Mứt tết - chết không chừng!

Sức mua rất lớn của người tiêu dùng, tết bao giờ cũng trở thành “cơ hội vàng” cho những người sản xuất và kinh doanh… thực phẩm bẩn.

Thời điểm này, phải một thời gian nữa mới là ngày vàng sắm tết song đã có rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là những mặt hàng bánh, mứt, kẹo…

Không thể... bẩn hơn

Năm nào cũng vậy, đây là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất ở làng nghề Xuân Đỉnh, “quê hương” của những loại mứt truyền thống như: bí, cà rốt… Từ đầu làng tới các “đường ngang lối tắt” trong làng, chỗ nào cũng thấy bầu không khí sản xuất rộn ràng, báo hiệu một mùa “làm ăn” không thất bát với số lượng lớn sẽ được xuất xưởng. Mặc dù đang trong thời kỳ khó khăn nhưng người ta ước tính, sản lượng mứt bí mà làng nghề Xuân Đỉnh cho ra “lò” vẫn phải lên đến hàng chục vạn hộp, không giảm nhiều so với mọi năm, sẽ theo các ngả đường đến khắp các hang cùng ngõ hẻm trên dải đất hình chữ S này.

Cũng vì nhiều như vậy, lại sản xuất theo mô hình đậm chất thủ công, nên vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đáng bàn đối với mứt tết sản xuất ở đây. Dẫu đã đầu tư về dây chuyền sản xuất và ý thức hơn trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm nhưng các hộ sản xuất mứt tết truyền thống ở làng nghề Xuân Đỉnh vẫn không tránh khỏi lề lối đã ăn sâu vào tiềm thức. Minh chứng là hai bên con đường dẫn vào làng, chỗ nào có khoảng đất trống là được tận dụng tối đa để bày la liệt những sọt, những thùng chứa đầy nguyên liệu sản xuất.

Mứt bí được sản xuất ở nơi sạch sẽ” như thế này
Mứt bí được sản xuất ở nơi "sạch sẽ” như thế này

Điều đáng nói là những thùng, sọt nguyên liệu ấy hoàn toàn “lộ thiên” không có gì che chắn để bảo đảm chúng được giữ gìn sạch sẽ từ những khâu đầu tiên. Đã vậy, xen lẫn những chỗ để nguyên liệu, có khi lại là rác sinh hoạt hoặc dưới là mứt trên là đang phơi quần áo vừa giặt nhỏ nước tong tỏng. Trong các hộ gia đình, đồng thời cũng là nơi sản xuất mứt thì không khác gì ngoài ngõ, mọi diện tích đều được tận dụng triệt để từ tầng thượng, các ngóc ngách trong nhà đến khoảng sân… nếu không là nguyên liệu trong quá trình chế biến thì cũng là các bể chứa phục vụ cho một chu trình làm mứt.

Tuy nhiên, tại nơi trực tiếp sản xuất ấy, đáng lẽ vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu thì lại vẫn là tình trạng hệt như nhìn thấy ngoài ngõ hoặc con đường làng, nghĩa là trên những thùng phi (hoặc bể) dùng để ngâm bí với đường, không có nắp đậy, làm cho hàng loạt côn trùng biến đây thành “mồi ngon” đậu đen kịt, đến nỗi có cảm giác bí trộn lẫn… ruồi. Chưa kể đến ở nhiều thùng, ruồi chết nổi lềnh phềnh trên mặt nước đường. Các công nhân làm mứt thì chân đi dép lê thay vì đi ủng chuyên dùng cho khu chế biến. Nếu người nào đi ủng thì đôi ủng ấy cũng lại được họ tận dụng “một công đôi việc” vừa dùng để đi lại ở nơi trực tiếp sản xuất vừa để đi ra ngoài.

Nếu như nhìn miếng mứt thơm ngon, trắng muốt khi đã thành phẩm và cảnh trực tiếp sản xuất này mới thấy một sự mâu thuẫn khủng khiếp! Đó là chưa nói đến các nguyên liệu để làm mứt, đặc biệt là cà rốt, được mua chủ yếu từ Trung Quốc (do cà rốt Trung Quốc to, mập, dễ làm hơn so với cà rốt Việt Nam). Trong khi đây là mặt hàng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo có chất độc hại. Và không hiểu có phải vì nguyên nhân ấy, đồng thời nhằm “né” cơ quan chức năng trong trường hợp họ kiểm tra chất lượng mà mứt bí, cà rốt khi đã chế biến xong, lúc đóng gói không đề rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, chỉ để đơn giản trong túi giấy như bao xi măng hoặc túi nilon có in hình hoa đào đỏ thắm.

Khi Đội Quản lý thị trường Từ Liêm, Hà Nội kiểm tra một số cơ sở sản xuất mứt tết ở đây dưới góc độ quản lý của họ, nhiều cơ sở cho rằng, vì sản xuất để cung cấp cho các hãng kinh doanh nên không cần phải như vậy. Như cơ sở sản xuất Minh Tiến, không biết chủ cơ sở nói đúng hay sai, mứt bí của họ sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Bánh kẹo Hải Hà. Thế nhưng, khi cơ quan quản lý thị trường đề nghị xuất trình hợp đồng này thì chủ cơ sở lại nói: “Phải vài hôm nữa mới đi lấy hợp đồng nên bây giờ chưa có”(!?).

“Ngon” vì… hóa chất

Không chỉ ở làng nghề Xuân Đỉnh, tại cái “nôi” của các loại mứt đậm chất Nam Bộ như mứt mãng cầu, me, dừa là TP Hồ Chí Minh, một số cơ sở sản xuất nằm trên đường Thái Phiên, phường 9, quận 11, báo chí cũng phát hiện vì sao mứt của họ “ngon” và được tiêu thụ rộng khắp thị trường, đó là do “bí quyết”… ngâm hóa chất. Đồng nghiệp của chúng tôi đã mô tả như thế này: “Cả đống mãng cầu, trong đó có nhiều trái bị đã hư thối, được lột hết vỏ rồi cho vào máy chà để tách hột. Phần thịt mãng cầu xay nhuyễn chứa trong những thau lớn nổi bột trắng nhờ nhờ, kích thích đám ruồi nhặng kéo đến bậu đen kịt. Thịt mãng cầu nếu để vài giờ là phải bỏ vì ôi chua. Nhưng nhờ có hóa chất (không biết hóa chất gì) tạo dẻo, chống mốc, tạo độ giòn, trong suốt nên thứ nguyên liệu tưởng như chỉ có thể đổ đi vẫn trở thành thứ mứt thơm ngon được nhiều người ưa thích”.

Cũng như vậy, mứt me ngon nức tiếng vùng Nam Bộ được sản xuất với “quy trình” tương tự, chỉ khác là, chúng được nhúng qua một loại bột cũng không rõ nguồn gốc mua tại chợ “hóa chất” Kim Biên để tạo màu vàng sáng sau đó “ướp” chất bảo quản. Chính chủ một cơ sở sản xuất bật mí: “Nhờ có những hóa chất như vậy mà mứt có thể để 6 tháng không bị mốc mà vẫn dẻo ngon”.

Bên cạnh việc sản xuất mứt “ngon” thì các loại mứt tết, bánh kẹo trôi nổi cũng được bán tràn lan ở khắp các chợ đầu mối như Đồng Xuân, Hàng Buồm… Sở dĩ vì sao gọi là trôi nổi bởi chúng không rõ nguồn gốc và chủ cơ sở kinh doanh cũng không chứng minh được xuất xứ ở đâu. Chính vì vậy phương thức chính họ lựa chọn là bán theo cân, bởi: “Không lẽ lại dán từng chiếc tem nhãn có in nguồn gốc xuất xứ lên từng chiếc kẹo? Mà như vậy thì làm sao xuể”, chủ một ki-ốt ở chợ Đồng Xuân biện bạch. Tuy nhiên, theo thực tế hiện nay, có rất nhiều mặt hàng, trong đó có thực phẩm, hàng Trung Quốc trà trộn vào và đây là hàng thứ phẩm, kém chất lượng, thậm chí để “đắt khách”, chúng còn được dán tem giả hàng… Việt Nam vì tâm lý “sợ hàng Tàu” của người tiêu dùng trong nước.

Quản lý năm nay... tệ hơn năm ngoái?

Để xảy ra tình trạng trên đây không chỉ vào dịp tết mà nói chung, trách nhiệm trước hết có thể nói là của cơ quan quản lý, nhất là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế. Dù có sự chồng chéo trong cơ quan quản lý giữa các bộ, ngành, dù có sự bất cập trong phân định quyền hạn và trách nhiệm, thế nhưng là cơ quan trực tiếp quản lý vấn đề này, lại ở giai đoạn được coi là “trên mâm cơm” (tức là đã thành thành phẩm) thì để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn bán tràn lan, trách nhiệm phải thuộc về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã làm gì nhằm giải quyết vấn đề đã trở thành quốc nạn này? Có thể nói vẫn chỉ là những công việc chỉ nghe đã thấy nhàm chán. Bởi nó được lặp đi lặp lại quá nhiều lần và không năm nào khác năm nào: đó là “thanh kiểm tra…”; “Đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm”; là “Kiểm tra ráo riết vệ sinh an toàn thực phẩm dịp tết nguyên đán”; “Khuyến cáo người tiêu dùng…” v.v… Trong khi tất cả những biện pháp ấy trong suốt những năm qua, mang lại hiệu quả rất thấp nếu như không muốn nói là không có, thậm chí “năm nay lại tệ hơn năm ngoái”, cứ như vậy mà không có “hồi kết”.

Người ta mong chờ một sự quyết liệt, nỗ lực cao nhất trong hoàn cảnh có thể để giải quyết tình trạng thực phẩm bẩn từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhưng dường như là… vô vọng! Không hiểu Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có thấu hiểu điều này để tìm ra “con đường sáng” cho vệ sinh thực phẩm hay lờ đi, buông xuôi để rồi người tiêu dùng phải tự “gồng mình”, phải “tự chịu trách nhiệm” với vấn đề đáng lẽ ra phải có sự gánh vác của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Một câu hỏi chắc chắn chưa có câu trả lời!

Theo Xuân Bách
Petrotimes