1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghiện chôm đồ người khác rồi… vứt đi

Có những người luôn bị thôi thúc bởi mong muốn “chôm” đồ của người khác. Bác sĩ tâm thần có góc nhìn rất bao dung: Những người này cần chữa bệnh!

TS-bác sĩ (BS) Phạm Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM , cho biết ông đã khám bệnh , giám định và điều trị cho những bệnh nhân luôn bị thôi thúc bởi mong muốn “chôm đồ” của người khác. Nhiều người gọi họ là kẻ cắp hoặc kẻ nghiện ăn cắp. Theo BS Thắng, đó là hội chứng xung động ăn cắp. Ông nói: “Chúng ta hãy thông cảm và giúp đỡ họ chữa bệnh. Tôi biết điều này không dễ đối với nhiều người”.

Ăn cắp rồi vứt đi

Vừa qua BS Thắng đã giám định tâm thần cho một thiếu niên 14 tuổi tên B. do công an đề nghị. B. có một “bề dày thành tích chôm chỉa” đáng nể: Vào siêu thị, chợ, shop chôm đồ nhiều lần, bị bảo vệ bắt được, báo công an. Có lần đi ngang qua tiệm vàng, B. cũng lượn vào “chôm” vài món. Nhiều lần cậu bị bắt quả tang, gặp đủ chuyện rắc rối. Cha mẹ năn nỉ, dỗ dành cũng có, mà đánh đập nặng tay cũng có nhưng B. vẫn chứng nào tật nấy. Cũng có vài lần chôm chỉa trót lọt, B. mang… cho người khác hoặc vứt đi. Cậu không hề có ý định chôm chỉa để bán lấy tiền hoặc sử dụng.

Sau khi trò chuyện với gia đình, BS Thắng biết được cha mẹ B. rất mắc cỡ, buồn bã vì con. B. nghiện chôm chỉa từ lúc còn bé xíu. Nhưng B. luôn vứt đi sau đó hoặc đem cho người khác. Sau khi được BS kết luận mắc hội chứng xung động ăn cắp, cậu được miễn trách nhiệm hình sự và được yêu cầu đi điều trị bệnh.

B. không phải là trường hợp hiếm hoi mắc hội chứng thích ăn cắp. Nhưng theo BS Phạm Tất Thắng, cực hiếm người đến gặp BS để được giúp đỡ. Họ hầu hết đều giấu bệnh hoặc không ý thức được đây là một loại bệnh.

Nghiện chôm đồ người khác rồi… vứt đi - 1

Giàu nghèo cũng có thể mắc bệnh

Theo BS Thắng, nhiều người lầm tưởng những người nghèo khó, có tính tham vặt mới mắc hội chứng này. Thật ra đây là một dạng bệnh không liên quan đến gia cảnh của người mắc phải.

BS Thắng nói: “Có những người rất giàu có, có địa vị vẫn bị mắc hội chứng nghiện ăn cắp. Tôi đã quan sát được điều này qua một số bệnh nhân . Tôi cũng từng đọc trên báo về những vụ việc một người giàu có, nổi tiếng đi ra nước ngoài ăn cắp nhiều lần với những món đồ giá trị thấp. Tôi cho rằng rất có thể họ đã mắc chứng bệnh này. Các bạn có thể giận dữ chửi rủa họ nhưng với chuyên môn của một BS, tôi chỉ nghĩ tới khả năng giúp họ điều trị bệnh”.

Người giấu bệnh xung động ăn cắp có thể gặp nguy hiểm bởi có thể bị đánh, bị tấn công. Hoặc ít nhất thì họ cũng gặp nhiều thất bại trong cuộc sống bởi bị người khác coi thường, đề phòng, từ chối giao tiếp.

Theo BS Thắng, dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt người mắc hội chứng xung động ăn cắp với người phạm tội ăn cắp chính là tính động cơ. Người mắc bệnh thường chỉ ham muốn thực hiện cho bằng được hành vi ăn cắp chứ không có động cơ sử dụng, mua bán, kiếm tiền từ đồ vật ăn cắp được. Vì vậy họ ăn cắp xong thì vứt đi, hoặc cho người khác, hoặc đem về nhà cất giấu chứ không dùng đến. Những người ăn cắp vì lòng tham dù có muốn giả bệnh để thoát tội cũng không được.

Người mắc bệnh xung động ăn cắp luôn bị thôi thúc bởi bản năng, bởi mong muốn mà người bệnh khó lòng cưỡng lại được. Có thể trước và sau khi ăn cắp, họ cũng cảm thấy xấu hổ, tội lỗi. Nhưng mỗi khi có cơ hội ăn cắp, họ lại dễ dàng đánh mất khả năng kiểm soát. BS Thắng khuyên: “Nếu con em bạn luôn thích chôm đồ của người khác thì nên đến khám BS và điều trị càng sớm càng tốt. Việc trừng phạt, đánh mắng, xa lánh không thể giúp mà chỉ làm tâm lý của các em bất ổn hơn”.

Qua nhiều kênh tiếp xúc và nghiên cứu, TS- BS Phạm Tất Thắng cho biết còn có những chứng bệnh tâm lý oái oăm không kém. Ví dụ, hội chứng xung động khiến người bệnh bị thôi thúc đốt nhà, bị thôi thúc làm đau chính bản thân mình…

Cần bao dung với người bệnh

Nghiện chôm đồ người khác rồi… vứt đi - 2

Chữa chứng bệnh xung động ăn cắp không đơn giản. Các bệnh nhân có những dạng tâm lý và thể chất khác nhau nên không thể tác động bằng một công thức có sẵn.

Các BS sẽ điều trị kết hợp thuốc và các liệu pháp tâm lý. Hai yếu tố còn lại là nghị lực của người bệnh và sự bao dung của những người xung quanh để không trở nên ác ý, kỳ thị họ.

TS-BS PHẠM TẤT THẮNG

Theo Hồng Minh

Pháp luật TPHCM