Nên tầm soát ung thư đại tràng từ độ tuổi nào?
(Dân trí) - Mọi người nên tầm soát ung thư đại trực tràng bắt đầu từ 45 tuổi, cho dù không có triệu chứng, theo dự thảo hướng dẫn mới của Cơ quan chuyên trách Phòng ngừa Mỹ (PSTF).
Hướng dẫn mới được ban hành gần đây và vẫn chưa chính thức. “Nhìn chung, những người từ 45 đến 75 tuổi nên được tầm soát để giảm nguy cơ tử vong vì bệnh này,” bản tin về dự thảo hướng dẫn nêu rõ. Các khuyến nghị hiện tại khuyên mọi người nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng ở tuổi 50, tiếp tục cho đến khi 75 tuổi.
PSTF nhấn mạnh rằng dự thảo khuyến nghị áp dụng cho "người lớn không có triệu chứng và không có tiền sử bản thân về polyp đại trực tràng, hoặc tiền sử sức khỏe bản thân hoặc gia đình về các rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng."
Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong do ung thư ở Mỹ. Ung thư đại trực tràng không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng ngay lập tức, nhưng khi tiến triển, nó có thể dẫn đến thay đổi thói quen đi ngoài, chảy máu trực tràng, máu trong phân, đau bụng và sụt cân ngoài ý muốn.
Tại sao độ tuổi khuyến nghị tầm soát ung thư đại trực tràng lại được hạ xuống?
Mặc dù tỷ lệ những người có chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng đang giảm ở những người từ 65 tuổi trở lên, nhưng tỷ lệ này thực sự đang tăng lên ở những người trẻ hơn. Theo dữ liệu từ ACS, ước tính khoảng 12% trường hợp ung thư đại trực tràng-khoảng 18.000 ca-sẽ được chẩn đoán ở những người dưới 50 tuổi.
Điều này đã xảy ra trong một thời gian. Tỷ lệ ung thư đại tràng ở người lớn dưới 50 tuổi đã tăng lên kể từ giữa những năm 80, với các nhóm tuổi trẻ hơn chứng kiến mức tăng mạnh nhất.
Những người trẻ hơn cũng đang được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn. Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Journal of the National Cancer Institute cho thấy những người dưới 55 tuổi dễ bị chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối nhiều hơn 58% so với những người lớn tuổi. Các tác giả giải thích “phần lớn là do sự chậm trễ trong việc theo dõi các triệu chứng, đôi khi trong nhiều năm, vì bệnh thường không nằm trong tầm ngắm của những người trẻ tuổi hoặc người chăm sóc của họ”.
Khi tầm soát sớm hơn, các bác sĩ sẽ có cơ hội phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm hơn, dễ điều trị hơn.
Tầm soát ung thư đại trực tràng bao gồm những gì?
Các chuyên gia nhấn mạnh: “Chỉ vì độ tuổi sàng lọc có thể bắt đầu từ 45 không có nghĩa là những người trẻ tuổi không có nguy cơ mắc bệnh, ngay cả khi nguy cơ đó không tăng lên đến mức khiến cho việc sàng lọc trở thành một bước đi thích hợp”. Do đó, nếu một người ở độ tuổi 20, 30 hoặc 40 bị chảy máu trực tràng liên tục, thay đổi thói quen đi ngoài hoặc đau bụng/vùng chậu kéo dài, họ nên thảo luận thêm với bác sĩ của họ, có thể bao gồm cả nội soi đại tràng.
PSTF khuyến nghị hai hình thức xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng: xét nghiệm trực quan (xem cấu trúc của đại tràng và trực tràng để tìm bất thường) và xét nghiệm dựa trên phân (kiểm tra phân để tìm dấu hiệu ung thư). Theo ACS, các xét nghiệm được khuyến nghị bao gồm:
- Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT), để tìm máu trong phân
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân guaiac (gFOBT), tìm máu ẩn trong phân thông qua phản ứng hóa học
- Xét nghiệm ADN trong phân, tìm kiếm máu ẩn và các đoạn ADN bất thường do ung thư hoặc polyp (một đám tế bào phát triển dọc theo niêm mạc đại tràng, có thể là tiền ung thư)
- Nội soi đại tràng, trong đó bác sĩ xem xét toàn bộ chiều dài của đại tràng và trực tràng bằng ống soi đại tràng, một ống mềm có chiều rộng bằng ngón tay với một máy quay video nhỏ và nhẹ ở đầu
- Chụp cắt lớp vi tính đại tràng, sử dụng chụp CT và chụp X-quang đại tràng và trực tràng để tìm các khu vực bất thường
- Nội soi đại tràng sigma ống mềm, một quy trình tương tự như nội soi đại tràng nhưng không kiểm tra toàn bộ đại tràng.