TPHCM
Mùa tựu trường “phập phồng” lo dịch bệnh bùng phát
(Dân trí) - Một học sinh mắc bệnh tay chân miệng cả lớp có nguy cơ bị nhiễm, toàn trường có thể phải đóng cửa… trong khi đó bệnh sốt xuất huyết đang tăng mạnh toàn thành phố đang lo sợ dịch bệnh bùng phát trong mùa tựu trường.
BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: “Trong tháng 7 thành phố có 1.882 ca mắc bệnh phải nhập viện điều trị, dịch bệnh vẫn lưu hành tại 171 phường xã. So với tháng 6, dịch tay chân miệng đã giảm 10% tuy nhiên mức độ giảm không ổn định bởi tại nhiều quận huyện như quận Tân Bình, quận 10, quận Bình Tân,… số ca bệnh vẫn gia tăng”.
Xét theo tính chu kỳ của dịch TCM trong những năm qua cho thấy, thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 loại bệnh dịch này sẽ bước vào chu kỳ 2. Trên thực tế số ca mắc TCM trong chu kỳ 2 luôn cao hơn so với lần thứ nhất. Năm nay, bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh còn cao trong khi đó thời gian dịch bệnh “khởi phát” lần 2 sẽ rơi vào mùa tựu trường nên thành phố khó có thể tránh khỏi một đợt dịch TCM mới với dự báo sẽ đầy gian nan.
Bên cạnh dịch TCM, bệnh sốt xuất huyết (SXH) vào mùa và đang tăng nhanh. Trong tháng 7, có 234 phường xã xuất hiện ổ dịch SXH với 1.250 ca mắc bệnh. Điểm nóng của SXH xảy ra tại các quận 7, quận 8, Tân Bình và hai huyện Hóc Môn, Bình Chánh… từ đầu năm đến nay SXH khiến 2 người thiệt mạng.
Trước tình hình trên, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành và quận huyện tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM và SXH trên địa bàn nhằm chống lây lan trong cộng đồng, nhất là vào thời điểm bắt đầu năm học mới 2011-2012.
Theo đó, Sở Y tế phải nắm sát tình hình diễn biến dịch bệnh TCM, SXH phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện công tác phòng chống trong các trường học. Tổ chức huấn luyện cho đội ngũ thầy cô giáo ở cấp mầm non, tiểu học về phòng chống dịch, đồng thời nâng cao nghiệp vụ cán bộ ngành y tế về chẩn đoán, điều trị TCM và SXH hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.
UBND thành phố yêu cầu các ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học… phát hiện sớm trẻ mắc bệnh TCM và SXH để nhanh chóng cách ly điều trị và thực hiện các biện pháp xử lý phòng chống dịch, không để lây lan.
Vân Sơn