1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người bệnh vẩy nến khốn khổ với “nốt hoa râm”, bong tróc toàn thân

(Dân trí) - Khi bị vẩy nến, nhiều người bệnh rất mặc cảm bởi tổn thương trên da khiến người ngoài tưởng mắc AIDS, giang mai. Thậm chí có người bị vợ (chồng) bỏ vì mắc căn bệnh này. Sự mặc cảm, tự ti, lo lắng về bệnh tật càng khiến tình trạng bệnh của họ nặng lên.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại buổi mítting hưởng ứng Ngày Vảy nến Thế giới (29/10) tổ chức tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
 
Bàn tay bác Ngọc giờ không thể cầm nắm, làm việc nặng vì bị viêm khớp thể vẩy nến. Ảnh: H.Hải
Bàn tay bác Ngọc giờ không thể cầm nắm, làm việc nặng vì bị viêm khớp thể vẩy nến. Ảnh: H.Hải 

Bỗng dưng… nổi đỏ toàn thân sau sang chấn

TS Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Viện Da liễu Trung ương cho biết, đến nay trên toàn thế giới, căn nguyên của vẩy nến chưa xác định rõ ràng, nhưng có những yếu tố tham gia vào căn nguyên như cơ địa bệnh nhân, rối loạn miễn dịch. Ngoài ra có những điều kiện thuận lợi bệnh sẽ dễ bùng phát. Ví như stress tinh thần, chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp sức khỏe…

“Nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, gia truyền quảng cáo chữa khỏi vẩy nến hoàn toàn là không chính xác Hiện có nhiều phương pháp điều trị vảy nến nhưng hiện vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn. “Khỏi” ở đây thực ra là bệnh giảm thiểu trong một thời gian rồi lại bị, còn không thể khỏi hẳn được. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa thì bệnh có thể ít tái phát hoặc tái phát ở mức độ nhẹ để bệnh nhân có thể chung sống với bệnh một cách tốt nhất” – Ông Trường cho biết.

“Khi bị stress tinh thần dễ gây bùng phát bệnh vẩy nến. Tôi đã từng gặp, điều trị cho những bệnh nhân bị vẩy nến sau khi bị sang chấn tinh thần về mất mát gia đình, công việc. Có người được thăng tiến, vừa vui vẻ ăn nhậu chia vui với gia đình, bạn bè thì hôm sau toàn thân đã nổi nốt đỏ”, TS Tiến nói.

Ông Trần Hồng Trường, Chủ tịch Hội vẩy nến cho biết đây là một bệnh mãn tính, làm tổn thương da và xương khớp của người bệnh. Bệnh  không loại trừ nam hay nữ, già hay trẻ, da trắng hay da màu…

Bác Nguyễn Ngọc Bảo (59 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, 4 năm trước đang khỏe khoắn, vẫn làm nghề may bình thường, sau một đêm ngủ dậy, bỗng nhiên bác bị sưng các khớp ngón tay. Đi khám bác sĩ cũng chỉ cho uống thuốc viêm khớp và hai năm sau, trên cơ thể bác xuất hiện nhiều các nốt đỏ bong tróc và được xác định là vẩy nến.
 
“Có bệnh thì vái tứ phương, tôi điều trị khắp cả, từ đông, tây y, lang vườn… nhưng không khỏi. Người thân nhìn mình cũng kinh nữa la người ngoài bởi toàn thân như bị ghẻ lở, bẩn thỉu. Năm 2010 tôi đến Viện Da liễu điều trị một đợt, toàn thân đã hết các nốt, di chứng khớp sưng khèo vẫn còn và giờ lại bị lại”, bác Bảo chia sẻ.

Ông Trường cho biết, bệnh vẩy nến có hai thể, bị bẩm sinh khi vừa sinh ra đã bị. Còn thể thứ hai là phát sinh bệnh khi đã 30 - 40 tuổi, thậm chí có người trên 50 tuổi mới biểu hiện bệnh. Việt Nam trong đó có khoảng 2,5 triệu người Việt Nam (khoảng 3% dân số cả nước) mắc căn bệnh này.

Khi bị vẩy nến, người bệnh rất khó chịu, ngứa ngáy và cả đau đớn tại các tổn thương trên da gây nứt và chảy máu. Những người mắc bệnh này thường có cảm xúc bối rối, xấu hổ và thường là che dấu làn da của mình để tránh dị nghị của những người xung quanh. Bệnh vảy nến còn bị nhầm lẫn sang các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh phong, bệnh giang mai và thậm chí cả HIV/AIDS. Chính vì thế nhiều bệnh nhân vảy nến có thể dẫn đến trầm cảm, thất vọng và nghiện ngập… Có tới 42% bệnh nhân có biến chứng viêm khớp vảy nến. Với những trường hợp bệnh nặng, vảy nến có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân vảy nến cũng được ghi nhận mắc các rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch…

Không lây lan

Chính vì dấu hiệu tổn thương trên da mà những người bị vẩy nến rất mặc cảm với người xung quanh. Chị Đồng Thị Hoàn (33 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) đã đối mặt với căn bệnh này đã 6 năm. Khi mắc bệnh cuối năm 2006, dọc hai cánh tay chị xuất hiện những mảng tổn thương, lở loét. Chị đã đi chữa khắp trong nam ngoài bắc, uống không biết bao thuốc Đông y của các thầy lang từ Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An… nhưng những vết loét vẫn không liền, liên tục tổn thương.
 
Với tổn thương này, một thời gian dài chị Hoàn đã bị mọi người xa lánh. Ảnh: H.Hải
Với tổn thương này, một thời gian dài chị Hoàn đã bị mọi người xa lánh. Ảnh: H.Hải

Quá sợ hãi, người chồng của chị cũng đã từ bỏ chị và con. Mãi sau khi đến viện Da liễu khám, chị được xác định là bệnh vẩy nến nên đã yên tâm điều trị.

Tuy vậy, khi nhớ đến thời gian đầu bị bệnh, chị vẫn không cầm được nước mắt bởi sự kỳ thị của mọi người. “Ở quê, đi ăn cỗ bàn, dù cố che tay rồi nhưng người ta vẫn thấy tổn thương ở hai mu bàn tay, họ sợ không dám ngồi cùng mâm vì lây lan. Rồi thời gian đầu đi bán rau, người mua rau nhìn thấy tay mình vậy cũng hoảng sợ không mua nữa. Giờ bán lâu rồi, mọi người thấy chỉ tay mình bị vậy còn thể trạng vẫn khỏe khắn, hai đứa con không bị lây bệnh nên mới đỡ hơn”, chị Hoàn nói.

TS Tiến cho biết, những tổn thương trên da khiến người không biết căn bệnh này sợ hãi lây nhiễm nhưng thực tế, căn bệnh này không lây lan. Nhưng vì biểu hiện tổn thương trên da, lại bị kỳ thị nên người bệnh rất tự ti, xấu hổ, rơi vào trầm cảm.

“Sự tự ti, mặc cảm, buồn phiền, lo lắng càng khiến tình trạng bệnh vẩy nến nặng thêm. Người Việt có tâm lý cứ có bệnh là chạy tứ phương nhưng không thể khỏi dứt điểm với bệnh vẩy nến. Trong khi đó, một “bài thuốc” tinh thần rất quan trọng là hãy chấp nhận nó, sống vui vẻ với nó, cười tươi với nó, bệnh sẽ nhẹ. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để chữa được bệnh thì 50% không phải do bác sĩ là do tâm lý của người bệnh. Tôi cũng là một bệnh nhân, không bị nặng như các bệnh nhân khác  bởi tôi luôn vui vẻ”, ông Trường nói.

Nhân ngày Vẩy nến thế giới (29/10), Viện Da liễu Trung ương tổ chức khám và tư vấn miễn phí cho bệnh nhân vảy nến. Hoạt động này sẽ gồm 2 đợt, trong đó đợt 1 từ ngày 29/10 đến 2/11, đợt thứ 2 là 26-30/11. Người bệnh có thể đến viện Da liễu để đăng kí khám và tư vấn.

Hồng Hải