Nghỉ lễ, đừng ngập trong bia rượu!

(Dân trí) - Vụ tai nạn xảy ra trên đường Láng (Hà Nội) đêm 22/4 khiến nữ lao công vệ sinh môi trường tử vong chắc hẳn ám ảnh nhiều người. Chỉ một khoảnh khắc, bạn có thể cướp đi sự sống của một người, thậm chí của nhiều người, cướp đi gia đình của những đứa trẻ, nếu bạn say xỉn và lái xe.

Người lái xe sau bữa nhậu vì nhà có việc vui, với 5 – 7 cốc bia đã không làm chủ tốc độ, tông chết một nữ lao công, tiếp đó đâm vào xe máy, ôtô Mercedes chạy cùng chiều trên đường Láng.

Nghỉ lễ, đừng ngập trong bia rượu! - 1

Cậu học trò này và em trai đã vĩnh viễn mất mẹ, sau cú đâm định mệnh của người tài xế do không làm chủ tốc độ vì say xỉn.

Kết quả kiểm tra đo nồng độ cồn tại cơ quan công an của người tài xế này lên đến 1,055 miligam/lít khí thở.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho biết, khi uống rượu đến ngưỡng nồng độ rượu trong máu từ 50 – 100mg/dL, người uống sẽ chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.

"Đây là lý do, dù uống rượu ở ngưỡng thấp người ta vẫn đưa ra khuyến cáo người đã rượu bia không nên lái xe để phòng những bất trắc khi lưu thông trên đường do phản ứng chậm đáp ứng", BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết.

Còn nếu uống bia rượu với nồng độ rượu từ 100 – 200mg/dL, người say sẽ có hiện tượng nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, sững sờ…

Từ 200 – 400mg/dL, người say bị ức chế hô hấp, thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi, ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), đái ỉa ra quần, tụt huyết áp, hôn mê. Ở mức trên 400 có nguy cơ trụy tim mạch, tử vong.

Điều này cho thấy tác động của rượu bia là vô cùng nguy hại với người điều khiển phương tiện giao thông.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng bia rượu của người Việt

Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam  dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia như đột qụy, suy tim, các bệnh lý tăng huyết áp và phình động mạch chủ, tổn thương gan, xơ gan dẫn đến viêm gan, viêm tuỵ cấp, mãn tính và tai nạn giao thông do bia rượu.

"Điều tra cũng cho thấy 48% người trưởng thành uống rượu bia là nam giới đã lái xe sau khi uống rượu bia, đây là hành vi nguy hiểm", TS Park nói.

Vì thế, năm nào cũng vẫy, mỗi kỳ nghỉ dài lại là nỗi ám ảnh của các bệnh viện vì tình trạng tai nạn giao thông tăng cao.

"Những kỳ nghỉ lễ kéo dài, kéo theo đó là sự di chuyển nhiều luôn là nỗi lo ngại với các bác sĩ, khi mà số ca tai nạn giao thông luôn tăng hơn so với ngày thường. Nhiều ca tai nạn xảy ra do lái xe không làm chủ tốc độ vì "biêng biêng" bia rượu", bác sĩ cấp cứu tại BV Việt Đức cho biết.

Các ca tai nạn giao thông được chuyển đến BV Việt Đức thường là những ca tai nạn rất nặng nề, trên đường quốc lộ, cao tốc do tốc độ lái xe nhanh nên khi xảy ra va chạm gây chấn thương rất nặng cho nạn nhân. Rất nhiều trường hợp đưa đến cấp cứu là thanh niên, với nồng độ cồn trong máu cao, bị các chấn thương nặng như đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương đùi, cột sống, hàm mặt.

Theo các số liệu nghiên cứu công bố trong “Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012”, nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích sẽ tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày, và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.

Theo đó, 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); 1 cốc bia hơi 330ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

Vì thế, kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã bắt đầu, các bác sĩ khuyến cáo mọi người chỉ vui thôi, đừng vui quá, gặp gỡ bạn bè, gia đình uống bia rượu hãy uống chừng mực, đừng ép nhau cốc bia, chén rượu để không làm chủ bản thân có thể gây ra những tai nạn mất tính mạng vì lái xe, đánh nhau. Hãy nhớ, đã uống rượu bia dù ít hay nhiều, tuyệt đối đừng lái xe!

Hồng Hải