Nghệ An: Bệnh nhân tay chân miệng tăng đột biến
(Dân trí) - Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, trong mấy ngày qua, tình trạng bệnh nhân tay chân miệng nhập viện điều trị tăng đột biến. 2/3 bệnh nhân đang điều trị tại khoa bị mắc tay chân miệng.
Số liệu Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cung cấp, ngày 7/10, có 27 bệnh nhân tay chân miệng đang điều trị tại khoa, chiếm 2/3 số lượng bệnh nhân toàn khoa. Đặc biệt, riêng ngày hôm qua, khoa tiếp nhận 10 bệnh nhân tay chân miệng vào điều trị. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, khó thở, giật mình, miệng và lòng bàn tay, bàn chân nổi ban đỏ phồng rộp…
“Nếu như trước đây, bệnh tay chân miệng chỉ ghi nhận ở các khu vực đông dân như ở thành phố Vinh và một số huyện đồng bằng Hưng Nguyên, Nam Đàn thì nay bệnh nhi mắc tay chân miệng được ghi nhận ở các huyện miền núi, dân cư thưa thớt như Thanh Chương, Con Cuông. Độ tuổi mắc tay chân miệng phổ biến ở các trẻ dưới 3 tuổi, trong đó số bệnh nhi dưới 1 tuổi chiếm từ 60-70%. Bệnh nhi ít tuổi nhất được ghi nhận điều trị tại khoa là cháu bé 5 tháng tuổi”, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Nếu như các năm trước, bệnh tay chân miệng xuất hiện từ tháng 8, số bệnh nhân rải rác thì năm nay, từ cuối tháng 9 đến những ngày đầu tháng 10, số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận 2-3 bệnh nhân, đặc biệt, trong ngày 6/10, có đến 10 bệnh nhân nhập viện điều trị vì tay chân miệng.
Bà Trần Thị Đệ (quê Diễn Lộc, Diễn Châu) có cháu là bé Cao Đăng Bảo Nguyên (11 tháng tuổi) đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Bà Đệ cho biết, cách đây 5 ngày, bé có biểu hiện sốt cao, bỏ bú, quấy khóc, tay nổi mụn nước, dùng thuốc hạ sốt không đỡ. Đến khi các nốt phồng rộp xuất hiện ở lòng bàn chân, lan lên đùi, mông, miệng chảy nước dãi, co giật từng cơn, gia đình mới hốt hoảng đưa bé vào bệnh viện và được kết luận bị tay chân miệng. Sau 5 ngày điều trị, bệnh tình của bé Bảo Nguyên đã có tiến triển tốt.
Chị Võ Thị Thu Hoài (Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu) phờ phạc sau 1 thời gian dài chăm con ở bệnh viện. Sáng qua, đứa con trai lớn của chị mới được các bác sỹ cho xuất viện sau 7 ngày điều trị thì cũng ngay trong buổi sáng, bé gái út cũng được nhập viện vì những triệu chứng của bệnh tay chân miệng như anh trai. Các bé đều có chung biểu hiện: sốt cao 39-40 độ, chân, tay, miệng xuất hiện những nốt ban đỏ.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, bệnh chân tay miệng là bệnh do vi rút gây ra, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, cần phải theo dõi và điều trị các triệu chứng như sốt cao liên tục dẫn đến giật mình (co giật)… Tại buồng điều trị, bé Trương Thị Như Ngọc (xã Tân Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An) bị băng trắng hai bàn tay. Chỗ đầu ngón tay để hở bắt đầu đã lên da non nhưng những vết sưng tấy, nứt nẻ vẫn còn. Thỉnh thoảng ngứa ngáy, khó chịu, bé Ngọc dùng tay nọ cọ vào các phần da non ở tay kia cho đỡ ngứa.
Chị Trương Thị Dần, mẹ bé Ngọc, cho biết, cách đây 10 ngày bé Ngọc có kêu ngứa cổ họng, sốt cao, rồi chân, tay nổi các nốt đỏ. Sau khi hạ sốt và bôi kem cho con không đỡ, chị Ngọc tự điều trị cho con bằng các phương pháp dân gian như ngâm nước trầu không. Các nốt đỏ không những không lặn đi mà cả hai bàn tay bé bị phồng rộp. Do điều trị không đúng cách và không giữ được vệ sinh nên hai bàn tay của bé sưng tấy, mưng mủ dẫn đến nhiễm trùng.
Sau 8 ngày điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, các triệu chứng tay chân miệng đã biến mất, các nốt phồng rộp ở lòng bàn tay xẹp xuống, khô ráo.
Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo: “Khi các cháu xuất hiện sốt cao liên tục, co giật, khó thở, nổi ban đỏ ở tay, chân, miệng cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị và theo dõi. Cần phải phân biệt triệu chứng tay chân miệng với bệnh loét miệng ở trẻ. Một trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần vì bệnh này có nhiều typ khác nhau, do đó các bậc phụ huynh không nên chủ quan vì nghĩ con mình đã từng bị thì không thể tái mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi nhưng cần phải theo dõi và điều trị triệu chứng, kết hợp với vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng với các loại thức ăn dễ tiêu hóa để nâng cao thể trạng cho bé.
Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phong cho con, sử dụng Cloferamin hoặc nước Zaven lau sàn nhà, đồ chơi cũng như giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Những người chăm sóc trẻ cần phải rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc, thay quần áo, làm vệ sinh hay cho trẻ ăn. Khi trẻ bị bệnh, cần thiết phải cách ly từ 7-10 ngày để phòng việc lây mầm bệnh cho các trẻ khác”.
Hoàng Lam