Nghệ sĩ lại quảng cáo "thần dược": Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm chết người

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chuyên gia y tế khẳng định, quảng cáo thực phẩm chức năng "lố" thành thuốc trị tiểu đường tận gốc của nghệ sĩ nổi tiếng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến biến chứng tim mạch, thần kinh... nếu làm theo.

Thời gian qua, câu chuyện người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí, có ảnh hưởng với công chúng dùng hình ảnh của mình quảng cáo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sai lệch về công năng đang trở thành vấn nạn nhức nhối. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, việc quảng cáo sai sự thật các loại thuốc "dỏm" cũng khiến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân bị ảnh hưởng.

Mới đây, một đoạn clip có hình ảnh nhiều MC, nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo loại "thần dược" chữa tiểu đường lại hiển thị tràn lan trên mạng xã hội, khiến ngay cả giới chuyên môn cũng bức xúc.

Cụ thể theo nội dung đoạn clip, các nghệ sĩ như C.T., Q.L. và T.N. (có gương mặt, giọng nói) quảng cáo về một loại thực phẩm chức năng có tên là B.D, xuất xứ từ Mỹ, dùng để "chữa tận gốc tiểu đường". Có người còn khẳng định đã gửi sản phẩm từ Mỹ về Việt Nam cho mẹ dùng 3 tháng và cho kết quả là "lượng đường ổn định, không bị gì nữa".

Đoạn clip tự động hiện lên facebook của người dùng theo diện quảng cáo được trả tiền, nên dù muốn hay không, nhiều người vẫn phải xem nội dung.

Nghệ sĩ lại quảng cáo thần dược: Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm chết người - 1

Đoạn clip có gương mặt, giọng nói của nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo "thần dược" chữa tiểu đường tận gốc lan rộng rãi truyền trên mạng xã hội (Ảnh: MXH).

"Mình có nghe thử giọng Q.L. nói và đọc các dòng quảng cáo trong bài thì thấy rằng những thông tin này thật sự là nguy hiểm vì nó không đúng sự thật, không dựa trên bất kỳ kết quả nghiên cứu khoa học nào cả. B.D là một thực phẩm chức năng, không có bất cứ chứng nhận nào đảm bảo tác dụng điều trị bệnh tiểu đường" - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California (Hoa Kỳ) khẳng định.

Trước đó vào tháng 11/2022, trên trang cá nhân, Q.L. từng khẳng định không bán hay ký hợp đồng quảng cáo cho loại thuốc hạ huyết áp, tiểu đường nào, các hình ảnh, clip trên mạng là do cắt ghép. Tuy nhiên đến nay, quảng cáo thuốc có gương mặt của nghệ sĩ này vẫn xuất hiện tràn lan.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ chia sẻ, tiểu đường là một căn bệnh mãn tính do rối loạn khả năng kiểm soát việc chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.

Nghệ sĩ lại quảng cáo thần dược: Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm chết người - 2

Chuyên gia khẳng định, không có bất kỳ thực phẩm chức năng hay thuốc nào trị tiểu đường tận gốc (Ảnh chụp màn hình).

Hiện nay, bệnh tiểu đường được phân thành 2 dạng chính. Dạng 1 (hay type 1) chiếm khoảng 5-10% số ca mắc, khiến người bệnh không tạo ra được insulin. Ở dạng này, không có thuốc để điều trị tận gốc và người bệnh phải phụ thuộc vào việc cung cấp insulin từ bên ngoài liên tục.

Còn type 2 là dạng phổ biến nhất (tỷ lệ 90-95% người mắc). Với dạng này, bệnh nhân vẫn tạo được insulin nhưng hoạt động không hiệu quả như người bình thường. Tiểu đường dạng này thường có thể phòng tránh hoặc kiểm soát được khi thực hiện các lối sống lành mạnh, như ăn các loại thức ăn tốt cho sức khỏe, tập thể dục và giữ mức cân nặng hợp lý.

Ngoài ra, còn các nhóm nhỏ như "tiểu đường thai kỳ" hoặc "tiền tiểu đường" (tiểu đường dạng nhẹ, được cho vào nhóm 2).

Tiến sĩ Vũ khẳng định, không có thực phẩm chức năng nào kiểm soát được lượng đường trong máu. Thông tin chữa tận gốc bệnh tiểu đường dạng 1, dạng 2 hay thậm chí không cần dùng insulin, ăn uống thoải mái là sai sự thật.

Nghệ sĩ lại quảng cáo thần dược: Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm chết người - 3

Một trường hợp bị tiểu đường biến chứng nguy kịch vì bỏ điều trị, uống thuốc trôi nổi trên mạng (Ảnh: Hoàng Lê).

Nếu người dân tin tưởng, uống theo mà không duy trì điều trị sẽ dẫn đến nguy cơ lượng đường trong máu cao không kiểm soát. Từ đó gây ra nhiều biến chứng xấu trong cơ thể như bệnh tim mạch, thần kinh, bệnh thận, bệnh về da, mờ mắt, hoại tử chi...

Bác sĩ Trần Thị Thùy Dung, khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM  cho biết, người bệnh đái tháo đường thường gặp các sai lầm trong quá trình điều trị, như không tuân thủ chế độ dinh dưỡng, không sử dụng thuốc đều đặn, không tái khám định kỳ, tự ý sử dụng các loại thuốc gia truyền, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Nhiều người khi mới phát hiện bệnh lại quá bi quan, lo sợ, ăn kiêng quá mức hoặc sử dụng các nhiều các loại thực phẩm không phù hợp, dẫn đến biến chứng tăng đường huyết cấp tính, suy gan hoặc suy thận.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, một bệnh viện công lập ở TPHCM cho biết, những tháng gần đây, khoa thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận những trường hợp vào cấp cứu sau khi uống thuốc không rõ nguồn gốc trị tiểu đường.

Điển hình là các loại thuốc chứa phenformin, chất dùng điều trị hạ đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường type 2 nhưng bị cấm từ thập niên 80 của thế kỷ trước vì gây toan chuyển hóa (nhiễm axit lactic) nặng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đau bụng, yếu cơ, khó thở. Tỷ lệ tử vong do biến chứng từ loại thuốc này rất cao, nhất là trên những người có bệnh nền suy gan, suy thận.

Bác sĩ khuyến cáo người dân đừng tự ý chữa tiểu đường bằng các loại thuốc trôi nổi mà phải đến bệnh viện để được can thiệp điều trị đúng cách.

Tháng 1/2023, Bộ Y tế có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội. 

Theo đó, thời gian qua một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như "nhà thuốc gia truyền", "danh y", "thần y" để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt... trên các mạng xã hội. Các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. 

Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại luật Dược. 

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc. Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử lý nghiêm các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo vi phạm.