Mùa đông, chân tay lạnh ngắt, xử lý thế nào?

Mùa đông, chân tay dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến tê cứng. Hiện tượng này không chỉ diễn ra khi tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh mà ngay cả khi được “ủ” trong chăn ấm, chân tay vẫn có cảm giác bị tê buốt.

Đi tất vẫn lạnh chân

Mùa đông đến, việc giữ ấm cho cơ thể luôn là vấn đề được chú trọng hàng đầu. Bên cạnh những loại quần áo dày, giữ nhiệt, các loại tất chân, gang tay cũng là những món đồ không thể thiếu trong những ngày đông giá rét.

Tuy nhiên, nhiều người dù đã “trang bị” đầy đủ những phụ kiện trên nhưng vẫn có cảm giác bị lạnh nhất là hai bàn chân và bàn tay.

Chị Trần Thị Nhi (Ngõ 148, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Mùa đông nào cũng thế, sợ nhất cái cảm giác tay chân cứng đờ, lạnh như đá mỗi khi đi ngoài đường. Đã thế, tối đến khi ngủ, tất tay, tất chân “kín mít” mà sáng dậy vẫn thấy chân tay lạnh buốt. Không hiểu tại sao tôi lại bị như thế?”.

Mùa đông, nhiều người thường gặp phải tình trạng chân tay bị tê cứng, ê buốt
Mùa đông, nhiều người thường gặp phải tình trạng chân tay bị tê cứng, ê buốt

Lý giải về điều này, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Việt Nam) cho hay, chân tay bị lạnh trong mùa đông xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Có thể do yếu tố ngoại cảnh (nhiệt độ không khí xuống thấp khiến cơ thể người cũng dễ bị mất nhiệt) hoặc do cơ địa thích ứng với thời tiết của từng người…

Trong đó, Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh, nguyên nhân chủ yếu khiến tay chân bị lạnh trong mùa đông là do khí huyết trong cơ thể không được lưu thông.

Ông Trung giải thích: Mùa đông với tiết trời hanh khô và nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến các thành mạch máu co lại, dồn ứ khí huyết, làm chậm quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Do đó, lưu lượng máu chảy đến những vùng “xa xôi” của cơ thể như bàn tay và bàn chân cũng trở nên hạn chế. Chính điều này khiến chân tay thường bị lạnh trong mùa đông.

Bên cạnh đó, theo Lương y Vũ Quốc Trung, ngoài yếu tố chủ yếu là thời tiết rét buốt tác động trực tiếp lên cơ thể con người, chứng chân tay bị lạnh trong mùa đông còn gặp ở một số người có cơ địa “mẫn cảm” với mùa lạnh như những người mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, thiếu máu, phụ nữ sau khi sinh nở...

Xử lý chân tay lạnh trong mùa đông ra sao?

Các chuyên gia nhận định, chứng chân tay bị lạnh trong mùa đông không quá nguy hiểm đối với sức khỏe con người nhưng cũng cần phải lưu ý. Bởi lẽ, những người có cơ địa mẩn cảm với thời tiết, tình trạng chân tay bị lạnh có thể trầm trọng hơn và gây ra “cước” khiến chân tay mẩn đỏ, sưng và đau nhức các đầu ngón tay, ngón chân, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Do vậy, để chân tay không gặp phải tình trạng trên, việc quan trọng là cần giữ ấm cho cơ thể trong mùa đông nhất là việc sử dụng các loại tất chân, tất tay giữ nhiệt. Khi cơ thể đủ ấm, khí huyết lưu thông tốt sẽ hạn chế được tình trạng chân tay bị tê cứng, ê buốt.

Khi gặp tình trạng chân tay bị lạnh khi vừa tiếp xúc với thời tiết giá buốt, việc đầu tiên là phải mát-xa tay chân liên tục để “tăng nhiệt” giúp giãn nở khí huyết. Ngoài ra, có thể kết hợp xoa bóp cùng các loại tinh dầu để kích thích quá trình lưu thông khí huyết tốt hơn.

Theo các chuyên gia, ngâm chân trong nước ấm có pha chút muối và gừng tươi là phương pháp hữu hiệu chữa chứng chân tay lạnh trong mùa đông
Theo các chuyên gia, ngâm chân trong nước ấm có pha chút muối và gừng tươi là phương pháp hữu hiệu chữa chứng chân tay lạnh trong mùa đông

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, trong Đông y, gừng là vị thuốc mang tính ấm, có tác dụng trừ hàn, giải cảm rất tốt. Do vậy, người sợ lạnh hoặc hay bị lạnh chân tay có thể uống nước gừng hoặc trà gừng để giúp cơ thể ấm dần lên, kích thích các mạch máu giãn nở.

Đồng thời, ngâm chân tay với nước ấm pha chút muối và gừng tươi trước khi đi ngủ cũng là một phương pháp đơn giản giúp điều hòa và lưu thông khí huyết tốt hơn, hạn chế tình trạng chân tay bị lạnh và tê cứng.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung vitamin và những thực phẩm có nhiều calo và chất béo sẽ là sự lựa chọn hữu ích trong mùa đông giá rét vì chúng cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng để sản sinh nhiệt lượng “sưởi ấm” cơ thể.

Bổ sung multi-vitamin cho cơ thể bằng cách chọn những thực phẩm có chứa niacin (một vitamin thuộc nhóm B, giúp giãn mạch máu và mở rộng các mạch máu, làm tăng lưu lượng máu). Niacin thường có trong sữa, trứng, thịt bò, thịt lợn, bơ, đặt trong các loại hạt và ngũ cốc…

Ngoài ra, tập thể dục buổi sáng cũng là một phương pháp giúp đẩy mạnh tuần hoàn máu và sự trao đổi chất trong cơ thể. Khi cơ thể khỏe mạnh, việc tay chân bị lạnh cũng được đẩy lùi hiệu quả.

Theo Linh Chi

Báo Gia đình & Xã hội