lá nói chung đều mang đến những hệ lụy nguy hiểm như nhau đối với sức khỏe, ngay cả đó là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử. Đặc biệt, việc hút thuốc lá không chỉ có hại cho chính mình mà còn gây hại cho những người thân xung quanh hít phải khói thuốc. “Khói thuốc ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m, cho nên, ngay cả việc ở rất xa với người hút thuốc thì người hút thuốc lá thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những đối tượng đang hút thuốc. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì một người chết vì hít khói thuốc thụ động” - TS. BS Hoàng Đình Chân, Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ cao cấp khẳng định.
Nhiều người đang “lệ thuộc” vào thuốc lá
Nhiều người tham dự buổi hội thảo cho biết, thực tế bản thân họ ý thức được “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, “bỏ thuốc có lợi cho sức khỏe” nhưng vẫn không thể vượt qua được “cám dỗ” của việc hút thuốc. Nhiều người cho hay họ đã nghiện thuốc hàng chục năm và đã tiến hành “cai thuốc” nhiều lần nhưng không thành công.
Lý giải về điều này, các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân là do người hút thuốc đã trở nên “lệ thuộc” hay “nghiện”. Chất nicotine tác động lên quá trình hoạt động của hệ thống thần kinh làm người hút thuốc lá có cảm giác hưng phấn, giảm lo lắng, tăng khả năng tập trung…
Ông Trần Văn Nhân (Kim Động, Hưng Yên - ảnh trên) cho hay, bản thân ông chính là nhân chứng sống do tác hại của thuốc lá gây ra. Ông Nhân hút thuốc từ năm 1971 và đến năm 2005 phát hiện mình bị ung thư phổi: “Tôi đã phải trả một cái giá quá đắt và nếu được quay lại thời gian chắc chắn tôi sẽ không bao giờ hút thuốc”, ông Nhân nói. Hiện tại, sức khỏe của ông Nhân đã tương đối ổn định sau khi được bác sĩ Hoàng Đình Chân, nguyên trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực bệnh viện K khi đó điều trị phẫu thuật cắt bỏ khối u vào tháng 4 năm 2006.
Các chuyên gia Y tế cho rằng, trường hợp của ông Nhân chính là một trong những minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư. Hiện nay với khoa học kỹ thuật hiện đại, ung thư phổi cũng như những bệnh ung thư khác, nếu phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp, người bệnh sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống và thậm chí là cơ hội chữa khỏi bệnh. Vì thế, các chuyên gia tin tưởng rằng, tầm soát ung thư chuyên sâu là một trong những cách ngắn nhất và chính xác nhất để phòng tránh nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, để chăm sóc sức khỏe chủ động, phát hiện sớm các nguy cơ bệnh tật do môi trường ô nhiễm, thực phẩm kém an toàn, chúng ta nên định kỳ thăm khám tổng quát, làm các xét nghiệm chuyên sâu.
Khách mời của hội thảo, NSƯT Xuân Bắc cũng chia sẻ câu chuyện có thật của gia đình mình. Anh cho hay, bố anh cũng là người nghiện thuốc lá hơn 20 năm nhưng vẫn quyết tâm bỏ để có cuộc sống khỏe mạnh. Bản thân Xuân Bắc là nghệ sỹ, anh cũng có đôi lúc làm việc căng thẳng, stress, đôi khi cần tìm sự sáng tạo nhưng chưa bao giờ anh có ý định tìm đến thuốc lá hay rượu bia để tạo sự hưng phấn: “Tôi hiểu, đảm bảo sức khỏe đúng cách và văn minh đó chính là không hút thuốc lá. Và tôi nghĩ, những người hiện nay vẫn còn hút thuốc lá là do hoặc họ có nhận thức xã hội kém, đua đòi, hoặc bản lĩnh kém. Chúng ta nên có 365 ngày trong năm đều là ngày không hút thuốc” - NSƯT Xuân Bắc thẳng thắn bày tỏ.
Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25-5 đến 31-5) Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt ưu đãi gói khám tầm soát Ung thư phổi nhằm phát hiện sớm các nguy cơ ung thư do khói thuốc lá mang lại cho sức khỏe con người và nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc khám sức khỏe định kỳ và khám tầm soát chuyên sâu.