Nghiện “yêu”: Đích thị bệnh lý

Nghiện tình dục là chứng bệnh đang ngày càng phổ biến, nhưng vì lý do tế nhị nên người nghiện ít khi thừa nhận mình bị bệnh. Chỉ đến khi chứng nghiện mang lại quá nhiều phiền phức, hoặc đứng trên bờ vực đổ vỡ hạnh phúc, “con nghiện” mới giật mình đi tìm cách “cai”.

 

Ai dễ nghiện?


 

Ai dễ nghiện?

 

Một trong những bản năng lâu đời nhất và cũng mạnh mẽ nhất là bản năng tình dục. Nhờ vào bản năng này mà loài người tồn tại và phát triển giống nòi. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó, nhất là khi ta sống trong xã hội luôn có những quy định mà người ta gọi là luật lệ, nếu vượt quá sẽ dẫn đến những rối loạn. Đam mê khoái cảm quá mức sẽ dẫn người ta đến chỗ huỷ hoại bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

Trước đây người ta coi nghiện tình dục chỉ là một thứ giả bệnh, xảy ra ở một số người nổi tiếng và nó rất ít được đề cập vì cho là đề tài cấm kỵ. Nhưng từ sau vụ xâm hại tình dục của một nhân vật nổi tiếng vào tháng 5.2011 tại New York thì nhiều người thú nhận rằng khi thấy nhân vật kia đứng trước vành móng ngựa, họ cũng có cảm tưởng chính mình đang bị kết án và đây là cơ hội để người ta thú nhận mình có vấn đề tương tự! Rõ ràng đối tượng mắc chứng nghiện tình dục ở nhiều tầng lớp xã hội rất khác nhau như luật sư, phẫu thuật viên, nghệ sĩ, vận động viên thể thao, và cả cha cố... nhưng giới truyền thông thường hay đưa tin về các vụ bê bối liên quan đến các nhân vật của công chúng làm cho ta có cảm tưởng người nổi tiếng dễ mắc hơn.

 

Sự bùng nổ các phương tiện thông tin như internet, điện thoại di động, sách điện tử... càng khiến các dạng nghiện tình dục trở nên đa dạng và dễ lây lan. Hiện nay tại Pháp, số lượng người bị chứng nghiện tình dục đến khám tại các phòng khám tâm thần và phân tâm học ngày càng tăng. Thời gian mắc chứng nghiện này kéo dài có khi đến 10 – 15 năm. Một nghiên cứu thống kê tại Pháp cho thấy 3 – 5% dân số mắc chứng nghiện này, tất cả các giới đều có thể mắc nhưng có ưu thế ở nam giới. Lứa tuổi có thể mắc nhiều nhất là 25 – 35. Các biểu hiện thường thấy là thường xuyên bị ám ảnh bởi chuyện quan hệ tình dục, có những cơn xung động ham muốn điên cuồng về tình dục cho dù biết trước hậu quả… Họ có thể tấn công cưỡng ép tình dục với người khác bất kể già trẻ, hay thường xuyên mua dâm. Có người suốt ngày truy cập vào các trang web tình dục và thực hiện hành vi thủ dâm liên tục, bỏ mặc công việc, nghĩa vụ khác. Họ ngày càng cách ly dần với thế giới xung quanh. Hậu quả là gia đình tan vỡ, sự nghiệp tiêu tan, có khi còn bị truy tố, kiện cáo, bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục...

 

Người nghiện thường có tâm lý chung là sau khi quan hệ tình dục họ cảm thấy lo âu hối hận nên dễ bị trầm cảm, rồi khi gặp lo âu hay stress lại chạy trốn bằng cách thực hiện các hành vi tình dục nhằm “giảm lo âu”, thành một vòng luẩn quẩn khó thoát. Có dạng nghiện tình dục đơn thuần nhưng cũng có dạng nghiện tình dục đi kèm các chứng nghiện khác, nếu kèm theo các rối loạn tâm thần như bạo hành, lệch lạc tình dục thì hậu quả càng nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tội ác.

 

Có khó cai?

 

Hiện nay Mỹ và một số nước châu Âu đã thành lập một số trung tâm cai nghiện tình dục bao gồm các nhà tâm lý học, các nhà tâm thần học, các nhà tình dục học… Điều trị trước tiên là để cho bệnh nhân tự nói lên những vấn đề của họ, đây là bước đầu tiên và rất quan trọng trong điều trị… sau đó các nhà chuyên môn sẽ đưa ra những trị liệu tâm lý và hành vi để điều chỉnh các lệch lạc, nâng đỡ sự tự tin cho họ. Nếu đối tượng bị trầm cảm thì có thể dùng các thuốc chống trầm cảm giải lo âu. Trong trị liệu rất cần sự trợ giúp nâng đỡ của người thân, tránh thái độ lên án miệt thị vì dù thế nào đây cũng là một dạng bệnh lý. Trong điều trị, người ta cũng khuyến khích bệnh nhân tham gia các nhóm đồng cảnh giấu tên như trong các nhóm nghiện rượu giấu tên.

 

Và ta cần hiểu rằng nghiện tình dục cũng giống như nghiện ma tuý nên phải kiên trì và khả năng tái phát là đương nhiên.

 

Theo BS Lê Đào Nghĩa,

Phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp

Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương

Sài Gòn tiếp thị