Người phụ nữ mắc 3 loại ung thư

Nam Phương

(Dân trí) - Bệnh nhân nữ 60 tuổi (Thái Bình) mắc 3 loại ung thư là cổ tử cung, tuyến giáp và ung thư vú. Điều đáng nói là bệnh nhân phát hiện bệnh đều ở giai đoạn sớm.

Theo Globocan năm 2020, số bệnh nhân mắc và tử vong do ung thư trên thế giới ngày càng tăng. Tương tự, tại Việt Nam tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cũng tăng với số ca mới mắc là 182 563, số ca tử vong là 122.690.

Trong đó, ở nữ giới ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất với tỷ lệ 25,8% tổng số ca ung thư ở nữ giới. Ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 trong tổng số ca mới mắc ở cả hai giới, chiếm 3% tỷ lệ mắc mới. Ung thư cổ tử cung đứng 12 với tỷ lệ mới mắc 2,3% mặc dù chỉ mắc ở nữ giới.

Thống kê về việc đồng mắc cùng lúc cả 3 loại ung thư trên còn hạn chế và cũng chưa nhiều giả thuyết chỉ rõ mối liên hệ về việc tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác sau khi phát hiện một trong các loại ung thư kể trên. Một số nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng mối liên hệ tích cực giữa ung thư tuyến giáp và ung thư vú.

Cụ thể, tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp ở những bệnh nhân có tiền sử ung thư vú và sự gia tăng nguy cơ ung thư vú ở những bệnh nhân có tiền sử ung thư tuyến giáp.

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cũng điều trị cho một trường hợp mắc 3 loại ung thư cổ tử cung, tuyến giáp và ung thư vú. Điều đáng nói là bệnh nhân phát hiện bệnh đều ở giai đoạn sớm nhờ vào khả năng hiểu biết về các yếu tố nguy cơ và thực hiện tầm soát, theo dõi định kỳ bệnh tốt, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu cho biết.

Người phụ nữ mắc 3 loại ung thư - 1

Ung thu vú, cổ tử cung, tuyến giáp đều là những bệnh ung thư phổ biến ở chị em (Ảnh minh họa: Health).

Bệnh nhân là bà Bùi Thị T. (60 tuổi, ở Thái Bình), có tiền sử bị tăng huyết áp đã điều trị 6 năm. Tháng 10/2018, bà được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung, đã phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung và nạo vét chậu hai bên, xạ trị hậu phẫu 25 buổi (50Gy). Sau đó, bà thăm khám định kỳ theo lịch hẹn.

Tháng 10/2020, bà đi khám định kỳ theo hẹn, được chỉ định siêu âm hạch vùng cổ và siêu âm tuyến giáp. Kết quả siêu âm phát hiện nhân thùy phải tuyến giáp kích thước 0,5x0,5cm có tổn thương vôi hóa. Xét nghiệm tế bào học u tuyến giáp cho kết quả ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú. Bệnh nhân được đánh giá giai đoạn và phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo vét hạch cổ.

Chẩn đoán sau mổ là ung thư tuyến giáp thể nhú đã phẫu thuật pT1N0M0 trên nền ung thư cổ tử cung đã điều trị ổn định.

Sau đó bệnh nhân được điều trị Levothyrox 100mg/ngày duy trì, tổn thương nhỏ, khu trú trong tuyến giáp, chưa phá vỡ vỏ, chưa di căn hạch cổ. Siêu âm và xạ hình tuyến giáp sau phẫu thuật cho thấy không còn tổ chức tuyến giáp. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi định kỳ hai bệnh ung thư tuyến giáp và ung thư cổ tử cung.

Đến tháng 7/2022, bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và phát hiện nhân vú phải, khối giảm âm bờ không đều kích thước 1x0,7cm, phân loại BIRADS 5.

Người phụ nữ mắc 3 loại ung thư - 2

Bệnh nhân được chỉ định sinh thiết cho kết quả ung thư biểu mô tại chỗ và được chỉ định nhập viện với chẩn đoán ung thư vú phải T1N0M0 (giai đoạn tại chỗ), được chỉ định điều trị phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú cải biên (Patey). Sau đó bệnh nhân được chỉ định điều trị nội tiết.

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, Nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ca lâm sàng trên cho thấy có hai yếu tố quan trọng trong việc đẩy lùi bệnh ung thư là khả năng tầm soát phát hiện sớm và nhận thức dự phòng bệnh ung thư ở chính người bệnh.

Nhìn chung, ung thư vú, ung thư tuyến giáp và ung thư cổ tử cung là ba loại ung thư có tiên lượng khá tốt nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời. Các khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng phụ nữ cần xác định rõ các yếu tố nguy cơ và thực hiện tầm soát định kỳ.

Cụ thể, theo PGS Phương, đối với ung thư vú, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tự khám vú thường xuyên và khám định kỳ tầm soát ung thư. Phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh bằng siêu âm tuyến vú hoặc chụp X quang vú 1 năm/ lần.

Các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền sử có kinh sớm (trước 12 tuổi) mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormon nội tiết estrogen thay thế, không sinh con hoặc sinh con muộn sau 30 tuổi…

Ung thư cổ tử cung có thể sàng lọc bằng cách tiến hành khám cổ tử cung bằng mỏ vịt, soi cổ tử cung, xét nghiệm tế bào học âm đạo 1-2 lần/mỗi năm ở đối tượng phụ nữ trên 30 tuổi đã có gia đình.

Xác định rõ các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp và tự thăm khám vùng cổ thường xuyên để phát các khối u bất thường làm tăng khả năng chẩn đoán và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.