1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đàn ông nhảy cầu tử vong ở Đà Nẵng và những "cái chết báo trước"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia, người đàn ông ở Đà Nẵng dù được thuyết phục trở về nhà nhưng sau đó vẫn nhảy cầu tự tử là "cái chết báo trước" và có thể ngăn chặn bi kịch đau lòng xảy ra.

Ngày 8/3, dư luận không khỏi xót xa trước thông tin một người đàn ông tên Th. (42 tuổi) tử vong sau khi nhảy cầu Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) xuống sông. Điều đáng nói trước đó một ngày, anh Th. đã trèo ra lan can cầu với ý định tự tử. Sau khi được lực lượng chức năng thuyết phục suốt 15 giờ, người đàn ông mới chịu về nhà nhưng bất ngờ quay trở lại thực hiện hành động dại dột.

Cái chết báo trước?

Ngoài sự việc trên, thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều trường hợp tự tử khó hiểu. Như trường hợp của một sinh viên năm nhất vừa từ quê nhà Bình Định vào TPHCM nhập học, đã chọn kết thúc cuộc đời bằng cách nhảy sông Sài Gòn mà không để lại lời nhắn nhủ gì với người thân. Sinh viên này trước đó được gia đình nhận xét là ngoan ngoãn, chăm học, không có biểu hiện bất thường.

Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TPHCM) cho biết, bản thân ông xót xa trước trường hợp tự tử ở Đà Nẵng. Bởi ngay khi đọc thông tin người này chịu về nhà, bác sĩ đã dự đoán khả năng cao anh ta sẽ tái thực hiện hành vi tự tử trong vài ngày sắp tới.

Theo bác sĩ Khuyên, đó thực sự là một "cái chết báo trước", là hậu quả của một chuỗi những căng thẳng, stress kéo dài trong cuộc sống hàng ngày, có thể do nhiều vấn đề trong công việc, gia đình, quan hệ vợ chồng, kinh tế, tiền bạc… khiến bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Bệnh nhân đã có những chuyển biến nội tâm âm ỉ từ lâu nhưng gia đình không để ý và không biết.

Người đàn ông nhảy cầu tử vong ở Đà Nẵng và những cái chết báo trước - 1

Lực lượng chức năng ra sức thuyết phục người đàn ông ở Đà Nẵng trèo từ lan can cầu vào trong hôm 7/3 (Ảnh C.Đ).

Trầm cảm chia làm nhiều mức độ. Ở giai đoạn một, bệnh nhân chỉ cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Sau đó bắt đầu có suy nghĩ bất lực trước cuộc sống hiện tại và dần dần "muốn chết đi". Nếu không điều trị, can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ tiếp tục lên kế hoạch "chết bằng cách nào", và cuối cùng là thực hiện hành vi đó. Có trường hợp may mắn được gia đình cứu kịp thời, ngược lại sẽ dẫn đến một kết cục rất xấu là bệnh nhân mất mạng.

Với bệnh nhân trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần sẽ xuất hiện những ảo thanh trong đầu, liên tục nghe tiếng nói, chê bai bản thân vô dụng, không giúp đỡ được ai, không đáng sống, nên chết đi… Bệnh nhân khi không còn nhận thức nữa sẽ thực hiện theo hành vi mà ảo thanh xúi giục.

"Khi đã có ý định và hành vi ra cầu tự sát là một trong những chỉ định nhập viện. Bởi bệnh nhân đã ở trong trạng thái rối loạn tư duy, biện pháp tâm lý, can ngăn hay thuyết phục trở về nhà sẽ không còn hiệu quả.

Bệnh nhân cần được đưa vào viện chăm sóc đặc biệt, để nhân viên y tế túc trực ở bên và được chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu và thậm chí là thuốc loạn thần để điều trị. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể cố định tại giường để quản lý hành vi bệnh nhân" - bác sĩ Khuyên nói.

Vì sao nạn nhân không tự tử ngay?

Phân tích chi tiết hơn, chuyên gia tâm thần cho rằng dù đồng ý về nhà nhưng trong đầu bệnh nhân, ý nghĩ tự sát luôn tồn đọng. Nếu không thực hiện hôm nay, có thể tái thực hiện hành vi đó. Đã từng có những trường hợp tự tử, được cứu thành công nhưng sau đó vẫn tiếp tục tìm đến cái chết.

Do đó, bệnh nhân phải được điều trị tích cực, theo dõi sát một thời gian dài, đến khi ổn định được hành vi mới nghĩ đến việc cho xuất viện.

Bác sĩ Khuyên cho biết thêm, nhiều trường hợp dù bị ảo thanh thôi thúc trong đầu nhưng vẫn còn giữ được lý trí, còn lưỡng lự giữa việc nên làm hay không, đúng hay sai… Đôi lúc bệnh nhân hoảng sợ, hoặc tỉnh táo hơn thì đến tìm bác sĩ chuyên khoa tâm thần cầu cứu, xin lời khuyên để thoát khỏi tình trạng đang gặp phải.

Người đàn ông nhảy cầu tử vong ở Đà Nẵng và những cái chết báo trước - 2

Bác sĩ khuyến cáo người dân hãy xây dựng lối sống khoa học, tăng cường thể dục thể thao (Ảnh: Hoàng Lê).

Nhưng với những trường hợp quá nặng, bệnh nhân sẽ co mình lại, nhốt mình trong phòng và thực hiện luôn hành vi khi đã quá sức chịu đựng.

"Có thể ngày đầu tiên, bệnh nhân ở trên cầu còn lưỡng lự, suy nghĩ lăn tăn. Nhưng khi về nhà, ý định tự sát lại trỗi dậy, lớn hơn và dẫn đến kết cục là hành vi tự sát thành công" - chuyên gia lý giải vì sao nạn nhân không tự tử ngay lập tức.

Sau những sự việc xảy ra, bác sĩ khuyến cáo người dân hãy xây dựng cho mình một lối sống khoa học, khi về nhà cần buông bỏ hết mọi công việc căng thẳng và vui vẻ với những người thân trong gia đình. Cuối tuần hãy cố gắng thư giãn, ra ngoài đi dã ngoại. Mỗi ngày bỏ ra 30-45 phút tập luyện thể dục thể thao để kích thích cơ thể tiết ra những chất như serotonin, dopamine giúp cơ thể hưng phấn, vui vẻ hơn.

Ngoài ra, phải quan tâm đến những người thân bên cạnh, thường xuyên trò chuyện, xem họ có dấu hiệu bất thường gì về tâm lý hay không.

"Tổ chức y tế thế giới (WHO) định nghĩa một người có sức khỏe tốt bao gồm việc thoải mái về mặt thể chất, thoải mái tinh thần và thoải mái về các mối quan hệ xã hội. Thiếu một trong ba yếu tố này nghĩa là có vấn đề sức khỏe, khi đó hãy liên hệ ngay nhân viên y tế để được kiểm tra, can thiệp" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm