Nghiện 2 món triệu người thích, quý ông Vĩnh Phúc mắc ung thư thực quản
Trong vòng 2 tháng, ông Dương sụt liên tiếp 4kg, các triệu chứng đau tức ngực kèm theo khó nuốt tăng dần.
Đáng lưu ý, ông sụt liên tiếp 4 kg trong vòng 2 tháng dù vẫn ăn uống đều đặn. Cách đây nửa tháng, ông Dương thấy tình trạng khó nuốt tăng lên, hay bị nghẹn khi ăn, sau ăn bị đau tức nhiều vùng ngực nên đến BV TƯ Quân đội 108 thăm khám.
Bác sĩ kết luận, bệnh nhân mắc ung thư thực quản tế bào vảy ở 1/3 dưới thực quản, giai đoạn 2.
Sau hội chẩn, các bác sĩ khoa Phẫu thuật ống tiêu hoá, BV 108 quyết định mổ nội soi ngực – bụng, tạo hình ống cuốn dạ dày qua đường hầm sau xương ức.
Với sự hỗ trợ của GS Kazuhiko Yamada, khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Trung tâm Quốc gia về Y khoa và chăm sóc sức khỏe toàn cầu Nhật Bản, ekip phẫu thuật đã vét sạch 3 hạch cho bệnh nhân sau 10 tiếng phẫu thuật.
Sau 1 ngày hồi sức, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, ăn uống được qua đường miệng, tiêu hoá lưu thông tốt, giọng nói bình thường, không bị khàn. Sau cắt khối u, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân tránh hút thuốc, kiêng rượu bia.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, BV 108 cho biết, phẫu thuật nội soi đường ngực bụng cắt thực quản, nạo vét hạch với ống cuốn dạ dày qua đường hầm sau xương ức là phương pháp mới trong điều trị ung thư thực quản, đây là phẫu thuật rất khó, hiện chỉ có 1- 2 cơ sở y tế lớn tại Việt Nam thực hiện được.
Điểm nổi trội của phương pháp này là nạo vét được gần như triệt để các hạch di căn, điều mà trước đây thường bỏ sót dẫn tới tỉ lệ tái phát cao, thời gian sống ngắn hơn.
Với phương pháp làm đường hầm sau xương ức (trước đây là đường hầm ở trung thất sau), bệnh nhân không bị áp xe trung thất gây nguy hiểm sau mổ kể cả miệng nối bị rò. Ngay cả trường hợp khối u tái phát, bệnh nhân vẫn có cơ hội phẫu thuật lại, trong khi với phương pháp mổ cũ là không thể.
Rượu, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu
PGS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ung thư thực quản là ung thư phát sinh từ thực quản – đoạn ống tiêu hóa giữa cổ họng và dạ dày.
Bệnh thường xuất hiện các triệu chứng khó nuốt và giảm cân. Khi thấy những sự thay đổi trong cơ thể mình, bạn nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe.
Ung thư thực quản gồm 2 loại chính là ung thư biểu mô tế bào thực quản (ESCC), thường gặp ở các nước đang phát triển và ung thư tuyến thực quản (EAC), thường gặp ở các nước phát triển.
Đối với ung thư biểu mô tế bào vảy, nguyên nhân chính do hút thuốc lá, uống rượu, đồ uống rất nóng, chế độ ăn uống không đầy đủ và nhai trầu. Còn với ung thư tuyến thực quản, nguyên nhân phổ biến nhất do hút thuốc lá, béo phì và hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản.
Vì vậy, để phòng tránh ung thư thực quản, người dân cần từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá và uống rượu bia.
Hiện nay, ung thư thực quản đứng hàng thứ 8 trong các loại ung thư có số người mắc nhiều nhất thế giới với trên 450.000 trường hợp mắc mới mỗi năm, trong đó có khoảng 400.000 người tử vong. Trong đó tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới.
Tại Việt Nam, theo số liệu WHO 2018, ung thư thực quản đang xếp vị trí 15 trong số các loại ung thư phổ biến nhất với trên 2.400 ca mắc mới mỗi năm, tuy nhiên tỉ lệ tử vong lên tới 92% khi có tới 2.200 ca tử vong.
Con số này cũng khớp với các nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho thấy tỉ lệ sống sót cho bệnh nhân ung thư thực quản trên 5 năm là 43% đối với ung thư tại chỗ, 23% đối với ung thư đã lan rộng trong khu vực và 5% với ung thư lây lan xa. Tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân ung thư thực quản đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này các phương pháp điều trị rất hạn chế.
Điều trị ung thư thực quản được thực hiện dựa trên giai đoạn và vị trí ung thư, cùng với thể trạng chung của từng người, thường phối hợp xạ trị, hóa chất và phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quyết định.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Theo Thúy Hạnh
Vietnamnet