Mưa gió, nhớ có dầu tràm

(Dân trí) - “Ở đâu có gió, ở đó có dầu” là phương châm dân dã có từ lâu. Các loại dầu gió đã được sử dụng rất rộng rãi trong cộng đồng người Việt chúng ta để phòng ngừa, chữa trị cảm mạo, “gió máy” cho mọi người ...

Đặc biệt ở Thừa Thiên Huế, người địa phương khai thác và chế biến từ cây tràm hoang dại ra loại dầu tràm độc đáo có thể dùng sản phụ và trẻ sơ sinh…

Tràm gió có ở nhiều nơi

Cây Tràm, dân ta thường gọi là Tràm gió (tinh dầu tràm được dùng làm dầu gió), có tên khoa học là Melaleuca leucadendron Linn, họ Myrtacesea, thường mọc tự nhiên thành rừng.

Người phương Tây phát hiện và sử dụng cây tràm đầu tiên ở Mã Lai với tên địa phương là Cayu-puti, do đó dầu tràm thời ấy khi đưa vào sử dụng điều tri bệnh được gọi tên là Oleum Cajuputi (cajuput oil).

Ở Việt Nam, nhiều đồi rừng tràm phân bố rải đều ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh…với diện tích cả trăm ngàn héc ta.

Ở các tỉnh nghèo miền Trung, đặc biệt ở Thừa Thiên Huế, trên những đồi trọc, rú cát, nắng gió, cằn cỗi của huyện Phú Lộc có một loài tràm “hoang” mọc dại bạt ngàn trên đất, chen kẻ với sim, mua, cây chổi…. Nông dân ở đây “tranh thủ” khai thác và chế biến thành dầu tràm, bán nhan nhản trên quốc lộ 1 cho khách vãng lai qua địa phương này. Điều khá lý thú là các nhà khoa học khi phân tích thành phần sinh dược liệu đã phát hiện rằng cây tràm hoang dại lại có hàm lượng dược chất cao hơn hẳn so với cây tràm gió thông thường.

Lò cất dầu tràm thủ công ở Huế Ảnh T B T
Lò cất dầu tràm thủ công ở Huế Ảnh T B T

 Từ lâu người ta khai thác tinh dầu tràm rất đơn giản bằng cách chưng cất thủ công, dùng hơi nước lôi cuốn tinh dầu trong thân lá của các loại tràm thiên nhiên hay trồng, canh tác được. Trữ lượng tinh dầu Tràm của nước ta khá lớn, ước tính khoảng 500 tấn/năm.

Thành phần dược liệu

Trước đây, tinh dầu tràm thô, cajeput oil (oleum cajuputi), mới chưng cất là một hỗn hợp bay hơi nhiều thành phần như eucalyptol (cajuputol), terpineol và nhiều chất tinh dầu gốc terpenes khác, được đem sử dụng trực tiếp làm thuốc chữa bệnh.     

Theo phân tích dược học hiện nay, chỉ hai chất chính trong tinh dầu tràm được sử dụng làm dược liệu là α- Terpineol có tỷ lệ 5-12% và chất Eucalyptol 42-52%.

Hoạt chất α- Terpineol chiết xuất từ tinh dầu tràm có tính sát trùng (diệt khuẩn, nấm và siêu vi) tốt, do đó  α- terpineol là một nguyên liệu quý để bào chế nhiều loại thuốc bôi xức trực tiếp hoặc dầu khí dung bay hơi. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy α- Terpineol có rất nhiều ưu điểm: (1) Không độc với con người ở liều có tác dụng kháng khuẩn, (2) Có thể dùng cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và trẻ sơ sinh, (3) Có tác dụng sát trùng khá rộng trên vi khuẩn, nấm và siêu vi, (4) Theo nghiên cứu cấp Bộ Y tế, thực hiện tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh năm 2008 của Hãng dược phẩm OPDIS PHARMA, thì hoạt chất α-terpineol trong dầu Tràm còn có tác dụng ức chế diệt cả hai vi rút cúm A H5N1 và A H1N1, (5) Nguyên liệu α- Terpineol  (Tiêu chuẩn dược điển Anh) dùng làm thuốc đã được Bộ Y tế cấp mã số đăng ký sản xuất VNA-2686-99 và (6) Từ năm 2008, Bộ Y tế đã cho phép đưa dầu tràm vào Danh mục thuốc thiết yếu để Kiểm soát bệnh địa phương (local diseases control) trong chương trình Chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Hoạt chất Eucalyptol có tác dụng sát khuẩn nhẹ, long đàm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng và mỹ phẩm...

Các dạng bào chế, cách dùng và công dụng

Dạng bào chế

Từ gốc chính là chai dầu tràm, hiện nay để tiện dụng người ta có nhiều dạng bào chế khác nhau, đặc biệt là những dạng cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.

Cách dùng

Cũng như các loại dầu gió khác, dầu tràm có thể dùng bằng cách: (1) Thoa hai bên thái dương, xương ức, xương sống...(2) Xông hơi trong phòng làm việc, phòng ăn, phòng ngủ...(3) Xông, hít, ngửi để dầu đi vào vùng mũi họng, (4) Tắm nước ấm có pha thêm dầu tràm, (5) Dùng dạng viên nang hay dung dịch uống và (5) Dùng dạng kẹo ngậm, viên mút…

Công dụng

* Chống cảm lạnh, gió và tránh ho.

Bằng cách xoa dầu tràm lên thái dương, massage dầu vào lòng bàn tay, bàn chân, tắm nước ấm co pha dầu tràm.

* Sát trùng, khử khuẩn

Cho một vài giọt dầu tràm vào trong chén nước nóng, hoặc thấm miếng bông gòn vào một ít dầu tràm rồi để ở các góc nhà để tinh dầu bay hơi. Cũng có thể vẫy dầu tràm để làm sạch sát khuẩn không khí trong phòng.

* Xua đuổi muỗi và côn trùng

Thoa dầu tràm lên da giúp tránh được muỗi đốt; nếu bị côn trùng cắn dùng dầu tràm xoa để giảm sưng, đau và giảm ngứa rất nhanh.

* Giảm đau, hạ sốt

Tại chỗ và toàn thân có thể dùng để giảm đau ở da như bị côn trùng cắn hay xoa trán để giảm đau đầu, xoa má giảm đau răng, đau khớp…

* Chống đầy hơi, ăn không tiêu (carminative).

Khi trẻ bị đầy hơi, không tiêu, cho một ít dầu tràm vào tay rồi xoa vào bụng giúp dễ chịu rất nhiều.

* Kích thích bài tiết mồ hôi (stimulant & sudorific)

Làm ấm cơ thể, thúc đẩy máu huyết lưu thông và kích thích tiết mồ hôi giúp cơ thể loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể.

* Ức chế vi rút cúm kể cả H1N1 và H5N1

Dược chất α-Terpineol từ tinh dầu tràm được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn, ức chế được siêu vi cúm, kể cả H5N1.

* Giảm nghẹt mũi và giảm ho, long đàm ở trẻ nhỏ

Dầu tràm không cay nóng, nên có thể cho trẻ ngửi hơi dầu tràm để tránh nghẽn mũi cho trẻ nhỏ rất nhanh trong các trường hợp viêm hô hấp trên như mũi họng, thanh, khí, phế quản.

Đôi điều bàn luận

Từ lâu dầu tràm đã được sử dụng rất rộng rãi trong cộng đồng để phòng ngừa cảm mạo, “gió máy” cho người già, người bệnh, sản phụ, trẻ nhỏ, kể cả những bé sơ sinh; dân gian thường nói ví “Ở đâu có gió, ở đó có dầu”.

Thiết nghĩ dùng dầu tràm gió chiết xuất tự nhiên và các chế phẩm dẫn xuất dưới dạng xông, hít mũi trong phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ, trong ôtô... cũng là một biện pháp y tế dự phòng hợp tình, hợp lý và rất khoa học: vừa tạo hương thơm dễ chịu lại vừa sát khuẩn, ức chế vi rút, đặc biệt đang trong mùa cao điểm các dịch sốt siêu vi, cúm như hiện nay.

Dầu tràm quá phổ biến, gần như tương hợp với mọi người và rất ít nghe thông tin về tai biến không mong muốn. Thiết nghĩ vào mùa lạnh, mưa gió việc “thủ sẵn” một chai dầu tràm trong nhà và khi ra đường cũng là một biện pháp y tế dự phòng giản tiện, khoa học và hữu ích.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm