Người phụ nữ bị ung thư phổi sau khi trị ung thư vú, được mổ bằng robot

Hoàng Lê

(Dân trí) - 25 năm sau ngày đoạn nhũ điều trị ung thư vú, người phụ nữ lại phát hiện mắc căn bệnh ung thư thứ 2, có tỷ lệ tử vong rất cao.

Đó là trường hợp của bà L.M.T. (68 tuổi, quê tỉnh Gia Lai) nhập viện do đau thắt vùng ngực không rõ lý do gần 2 tháng. Bệnh nhân cho biết, cơn đau khiến bà nhiều lần không chịu nổi, không làm được gì.

Khai thác bệnh sử, bà T. đoạn nhũ điều trị ung thư vú từ 25 năm trước và có tăng huyết áp vô căn. Khi thấy đau bất thường, bà T. nghĩ mình bị đau tim nên đi khám ở một số nơi nhưng không phát hiện vấn đề sức khỏe nào có liên quan.

Mãi đến khi đến TPHCM khám, qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ một bệnh viện nghi ngờ bà có khối u ở phổi. Sau khi tìm hiểu, bà T. quyết định đến Bệnh viện Bình Dân điều trị. Tại đây, hình ảnh CT vùng ngực phát hiện u thùy trên phổi trái, kích thước 40x20cm.

Người phụ nữ bị ung thư phổi sau khi trị ung thư vú, được mổ bằng robot - 1

Ảnh CT phát hiện khối u ở phổi của bệnh nhân (Ảnh: BV).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Việt Thành, Phó trường khoa Lồng ngực - Bướu cổ, Phó chủ nhiệm bộ môn Ngoại, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết, ung thư phổi có tiên lượng xấu, diễn tiến nhanh chóng và có tỷ lệ tử vong cao.

Với trường hợp của bà T., các bác sĩ nghĩ đến hai khả năng: Khối u có thể là ung thư thứ phát, di căn sau điều trị ung thư vú, hoặc một bệnh lý phổi mới hình thành.

Có 3 phương pháp điều trị được đặt ra cho bệnh nhân, bao gồm mổ mở, nội soi kinh điển và phẫu thuật robot. Cuối cùng, bà T. quyết định thực hiện phẫu thuật robot. Đây là phương pháp mổ hiện đại nhất, ít xâm lấn, giữ lại được tối đa chức năng còn lại của phổi. Người bệnh cũng ít đau và mau hồi phục.

"Để tối ưu việc điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi thực hiện phẫu thuật robot cắt thùy trên phổi trái có u, đồng thời thực hiện sinh thiết ngay lúc phẫu thuật để sớm xác định bản chất của u. Kết quả sinh thiết lạnh trong lúc mổ cho thấy, nhiều khả năng là ung thư phổi nguyên phát". 

Với lợi thế của các cánh tay robot nhỏ, linh hoạt và camera phóng đại lớn, bác sĩ đã nạo bỏ trọn vẹn các hạch mà không làm tổn thương mạch máu. Lượng máu mất qua phẫu thuật của bệnh nhân chỉ khoảng 50 ml.

Hậu phẫu, bệnh nhân ăn uống và tự thực hiện được các sinh hoạt cơ bản ở ngày thứ 4, xuất viện vào hậu phẫu ngày thứ 6. Các triệu chứng đau tức, đau thắt vùng ngực trước đó cũng không còn.

Người phụ nữ bị ung thư phổi sau khi trị ung thư vú, được mổ bằng robot - 2

Bệnh nhân được tái khám sau phẫu thuật, với sức khỏe ổn định (Ảnh: BV).

Theo bác sĩ Thành, sau mổ, người bệnh sẽ được hướng dẫn vật lý trị liệu để tập thở và vận động, tránh viêm phổi cùng nguy cơ bội nhiễm. Tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh khẳng định bản chất của tế bào ung thư, người bệnh sẽ được lên kế hoạch điều trị ung thư bổ túc, như hóa trị, xạ trị.

Theo số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới, cướp đi khoảng 1,8 triệu sinh mạng mỗi năm.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 (báo cáo vào năm 2020), với hơn 26.200 ca mắc mới và gần 23.800 ca tử vong mỗi năm.